xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

VẾT ĐỢI

Truyện ngắn của Nguyễn Thanh Nga

Tôi tên là Thơ - người con gái sinh ra từ làng quan họ.

Làng tôi nằm uốn khúc quanh co bên con đê sông Cầu bao năm nước chảy. Bà ngoại tôi kể, mẹ đặt cho tôi cái tên đó, bởi nó là tính từ trong một câu hát quan họ mà mẹ tôi hay ngân nga: "Sông Cầu - nước chảy lơ thơ. Đôi ta thương nhớ bao giờ cho nguôi?". Mẹ tôi là nghệ sĩ hát quan họ, câu hát thấm đẫm trong đôi mắt lúng liếng, nụ cười thật duyên và chiếc má lúm đồng tiền ẩn hiện của mẹ.

"Lóng lánh à, lóng í à lánh ơi! Mắt người lóng lánh như sao trên trời".

Mẹ tôi e thẹn nép sau vành nón quai thao, chú Lai nền nẩy trong câu hát, khẽ chạm vào tay mẹ tôi không chịu buông ra. Mẹ tôi yêu chú Lai từ lúc nào chẳng biết.

Bà thím thủ thỉ với mẹ tôi rằng:

"Quan họ có lời nguyền: Người hát quan họ không bao giờ lấy nhau".

Bà thím cũng từng là người hát quan họ nhưng đổi nghề từ khi lấy ông chú tôi. Nhưng làm sao mẹ tôi tin được điều đó, bởi miếng trầu mẹ têm vẫn thắm, câu quan họ mẹ hát cùng chú Lai vẫn tình. Chú Lai thường đi đò sang bên này sông, mẹ tôi đứng dưới gốc cậy gạo bên con đê đầu làng đợi chú Lai qua đón. Họ ngồi trên bờ đê, hát cho nhau nghe, tới canh khuya, khi vầng trăng chếch, chú Lai lại gọi ông Thung lái đò, đưa chú trở về bên kia sông trong lòng đầy nỗi nhớ.

Chuyện tình của chú Lai và mẹ tôi sẽ đẹp như một bài thơ nếu như không có một biến cố xảy ra với gia đình tôi. Bà ngoại mỗi lần kể vẫn rưng rưng nước mắt. Ông ngoại tôi năm đó chung tiền với ông Tiến xóm Chài để mua thuyền và máy khai thác cát dưới sông. Cát đem lên bờ, đổ thành đống bán cho các công trình xây dựng. Người ta chung vốn làm ăn thì lãi to. Ông tôi chung vốn, thuyền bè chưa mua được, phải đi vay nặng lãi để góp thêm vào. Nhưng ông Tiến cầm quỹ, ôm tiền của ông tôi và mấy người khác đi vượt biên mất hút. Nhà tôi rơi vào cảnh túng quẫn, không có khả năng trả nợ cho ông.

VẾT ĐỢI- Ảnh 1.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ông tôi đi bộ đội về, chẳng hiểu sao không thể sinh thêm được với bà tôi một mụn con nào nữa. Ông bà chỉ có mẹ tôi.

Mẹ tôi theo đoàn quan họ đi hát, tiền kiếm được chẳng bao nhiêu so với món nợ của gia đình. Hằng ngày, tiếng người vào đòi nợ thuê át đi tiếng hát của mẹ. Ông tôi cũng vì nghĩ ngợi nhiều mà lăn ra ốm. Bà tôi vét đến hạt thóc cuối cùng trong chiếc hòm gỗ đem bán cố mà không thấm tháp gì với món nợ ông vay.

Chú Lai ít sang sông thăm mẹ tôi hơn. Chú theo đoàn đi biểu diễn khắp mọi miền xa xôi, đến những nơi làng mở hội. Câu hát của chú nền nẩy ngân lên, chú nắm lấy bàn tay cô Thương mềm mại. Cô ấy rất xinh. Thực ra, mẹ tôi nói lời chia tay với chú Lai trước đó. Mẹ có mang với một người đàn ông khác, người ấy là ai, bố tôi là ai mẹ nhất định không nói. Bà ngoại chỉ kể rằng một buổi trưa hè đầy mây xám vần vũ trên bầu trời, mẹ cầm theo rất nhiều tiền về trả nợ cho ông. Mẹ đã khóc ròng cả một ngày đến nỗi không ai dỗ nín được. Còn ông tôi, ông ốm được ba tháng thì ra đi.

Ngày ông đi, có cơn mưa bỏng rát mùa hạ cũ ở đâu kéo đến ào ạt vây quanh. Mẹ và bà đội khăn tang đưa ông ra đồng, tiếng kèn réo rắt nỗi buồn mà không sao lấn át được tiếng người làng chỉ trỏ vào cái bụng lùm lùm của mẹ tôi.

