Nhiều du khách khi đến Thảo Cầm Viên không khỏi thắc mắc logo của Thảo Cầm Viên là loài chim nào, giải thích điều này, đại diện Thảo Cầm Viên cho biết biểu tượng của Thảo Cầm Viên là loài Trĩ sao, một trong những loài chim được xếp vào mức độ rất nguy cấp. Thảo Cầm Viên đã có một cuộc hành trình phục hồi loài chim đang trên bờ vực tuyệt chủng này, chính vì lý do đó đây là loài chim được lấy cảm hứng làm biểu tượng của đơn vị.
![Vì sao Trĩ sao trở thành biểu tượng của Thảo Cầm Viên?- Ảnh 1. Vì sao Trĩ sao trở thành biểu tượng của Thảo Cầm Viên?- Ảnh 1.](https://nld.mediacdn.vn/thumb_w/660/291774122806476800/2025/2/7/4761846136280339597621498314554054959159280n-17388995379621868921205.jpg)
![Vì sao Trĩ sao trở thành biểu tượng của Thảo Cầm Viên?- Ảnh 2. Vì sao Trĩ sao trở thành biểu tượng của Thảo Cầm Viên?- Ảnh 2.](https://nld.mediacdn.vn/thumb_w/660/291774122806476800/2025/2/7/4758666166280370364285082089172483643859944n-17388995378551991359559.jpg)
Loài Trĩ sao được lấy làm biểu tượng cho Thảo Cầm Viên Sài Gòn - Ảnh: Thảo Cầm Viên
Loài chim Trĩ sao (Rheinardia ocellata ocellata) từng được đánh giá là ít bị đe dọa vào những năm 1990, nhưng đến năm 2021 đã được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) xếp vào danh sách nguy cấp ở mức độ rất nguy cấp (CR – Critically Endangered).
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo tồn từ sớm, Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã đưa Trĩ sao vào chương trình chăm sóc và nhân giống đặc biệt từ năm 1992. Nỗ lực này đã mang lại kết quả ấn tượng khi năm 1996, lần đầu tiên loài chim này được nhân giống thành công trong môi trường nuôi dưỡng tại đây. Thành tựu này khiến giới khoa học và các tổ chức bảo tồn, trong đó có Hiệp hội chim Trĩ thế giới (WPA), đặc biệt quan tâm.
![Vì sao Trĩ sao trở thành biểu tượng của Thảo Cầm Viên?- Ảnh 4. Vì sao Trĩ sao trở thành biểu tượng của Thảo Cầm Viên?- Ảnh 4.](https://nld.mediacdn.vn/thumb_w/660/291774122806476800/2025/2/7/4762248816280340264288093121809441798156364n-1738899537928967796480.jpg)
![Vì sao Trĩ sao trở thành biểu tượng của Thảo Cầm Viên?- Ảnh 5. Vì sao Trĩ sao trở thành biểu tượng của Thảo Cầm Viên?- Ảnh 5.](https://nld.mediacdn.vn/thumb_w/660/291774122806476800/2025/2/7/4762170136280340397621418879705388782317385n-1738899537904357746961.jpg)
Năm 2021, Trĩ sao được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) xếp vào danh sách nguy cấp ở mức độ rất nguy cấp (CR – Critically Endangered) - Ảnh: Thảo Cầm Viên
Sau thành công ban đầu, hai cặp chim Trĩ sao đã được chuyển đến Tierpark Berlin Zoo (Đức) và Zorasia Yokohama (Nhật Bản), đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác bảo tồn loài chim quý này. Trĩ sao có phạm vi phân bố rất hẹp, chỉ xuất hiện ở Việt Nam và Lào, lại nhút nhát nên ít được biết đến. Trước đây, giới nghiên cứu chỉ có thể tiếp cận loài này qua những chiếc lông được lưu giữ tại bảo tàng Paris (1871) và hai bộ da thu được của Tư lệnh Rheinart và Toàn quyền Nam Kỳ.
Từ một số ít cá thể ban đầu, hiện nay Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã nhân giống thành công hơn 30 cá thể Trĩ sao. Đơn vị này đang tích cực phối hợp với các tổ chức bảo tồn quốc tế như Rewild, Wild Bird Sanctuary, World Pheasant Association, cũng như các vườn quốc gia trong nước như Bạch Mã, với mục tiêu phục hồi loài chim này trong tự nhiên Việt Nam. Chính vì ý nghĩa bảo tồn đặc biệt, Trĩ sao đã trở thành biểu tượng trong logo của Thảo Cầm Viên Sài Gòn.
![Vì sao Trĩ sao trở thành biểu tượng của Thảo Cầm Viên?- Ảnh 6. Vì sao Trĩ sao trở thành biểu tượng của Thảo Cầm Viên?- Ảnh 6.](https://nld.mediacdn.vn/thumb_w/640/291774122806476800/2025/2/7/4762225596280340597621397694183473110732719n-17388995378791120496667.jpg)
Từ một số ít cá thể ban đầu, hiện nay Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã nhân giống thành công hơn 30 cá thể Trĩ sao - Ảnh: Thảo Cầm Viên
Loài chim Trĩ sao mang nhiều nét độc đáo hiếm có. Cả chim trống và chim mái đều sở hữu một chỏm lông đặc trưng trên đầu – được ví như chiếc vương miện và sẽ xòe ra trong mùa sinh sản để thu hút bạn đời. Khác với các loài cùng họ, Trĩ sao không có cựa, chim trống sở hữu bộ đuôi dài từ 1,5 – 1,8m, khi múa xòe theo hướng thẳng đứng vô cùng ấn tượng. Số lượng trứng mỗi lứa chỉ từ 1–2 quả, ít hơn nhiều so với các loài khác, khiến quá trình nhân giống và gia tăng số lượng cá thể trở nên đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, cả chim trống và chim mái đều có thể cất tiếng kêu vang xa để tìm bạn đời trong mùa sinh sản.
Những nỗ lực bảo tồn không ngừng nghỉ của Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã góp phần quan trọng trong việc giữ gìn loài chim quý hiếm này, mở ra hy vọng phục hồi quần thể Trĩ sao trong tự nhiên.
Biểu tượng văn hóa đặc trưng của TP HCM
Thảo Cầm Viên là một trong 8 vườn thú có lịch sử lâu đời ở khu vực châu Á và thế giới, được thành lập và xây dựng từ năm 1864, đến nay tròn 160 năm.
Hiện tại, Thảo Cầm Viên chăm sóc nuôi dưỡng 2.144 cá thể động vật của 128 loài. Các loài động vật nhập ngoại cũng sinh trưởng phát triển tốt như hươu cao cổ, hà mã, ngựa vằn, sư tử, hổ Belgan…
Ngoài ra, Thảo Cầm Viên có trên 2.500 cây thân gỗ lớn thuộc 380 loài.
Ngoài là điểm tham quan yêu thích của đông đảo bạn trẻ, nơi này còn thu hút nhiều học sinh, sinh viên đến tìm hiểu kiến thức về động, thực vật, trải nghiệm các hoạt động thú vị.
Bình luận (0)