Ngày 6-12, tại TP Cần Thơ, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị "Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu mới của điều lệ Giải Báo chí quốc gia và tuyên truyền nhiệm vụ phát triển bền vững khu vực phí Nam".
Phát triển các sản phẩm báo chí đa nền tảng
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết bên cạnh Giải Báo chí quốc gia, Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ quan tâm, tin tưởng, giao nhiệm vụ thực hiện Chương trình Hỗ trợ báo chí chất lượng cao ở Trung ương, địa phương giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 8-4-2021.
Sau gần 4 năm thực hiện, chương trình ở các cấp Hội Nhà báo giai đoạn 2021-2025 đã có nhiều thành công tốt đẹp trong việc hỗ trợ các phóng viên, nhà báo và các cơ quan báo chí. Cụ thể: đối với báo chí ở Trung ương, trong 3 năm (2021-2023), ngân sách nhà nước hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở Trung ương là 11,46 tỉ đồng cho 18 Liên Chi hội và 103 Chi hội Nhà báo.
Đối với báo chí ở địa phương, trong 3 năm, ngân sách nhà nước hỗ trợ đối với Hội Nhà báo các địa phương trong cả nước là 27,7 tỉ đồng.
Quá trình thực hiện chương trình, nhiều tác phẩm chất lượng cao được hưởng kinh phí hỗ trợ đã đoạt Giải Báo chí quốc gia và Giải Báo chí các địa phương, giải báo chí các bộ, ngành, đoàn thể. Thực tế cho thấy, các tác phẩm đoạt giải cao (A,B,C) của Giải Báo chí quốc gia những năm qua đều là tác phẩm báo chí chất lượng cao đã được hỗ trợ.
VIDEO: Các đại diểu dự Hội nghị "Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu mới của điều lệ Giải Báo chí quốc gia và tuyên truyền nhiệm vụ phát triển bền vững khu vực phí Nam".
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, mong muốn trong thời gian tới, báo chí khu vực phía Nam nói riêng, báo chí cả nước nói chung cần đẩy mạnh phát triển các sản phẩm báo chí đa nền tảng, đa dịch vụ, đa phương tiện; ứng dụng dữ liệu lớn và trí thông minh nhân tạo trong hoạt động báo chí, truyền thông, đặc biệt trong các hoạt động sáng tạo các tác phẩm.
Đồng thời, chú trọng phát triển nguồn nhân lực báo chí vừa "hồng" vừa "chuyên", bám sát sự phát triển và xu thế của báo chí hiện đại, tập trung vào trang bị kiến thức và kỹ năng chuyên ngành, nâng cao tính chủ động và kỹ năng của nhà báo, góp phần "xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại".
Mở ra không gian sáng tạo
Nhà báo Trương Văn Chuyển, Tổng Biên tập Báo Cần Thơ, nhấn mạnh: "Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Ban Biên tập Báo Cần Thơ xác định tuyên truyền về hợp tác, liên kết vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài nhằm góp phần xây dựng TP Cần Thơ trở thành một cực phát triển, đóng vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của toàn vùng".
Tổng Biên tập Báo Cần Thơ đề xuất các địa phương trong vùng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ hiện đại cho các cơ quan báo chí trong vùng, nhằm đảm bảo công tác thông tin vì sự phát triển hiệu quả hơn nữa.
Song song đó, quan tâm hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho nhà báo nói chung và đội ngũ nhà báo viết về hợp tác, liên kết vùng nói riêng, để ngày càng có nhiều tác phẩm báo chí về sự phát triển vùng Tây Nam Bộ thật đậm nét và sâu sắc hơn.
Nhà báo Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ, cho rằng hiện nay báo chí đa phương tiện mở ra không gian sáng tạo không giới hạn cho nhà báo, cơ quan báo chí thể hiện đề tài báo chí với nhiều loại ngôn ngữ, nhiều loại hình trên nhiều nền tảng.
Theo nhà báo Lê Xuân Trung, báo chí đa phương tiện chất lượng cao cần phát huy thế mạnh "3 đa + 3 truyền". Trong đó "3 đa" gồm: đa ngôn ngữ (text, ảnh, đồ họa, audio, video, livestream), đa loại hình (báo in, báo mạng, báo nói, báo hình, hỗn hợp), đa nền tảng (các nền tảng cũ + web, app, mạng xã hội).
Hướng tới "3 truyền", gồm: truyền thông tin kịp thời, chính xác cho công chúng; truyền thông điệp rõ ràng giúp công chúng cảm nhận đầy đủ qua dẫn chứng, phân tích và các giải pháp tích cực; truyền cảm hứng, tạo động lực cho công chúng chia sẻ, hành động cùng góp phần thực hiện giải pháp.
Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ gợi ý để có tác phẩm báo chí đa phương tiện chất lượng cao, các tác giả có thể dựa trên bài học từ các tác phẩm đa phương tiện được giải cao trong các giải báo chí quốc gia gần đây. Trong đó, một số báo địa phương đã vươn lên đoạt giải cao. Điểm chung của các tác phẩm đa phương tiện chất lượng cao đoạt giải đều có đề tài xứng tầm, trình bày ấn tượng, hiệu ứng xã hội tích cực.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, trên cơ sở tổng hợp, tiếp thu ý kiến tại Hội nghị Tổng kết 17 năm Giải Báo chí quốc gia và sơ kết triển khai chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao tổ chức năm 2023 tại Hòa Bình, Nghệ An và Tiền Giang, Hội đồng Giải báo chí quốc gia đã chỉnh sửa, hoàn thiện và ban hành điều lệ giải báo chí quốc gia sửa đổi.
Từ năm nay giải có nhiều điểm mới, đặc biệt là hai nhóm giải mới là Giải Báo chí đa phương tiện và Giải Báo chí sáng tạo.
Việc bổ sung này đã thể hiện sự chủ động bám sát quan điểm, chủ trương mới của Đảng, Nhà nước, phù hợp với thực tiễn, xu thế phát triển chung của báo chí truyền thông.
Bình luận (0)