Luật Đấu thầu có hiệu lực từ ngày 1-1 nhưng đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn. Điều này khiến các cơ sở y tế gặp khó khăn trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế.
Bệnh nhân phải hoãn mổ, chuyển viện
Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) là bệnh viện ngoại khoa hạng đặc biệt lớn nhất cả nước nhưng mấy tháng nay thiếu vật tư phục vụ các ca mổ chấn thương. Nhiều bệnh nhân phải về chờ đợi hoặc chuyển sang bệnh viện khác.
Chị T.H.Th (ngụ Hà Nội) cho biết mới đây, người thân của chị bị ngã, xẹp đốt sống, phải phẫu thuật. Gia đình liên hệ với Bệnh viện Việt Đức thì được biết thiếu vật tư (xi-măng sinh học) nên phải chuyển người thân đến Bệnh viện Bạch Mai.
Nhiều tháng nay, với những bệnh nhân có thể trì hoãn cuộc mổ do hết vật tư, bệnh viện đều đặt lịch hẹn. Song, cũng có không ít trường hợp bệnh viện hẹn nhiều tháng vẫn chưa được phẫu thuật. Đơn cử trường hợp nữ bệnh nhân ở Thái Bình, bị gãy cột sống do chấn thương sau tai nạn.
Bệnh nhân này cho biết ngày 12-10-2023, chị đến bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội khám và gần 1 tuần sau đó nhập viện để chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc mổ diễn ra ngày 18-10-2023. Đúng lịch vào phòng mổ, khi nhân viên y tế chuẩn bị sát trùng phẫu trường, kíp mổ và bệnh nhân đột ngột nhận được thông báo "thiếu vật tư y tế, phải hoãn mổ".
Khi bệnh nhân hỏi bác sĩ về thời gian dự kiến được mổ, chị nhận được câu trả lời "may ra đầu năm 2024 mới có" - tức là thời điểm đó chị phải chờ ít nhất 2,5 tháng. Dù sốt ruột và lo lắng cho sức khỏe nhưng bệnh nhân đành nhận lại tiền đặt cọc trước mổ và chờ đợi.
Theo nữ bệnh nhân này, từ đó đến nay đã hơn 5 tháng. Sau nhiều lần liên hệ với bệnh viện, chị vẫn được thông báo chưa có thanh nối - một loại vật tư để triển khai ca mổ.
Thiếu thuốc, vật tư y tế, phải tạm dừng các cuộc mổ phiên và chỉ ưu tiên những trường hợp cấp cứu cũng là tình trạng chung của nhiều bệnh viện công lập hiện nay. Nhiều lãnh đạo bệnh viện cho biết để có thể đấu thầu rộng rãi với số lượng lớn thuốc, trang thiết bị, vật tư, cơ sở y tế phải chờ các thông tư của Bộ Y tế theo Nghị định 24/2024/NĐ-CP (Nghị định 24) hướng dẫn thực hiện Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Hành lang pháp lý chưa đủ?
Sau khi Nghị quyết 30 về thực hiện các giải pháp bảo đảm mua sắm thuốc, thiết bị y tế (Chính phủ ban hành ngày 4-3-2023) hết hiệu lực vào ngày 31-12-2023, nhiều lãnh đạo bệnh viện công lập kỳ vọng vào Luật Đấu thầu (sửa đổi) có hiệu lực từ năm 2024 và Nghị định 24 (quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu) sẽ tháo gỡ được nhiều vướng mắc. Tuy nhiên, đến nay, không ít bệnh viện vẫn chưa thể thực hiện được việc này vì chưa có thông tư hướng dẫn.
Một lãnh đạo bệnh viện tuyến trung ương cho biết nhiều vật tư thông thường như găng tay, bông băng; vật tư phẫu thuật, mổ mắt... phải mua theo gói dưới 50 triệu đồng, tức là giám đốc bệnh viện được tự quyết định. Tuy nhiên, cũng có những vật tư phục vụ phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, tim mạch giá cao nên không thể mua theo hình thức này...
Ngay cả nếu áp giá gói thầu của các bệnh viện khác làm căn cứ mua sắm thì đặc thù bệnh viện cũng không thể mua đủ mặt hàng như nhu cầu sử dụng thực tế, có thể chỉ dùng một vài tháng và chỉ được thực hiện 1 lần trong năm. Nhiều tháng nay, có những bệnh viện chỉ bảo đảm vật tư y tế cho các trường hợp cấp cứu, không thể có vật tư phục vụ các ca mổ phiên.
"Thuốc và vật tư y tế là hàng hóa đặc biệt, không thể đấu thầu giống như các mặt hàng thông thường. Vì vậy, nếu hành lang pháp lý chưa đủ thì bệnh viện rất khó triển khai. Bởi lẽ, ngoài luật còn có các văn bản dưới luật, như nghị định, thông tư hướng dẫn..." - lãnh đạo một bệnh viện giải thích.
