Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, tại các trung tâm thương mại lớn ở TP HCM như Vincom Đồng Khởi (quận 1), Vạn Hạnh Mall (quận 10), Giga Mall (TP Thủ Đức)... cũng như các cửa hàng kinh doanh thời trang, đồ gia dụng, mỹ phẩm trên đường Nguyễn Trãi (quận 5), Sư Vạn Hạnh (quận 10)..., nhiều cửa hàng ế ẩm dù đã giảm giá 50%-70% hoặc mua 1 tặng 1, mua 1 tặng 2 trong dịp Black Friday (ngày 29-11).
Lý giải về cửa hàng ế ẩm dù đã giảm giá "sập sàn", chị Nhã Uyên, chủ cửa hàng quần áo, mỹ phẩm trên tuyến đường Lê Văn Sỹ (quận Tân Bình) cho biết nhiều khách hàng đang mua sắm trên các kênh online như TikTok và Shopee. Do đó, lượng khách đến mua sắm trực tiếp tại cửa hàng giảm mạnh.
"Black Friday đã không còn "hot" như những năm trước do trong năm liên tục có nhiều phiên giảm giá mạnh, không chỉ dịp này nên khách hàng không còn mặn mà tranh thủ mua sắm trong Black Friday.
Mua hàng online đang là xu thế vì vừa tiện và vừa rẻ. Khách hàng không cần đến tận nơi nhưng vẫn mua được hàng giá hời, mẫu mã đẹp lại thêm nhiều voucher giảm giá. Vậy nên nhiều cửa hàng vắng khách dịp Black Friday là dễ hiểu"- chị Uyên nói.
Trong khi đó, tại Vincom Đồng Khởi, chị Nguyễn Ngân, quản lý cửa hàng thời trang thương hiệu nổi tiếng A., cho biết hiện có nhiều cửa hàng trong dịp Black Friday "ế" là vì những sản phẩm đó chưa có thương hiệu và chưa thực sự cần thiết, như son môi, đồ chơi, nước hoa...
Trao đổi với chúng tôi, nhiều người tiêu dùng cho biết ảnh hưởng của kinh tế khó khăn buộc họ phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn trong chi tiêu mua sắm nên các chương trình khuyến mại, giảm giá sâu không còn đủ sức hấp dẫn.
Ngoài ra, số đông cho rằng đa số sản phẩm hàng hóa được tung ra vào dịp Black Friday dù có mức giảm giá sâu song thực tế lại không ‘hời’ như lời doanh nghiệp quảng cáo.
Chị Đặng Huyền (ngụ TP HCM) cho biết trong dịp Black Friday đã tranh thủ đi dạo các trung tâm Takashimaya và Saigon Center để mua sắm nhưng đã khá thật vọng khi các nhãn hàng đều để bảng giảm giá sâu từ 50-75% nhưng mẫu mã không đa dạng.
"Những mẫu được giảm giá đa phần là hàng cũ, hàng trưng bày hoặc size quá cỡ, không phù hợp với yêu cầu của phần đa người tiêu dùng. Những mẫu bán chạy, mẫu mới lại không được giảm giá”- chị Huyền giải thích.
Liên quan đến Black Friday, nhiều người mua hàng trên mạng để hưởng được giá ưu đãi khá bức xúc khi chất lượng phục vụ kém hoặc giá cả không hề rẻ so với tại đơn vị khác.
Anh Long Nhật, ngụ TP HCM, cho biết "săn sale" gà KFC trên kênh online giá 89.000 (giá gốc 164.000 đồng) gồm 3 miếng gà, 1 phần mỳ ý và 1 lon nước ngọt để đãi người bạn của mình. Ngoài giá món, anh còn phải trả thêm phí vận chuyển 10.000 đồng. Tuy nhiên, kể từ lúc đặt hàng đến khi giao hàng mất gần 1,5 tiếng đồng hồ dù cửa hàng KFC cách đó không xa.
"Bực bội vì đợi quá lâu, tôi liên hệ cửa hàng thì ứng dụng trên Zalo báo hệ thống đang gặp gián đoạn. Vì KFC yêu cầu thanh toán trước và không thể hủy nên bắt buộc phải nhận. Tôi mong chất lượng phục vụ cần tốt hơn"- anh Nhật nói.
Chị Minh Thu, ngụ TP HCM, cho hay lướt trên một sàn thương mại điện tử nhìn thấy quảng cáo máy giặt cửa trên đang giảm giá sốc 38%, từ 5,2 triệu đồng xuống còn 3,2 triệu đồng nên vội chốt đơn. Đến ngày sắp giao hàng, chị kiểm tra lại giá thì một số chuỗi bán lẻ điện máy chỉ bán giá gốc 4,4 triệu đồng và đang khuyến mãi còn 2,9 triệu đồng.
"Kê giá rồi giảm giá mạnh sẽ khiến khách hàng mất lòng tin trong ngày giảm giá. Những đợt giảm giá tới họ sẽ không còn quan tâm nhiều"- chị Thu chia sẻ.
Bình luận (0)