Sáng 7-4, HĐND TP HCM tổ chức chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời với chủ đề "Quản lý hoạt động cấp, thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt". Tham dự chương trình có ông Phạm Thành Kiên, Phó Chủ tịch HĐND TP HCM.
Gửi câu hỏi đến chương trình, cử tri Nguyễn Tính cho rằng hệ thống cống thoát nước của TP HCM hiện nay khá cũ kỹ và nhỏ hẹp. Tình trạng này dẫn đến công tác sửa chữa gặp nhiều khó khăn và gây nguy hiểm cho các công nhân nạo vét, thu gom rác. Cử tri Nguyễn Tính đặt vấn đề thành phố có biện pháp gì để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho công nhân khi làm các công việc nguy hiểm này.
Tương tự, cử tri Quang Vinh cho biết hiện nay ở nước ngoài đa số dùng robot và máy móc hiện đại để nạo vét cống rãnh. "Công ty thoát nước của thành phố sao không trang bị các thiết bị này để sử dụng cho an toàn?" - cử tri Quang Vinh đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi của cử tri, ông Lý Thọ Đắc, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Đô thị TP HCM (UDC) cho biết công nhân phải đối mặt với nhiều rủi ro trong quá trình duy tu, nạo vét hệ thống thoát nước. Do đó, UDC cũng đã triển khai nhiều giải pháp để phòng ngừa rủi ro.
Theo ông Đắc, hằng năm, đơn vị liên tục tổ chức các buổi đào tạo cho toàn bộ công nhân, nhân viên và cả lãnh đạo của công ty. Đồng thời, công ty cũng có kế hoạch đào tạo nội bộ về quy trình sản xuất trực tiếp từ thoát nước mưa, thoát nước thải, vận hành hệ thống bơm rồi cống ngăn triều...
Qua đó, giúp công nhân vừa biết, nắm chắc, hiểu rõ và xử lý những tình huống khẩn cấp nếu có xảy ra. Kế tiếp là những buổi đào tạo về sơ cấp cứu để khi xảy ra những rủi ro thì công nhân có thể trực tiếp thực hiện các việc sơ cấp cứu.
Cũng theo ông Đắc, UDC còn đầu tư nhiều trang thiết bị trực tiếp cho người lao động. Ví dụ như áo liền quần chống thấm để cơ thể không phải tiếp xúc trực tiếp với bùn và nước. Ngoài ra còn có các dụng cụ, công cụ chuyên nghiệp khác như găng tay dày, nón, mặt nạ phòng độc, dây đai cứu hộ.
"Trong quy trình duy tu, nạo vét cống, ngoài nguy cơ về vật nhọn, kim loại thì cũng có nguy cơ về mùi, khí độc. Trước khi công nhân trực tiếp vào cống thì phải đo khí độc và quạt thổi để làm cho không khí bên dưới cống sạch hơn để đảm bảo an toàn cho công nhân" - ông Đắc nêu.
Phó Giám đốc UDC cho biết từ năm 2004, đơn vị đã tiến hành cơ giới hóa trong quá trình duy tu, nạo vét hệ thống cống. Đến nay, UDC đều có những kế hoạch xây dựng, đầu tư trang bị máy móc, thiết bị hiện đại.
"Nếu bà con cử tri đi ngoài đường mà thấy những chiếc xe màu vàng có bồn hút và ống dây thì đó là của UDC đang vận hành ngoài hiện trường. Hiện tại, UDC có khoảng 30 dây chuyền sử dụng máy móc, thiết bị hiện đại để thông rửa cống, hút chất thải. Ngoài ra còn khoảng 50 dây chuyền bán cơ giới kết hợp những xe cơ giới thùng kín để vận chuyển chất thải" - ông Đắc nêu.
Ông Đắc cũng cho biết UDC đã đầu tư những robot đi vào lòng cống. Đây những robot giúp xác định các khuyết tật nằm trong lòng cống. Từ đó đưa ra những quyết định liên quan đến công tác duy tu, nạo vét hệ thống cống.
Ngoài ra, UDC cũng đã thành lập các ban an toàn nhằm tham gia trực tiếp và kiểm soát môi trường làm việc của công nhân. Khi môi trường làm việc thực sự an toàn thì ban an toàn này mới cho phép công nhân triển khai các hoạt động sản xuất.
Bình luận (0)