Vẫn chờ thông tư hướng dẫn
Tại hội nghị về công tác đấu thầu mới đây, bác sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Mắt TP HCM, nhận xét Luật Đấu thầu (sửa đổi) cũng như Nghị định 24 đã tháo gỡ được rất nhiều vướng mắc trong việc mua sắm của các cơ sở y tế công. Tuy nhiên, cần có thông tư hướng dẫn về phân nhóm các loại thuốc, vật tư, trang thiết bị. Thông tư cũng cần nêu rõ đâu là hạng mục dành cho các cơ sở y tế, khám chữa bệnh được phép chủ động đấu thầu mua sắm; đâu là những mặt hàng thuộc diện đấu thầu tập trung cấp tỉnh, cấp trung ương.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), về mặt nguyên tắc thì Nghị định 24 đã tương đối rõ ràng. Song, trong thực tế làm việc cần có những quy định rõ ràng hơn. Đó là mặt hàng nào thì thuộc diện đấu thầu tập trung của trung ương, mặt hàng nào thuộc diện đấu thầu tập trung cấp địa phương và mặt hàng nào các bệnh viện trực tiếp được phép đấu thầu tại cơ sở.
Cùng quan điểm trên, ông Đào Khắc Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, cho rằng dù luật và nghị định đã có nhưng Bộ Y tế cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn với các nội dung cụ thể để thực hiện.
Đến nay, đã 3 tháng kể từ ngày Luật Đấu thầu (sửa đổi) có hiệu lực nhưng những quy định mới của luật này vẫn chưa thể áp dụng trong đấu thầu y tế. Với những bệnh viện còn thuốc, vật tư thì giá trị gói thầu được thực hiện từ năm 2023 cũng sắp hết hiệu lực, đòi hỏi phải tiếp tục tổ chức những phiên đấu thầu mới.
Nhiều chuyên gia y tế cho rằng nếu thiếu thuốc, vật tư, người bệnh mất đi quyền lựa chọn bệnh viện mà mình mong muốn điều trị. Nếu phải chuyển đến bệnh viện khác, họ thường sẽ phải trả chi phí cao hơn rất nhiều vì không đúng tuyến BHYT.
Bệnh viện Bạch Mai vận dụng các quy định
PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết bệnh viện đã khẩn trương vận dụng các quy định tại Nghị định 24 để mua sắm thuốc, vật tư phục vụ việc khám chữa bệnh tại cơ sở. Hiện bệnh viện cơ bản bảo đảm vật tư, hóa chất, thuốc để khám chữa bệnh.
"Là bệnh viện đa khoa tuyến cuối, chúng tôi cũng tham gia đóng góp để xây dựng thông tư hướng dẫn. Với các bệnh viện, khi có hướng dẫn thì càng chi tiết càng dễ thực hiện. Tôi được biết Bộ Y tế đang cùng những bộ, ngành liên quan xây dựng, ban hành các thông tư hướng dẫn cụ thể" - ông Cơ thông tin.
Đủ căn cứ để đấu thầu?
Tại hội nghị CLB Giám đốc bệnh viện khu vực phía Bắc năm 2024 vừa diễn ra, ông Hoàng Cương, Cục Quản lý đấu thầu - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khẳng định Nghị định 24 là cơ sở để các bệnh viện triển khai ngay việc mua sắm mà không cần chờ sự ra đời của những thông tư hướng dẫn.
Theo ông Cương, Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Nghị định 24 có nhiều điểm mới, giúp đấu thầu thuốc, vật tư y tế thuận lợi hơn; có thể chỉ định thầu trong trường hợp có dịch bệnh hoặc ngay trong một số tình huống để bảo đảm hoạt động thường xuyên của bệnh viện. Về lý do vì sao nhiều bệnh viện vẫn chưa mua sắm được và vẫn thiếu thuốc, vật tư phục vụ khám chữa bệnh, ông Cương cho rằng do trách nhiệm của các chủ đầu tư. Các quy định hiện hành đã đủ căn cứ pháp lý để bệnh viện mua sắm, đấu thầu.
Ông Cương cho biết Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng các thông tư hướng dẫn Nghị định 24 để bệnh viện áp dụng trong mua sắm, đấu thầu. "Trong các thông tư của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện những quy định tại Nghị định 24, có một thông tư liên quan việc đàm phán giá, một thông tư về mua sắm tập trung - là trách nhiệm của Bộ Y tế; còn đối với bệnh viện nếu tự mua thì cũng không ảnh hưởng gì. Một số bệnh viện lớn gặp vướng mắc trong việc xây dựng các tiêu chí đánh giá và chúng tôi đã hướng dẫn"- ông Cương nói.
Bình luận (0)