Bến đò Yên Dũng, một ngày hoa gạo nở tháng ba, mẹ mang nặng tôi sắp đủ chín tháng mười ngày. Hôm ấy, trên sông, chú Lai bảnh bao trong bộ comple cài hoa trước ngực. Chú cùng đoàn rước dâu sang làng tôi đón cô Mai về nhà chồng. Mẹ tôi co thắt nỗi đau cơn trở dạ.

Bà thím vào thăm mẹ tôi ở trạm xá vẫn nhắc lại:

- Thím đã bảo quan họ có lời nguyền: Người trong quan họ không bao giờ lấy nhau. Thằng Lai không lấy cháu, cũng không lấy cô Thương cùng đoàn mà lại đi lấy con Mai là giáo viên ở xóm bên.

Mẹ khóc mà bà thím vẫn thao thao bất tuyệt:

- Mà thằng Lai nó đâu có yêu con Mai. Nghe người làng đồn rằng thằng Lai bị gia đình ép cưới. Nó buồn vì không đến được với cháu nên nhắm mắt lấy Mai.

Mẹ buồn, nỗi buồn rụng rơi như làng tôi những ngày mưa dầm dề trên bến sông cô đơn gốc cây gạo.

Mẹ không đủ sữa cho tôi bú. Bà thường phải chắt nước cơm pha đường đút cho tôi từng thìa; hay thỉnh thoảng may mắn lắm tôi mới được các cô bác trong đoàn quan họ cũ của mẹ về thăm, họ cho tôi hộp sữa Ông Thọ. Đó là món quà quý giá thời bấy giờ. Tôi dễ nuôi nên ăn uống thế nào cũng lớn. Nhưng mẹ tôi trở nên thẫn thờ, quên nhớ. Một ngày mưa rả rích trên mái ngói phủ rêu, mẹ cười lạc giọng trong đêm đen rồi bỏ nhà đi mất.

Có người bảo trông thấy mẹ tôi ở bến tàu một mình, ánh mắt vô hồn, không còn nhận ra ai. Bà tôi khóc nhớ thương mẹ bạc cả tóc, cùng họ hàng đi tìm mẹ khắp nơi. Nhưng đáp lại sự tìm kiếm chỉ là tiếng xình xịch ga tàu chuyển bánh chậm chạp, là những khoảng trời chiều buông mành bóng tối và chìm khuất vào bóng đêm im lìm; đâu đó đáp lại tiếng ễnh ương ngoài ao chuôm kêu ộp oạp. Bà tôi trở về ôm tôi bé bỏng trong lòng. Tôi cũng nằm gọn trong bà mà hiểu chuyện lớn lên.

Tôi lẫm chẫm biết đi trong khoảng sân gạch nhà bà ngoại. Những đứa trẻ quanh xóm tôi, chúng gọi tôi ra đầu ngõ chơi trốn tìm. Bà tôi mải mê làm việc quần quật trên đồng, mùa nào thức nấy để nuôi tôi lớn khôn. Bà dù mệt nhưng không bao giờ quên ru tôi ngủ mỗi đêm. Bà xoa bàn tay thô ráp vào chiếc lưng của tôi cho đỡ ngứa. Tôi xoay người về phía bà, nghe bà kể chuyện cổ tích. Chuyện bà kể rằng: Có chàng trai thương mẹ, đi kiếm củi về nấu cơm. Chàng đi lên núi theo con đường mòn cho tới buổi chiều tắt nắng, lúc ấy chàng mới nhận ra mình đã lạc đường về nhà… Tôi chìm vào giấc ngủ khi câu chuyện bà kể vẫn còn dang dở.

Bà cũng nhẩn nha hát cho tôi nghe. Bà hát hay lắm! Bà bảo hát quan họ phải có đủ bốn yếu tố: "Vang, rền, nền, nẩy" như thế mới là người biết hát. Thảo nào giọng hát của bà, câu trước nối câu sau thật vang, trong và cũng thật tròn vành rõ tiếng. Tôi chưa gặp mẹ tôi, cũng chưa bao giờ nghe mẹ tôi hát, có chăng chỉ là lúc tôi còn nằm trong bụng mẹ, bởi trong tiềm thức, trái tim tôi nghe được điều đó.

