Cháu bé bị nhiều vết thương trên người và cơ quan chức năng đã tạm giữ mẹ ruột của bé để làm rõ nguyên nhân.
Vụ việc đang được tiếp tục điều tra. Chúng ta tạm nhủ rằng đây chỉ là một trong những trường hợp cá biệt, nhưng cá biệt đến đâu cũng quá đau xót nên không thể cho phép nó xảy ra.
Thế nhưng, thực tế cho thấy những vụ bạo hành trẻ em, đáng tiếc, không hề ít như chúng ta nghĩ. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm 2023, tổng đài 111 (tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em) đã tiếp nhận khoảng 250.000 cuộc gọi nhờ hỗ trợ về các vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em, quyền trẻ em… Điều đáng nói là các vụ bạo hành thường xảy ra sau những cánh cửa của gia đình hoặc trường học, đặc biệt là cấp mầm non, nên rất khó phát hiện kịp thời để các cơ quan chức năng can thiệp. Những vụ việc vỡ ra thường là đã xảy ra hậu quả nghiêm trọng chết người.
Thái độ của xã hội rất phẫn uất với hành vi này, thế nhưng trực tiếp quan tâm, can thiệp lại thường rất ít. Cách đây vài tuần, Công an TP HCM mở một buổi bồi dưỡng năng lực quản lý, nghiệp vụ nuôi dưỡng chăm sóc giáo dục trẻ em cho cán bộ quản lý, giáo dục mầm non toàn thành phố. Những hình ảnh thực tế về các vụ bạo hành trẻ em được công bố làm tất cả người tham dự sững sờ. Chứng kiến những bằng chứng này ai cũng phẫn nộ, đau lòng và nhiều người bật khóc, không dám xem hết các đoạn phim. Nhiều cán bộ làm công tác chăm sóc trẻ em đã vài chục năm nhưng vẫn bàng hoàng với thực tế này.
Dẫn câu chuyện trên để thấy rằng vấn nạn này đã không hề khuất lấp như số đông người vẫn nghĩ, cho dù cuộc sống ngày càng hiện đại. Sự thờ ơ của từng cá nhân trong chúng ta, sự thiếu kiên quyết của từng cơ quan chức năng đều có thể bỏ lỡ cơ hội bảo vệ cho một số phận trẻ em nào đó. Tự vấn về vấn đề này tốt nhất hãy liên tưởng "nếu đó là con cái của chúng ta thì sao!".
Công ước về quyền trẻ em được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua vào tháng 11-1989. Chỉ 3 tháng sau, Việt Nam là quốc gia đầu tiên của khu vực châu Á và là quốc gia thứ 2 của thế giới phê chuẩn công ước này. Tầm quan trọng của quyền trẻ em được phổ quát rộng rãi và đến nay có 196 quốc gia phê chuẩn, để Công ước về quyền trẻ em trở thành văn kiện về quyền con người rộng rãi nhất lịch sử. Hầu hết các chỉ số về thành tựu quốc gia đều nằm ở vấn đề đầu tư, chăm sóc và bảo vệ trẻ em.
Chúng ta ban hành Luật Trẻ em từ năm 2016, quy định đầy đủ, chi tiết về quyền của trẻ em như: Quyền sống, Quyền được chăm sóc sức khỏe, Quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu, Quyền vui chơi giải trí… Trẻ em là những công dân đảm nhiệm vai trò rường cột của quốc gia trong tương lai. Với 25 triệu trẻ em hiện tại, chúng ta có quyền tự hào về thế hệ kế tiếp. Sự tự hào này được củng cố bằng các chính sách đầu tư, giáo dục xứng đáng. Và tất nhiên, bảo vệ trẻ em là công tác quan trọng nhất, cho dù đó là những trường hợp cá biệt.
Bình luận (0)