Có một điều bà tôi chẳng bao giờ biết, đó là những buổi chiều, tôi thường ra gốc cây gạo đầu làng, ngóng mẹ tôi về ở đó. Tôi tin lắm! Tôi biết một ngày nào đó mẹ sẽ trở về. Điều đó nung nấu những hy vọng ngọt ngào trong tôi đến ngân nga thổn thức. Tôi vạch trên cây gạo những vết khắc nhỏ. Chúng đo chiều cao tôi lớn lên, chúng cũng là những vệt khắc ghi mỗi buổi chiều tôi đứng đây đợi mẹ. Vệt khắc dày chi chít đến nỗi, cả một vòng gốc cây cổ thụ, chỗ nào cũng hằn vết cứa trên thân cây.

Ngày tôi tròn mười tuổi, bà mua cho tôi bộ quần áo mới. Chiếc áo hoa màu tím nhạt, có in hình trăng sao. Tôi mặc bộ quần áo ấy chạy ra đánh dấu vào cây gạo đầu làng.

Ngày tôi mười sáu tuổi, tôi được vào sinh hoạt đội văn nghệ hát dân ca quan họ của trường. Cơ thể tôi cao lớn lên nhiều, lưng bà tôi thì còng xuống. Bà thường mặc chiếc áo nâu bạc màu, ra những lò gạch cạnh dòng sông của làng tôi làm thuê. Họ thương bà tôi già, cho làm công việc nhẹ nhàng nhất, đó là xếp gạch từ quang gánh các cô bác chuyển tới thành kiêu gạch liền nhau. Lúc rảnh, tôi thường ra phụ bà làm việc. Tôi len lén nhìn đôi tay run run chai sần của bà, quệt ngang dòng nước mắt, chẳng phải bà vì tôi mà vất vả đó sao? Tôi vạch trên thân cây một vết cứa, lòng tôi tràn ngập tình yêu thương với bà.

Ngày tôi mười tám tuổi, tôi chào tạm biệt bà để lên Hà Nội học đại học. Niềm vui đỗ đạt chẳng thể ngăn được nỗi lưu luyến khi xa bà. Tôi nhớ vệt khắc trên thân cây gạo. Tôi nhớ hình ảnh bà vẫy tay, tiễn tôi ra đầu ngõ. Chân tôi bước đi mà lòng chẳng muốn rời. Miệng tôi lẩm bẩm gọi hai tiếng "Bà ơi!", òa khóc một mình với chiếc ba-lô trên lưng nặng trĩu.

Năm tôi hai hai tuổi, tôi gói ghém bao cực khổ học hành để trở về khoe với bà tấm bằng có dấu đỏ của Trường Nhạc viện. Bà đón tôi đầu làng, cây gạo như rũ mình theo gió chào đón tôi. Những vết khắc trên thân cây còn hằn sâu từng kỷ niệm.

Tôi theo đoàn đi biểu diễn liên miên, nhiều lúc rảnh tôi lại lên mạng đăng ký tìm mẹ tôi để mong thấy dù chỉ là một dòng tin tức. Tôi sợ lắm. Sợ mẹ tôi chẳng bao giờ về, bà tôi đã già, nỗi đợi chờ của bà ngày một ngắn thêm.

Thời gian vụt trôi như gió, bà tôi ra đi sau trận cảm đột ngột; hôm ấy, ngày hội làng nô nức, câu quan họ văng vẳng bên sông Cầu bỗng gãy thành đôi. Tay bà lọt thỏm trong bàn tay tôi nguội lạnh. Bà ơi! Một đời người đi qua, trời đất còn điều gì đau đớn hơn chuyện sinh ly tử biệt?

Tôi đi sau chiếc xe tang tiễn đưa bà chặng đường cuối cùng, đi qua gốc cây gạo đầu làng vẫy gió, vẫn hằn rõ những vệt khắc gan lì trên thân cây. Mắt nhòa đi, tôi nhìn xa xa như dáng mẹ đang về, mẹ mặc áo mớ ba mớ bảy, đội nón quai thao, hát câu quan họ dặt dìu như bà từng hát ru tôi:

"Bên (i) mạn oanh (í ơi) bên mạn oanh. Ngồi tựa trăng thanh. Thương nhớ (ơ) sầu oanh. Lẻ loi chim (i) nhạn, ới bạn tình ơi. Em biết cho đến bao giờ. Họp mặt là đôi sánh đôi?"

NGUYỄN THANH NGA

Nghề nghiệp: Nhân viên văn phòng; hiện sinh sống và làm việc tại Bắc Ninh; có nhiều tác phẩm truyện ngắn được đăng trên các báo: "Gió thổi bến sông", "Tình khói mây", "Những bước chân trở về", "Tia nắng bình yên"...

VẾT ĐỢI- Ảnh 3.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo