Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải coi truyền thông là việc của mình, phải có ngân sách chi cho truyền thông chính sách và đặt hàng báo chí
Ngày 12-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về lĩnh vực TT-TT.
Cần cơ chế đặc thù
Ở phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ TT-TT, những vấn đề về kinh tế báo chí, quản lý mạng xã hội (MXH), nền tảng xuyên biên giới, quản lý dữ liệu cá nhân… được nhiều ĐB quan tâm.
Về kinh tế báo chí, ĐB Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) đề nghị bộ trưởng nêu giải pháp hỗ trợ báo chí truyền thống trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với internet, MXH.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng khi kinh tế thị trường phát triển, các doanh nghiệp bắt buộc phải quảng cáo để bán hàng, vì thế chi khá nhiều tiền cho quảng cáo, khi đó quảng cáo chủ yếu trên báo chí. Các cơ quan báo chí cũng mong muốn được tự chủ tài chính nhưng sau đó MXH xuất hiện và 80% quảng cáo trực tuyến rơi về MXH. Do đó, nguồn thu của báo chí, nhất là các cơ quan báo chí tự chủ tài chính, giảm đáng kể.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong Chỉ thị số 7/CT-TTg năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách, có yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp phải coi truyền thông là việc của mình. Ngoài chủ động đưa thông tin thì có kế hoạch đưa thông tin, có bộ máy đưa thông tin, có ngân sách hằng năm để chi cho truyền thông chính sách và dùng đến ngân sách để đặt hàng báo chí.
Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn đánh giá phiên chất vấn diễn ra sôi nổi. Với kinh nghiệm trong quản lý nhà nước và lần thứ 3 trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chuẩn bị kỹ nội dung, trả lời khá đầy đủ các vấn đề còn bất cập, hạn chế, có giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
"Đây là một thay đổi. Thực tế cho thấy từ năm 2023, các cơ quan và chính quyền các cấp bắt đầu tăng ngân sách cho báo chí" - Bộ trưởng nói và cho biết trong kế hoạch sửa Luật Báo chí sắp tới cũng có một mục đề cập đến kinh tế báo chí, trong đó cho phép một số cơ quan báo chí lớn được kinh doanh về nội dung, kinh doanh xung quanh lĩnh vực truyền thông nhưng kinh doanh để làm báo.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng lưu ý nếu báo chí chạy theo MXH thì sẽ bị đứng ở phía sau. Cách báo chí khác biệt MXH là quay về giá trị cốt lõi, đó là tin xác thực, chính xác, khách quan, có trách nhiệm giải trình, đạo đức nghề nghiệp. Báo chí phải dùng công nghệ để lấy lại "trận địa" và dẫn dắt dư luận trên MXH.
Theo Bộ trưởng, trong quy hoạch báo chí, có một nội dung rất quan trọng là nhà nước tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho 6 cơ quan báo chí chủ lực để trở thành sức mạnh truyền thông. Đồng thời, quá trình sửa luật sẽ theo hướng Chính phủ xây dựng cơ chế đặc thù về kinh tế báo chí cho các cơ quan báo chí chủ lực.
Trả lời chất vấn của ĐB Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) về nguồn thu của các cơ quan báo chí và cơ chế hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ TT-TT cũng chỉ ra sự thay đổi trong mô hình hoạt động của các cơ quan báo chí Việt Nam. Từ việc hoàn toàn dựa vào ngân sách nhà nước, báo chí hiện nay đã chuyển sang tự tìm kiếm nguồn thu để tồn tại và phát triển (hiện 30% cơ quan báo chí nhận từ ngân sách, 70% là tự bươn chải).
Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết có rất nhiều cơ quan báo chí lớn, ảnh hưởng rất mạnh đến truyền thông nước nhà lại không có hỗ trợ mà 100% dựa vào thị trường. Theo đó, nếu nhà nước từng "nuôi" toàn bộ, từ cơ sở vật chất, lương cho anh em thì nay không phải chi trả tiền này.
"Nhưng cơ sở vật chất, chi thường xuyên, nhiều cơ quan báo chí cũng tự lo. Khi đó, nhà nước đặt hàng truyền thông có nguồn ngân sách kèm theo là phù hợp" - Bộ trưởng khẳng định. Tuy nhiên, ông nhìn nhận mô hình báo chí lý tưởng là mô hình "đi bằng hai chân" - kết hợp giữa việc nhận đặt hàng từ nhà nước và tự tìm kiếm nguồn thu trên thị trường.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết với danh mục các dịch vụ công dùng ngân sách nhà nước đã ban hành, hiện có 50 định mức kỹ thuật liên quan TT-TT. Năm nay, 80% (khoảng 40 định mức) sẽ hoàn thành, còn 20% cố gắng đến cuối năm 2024 hoặc quý I, cùng lắm đến quý II/2025 sẽ ban hành xong. Đối với các định mức kinh tế kỹ thuật mới và hướng dẫn hiện được làm rất thông thoáng để thẩm định, phê duyệt đơn giản hơn rất nhiều so với trước.
Chặn thông tin xấu, độc
ĐB Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) và ĐB Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) chất vấn việc phát triển MXH đã tạo ra tình trạng tin giả, tin sai sự thật. Hiện tượng người người lập kênh riêng đưa thông tin lên mạng, quảng cáo bán hàng, có nhiều nội dung giật gân, phản cảm, sai sự thật làm nhiễu loạn thông tin, gây bức xúc trong dư luận. Bộ trưởng có phương án nào để quản lý?
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói rõ vấn đề quản lý MXH, chống tin giả, tin sai sự thật là vấn đề không chỉ của Việt Nam, mà mang tính toàn cầu. Về giải pháp, ông cho rằng đầu tiên là phải hoàn thiện thể chế. Trước đây, mới chỉ quy định xử lý các cá nhân sử dụng MXH đưa thông tin sai sự thật, tin giả. Còn trong nghị định Thủ tướng mới ký cách đây chưa được 1 tuần, đã đưa vào xử lý các nền tảng MXH khi vi phạm pháp luật Việt Nam.
Trả lời câu hỏi của ĐB Trần Thị Thu Hằng (đoàn Đắk Nông) về giải pháp chính để hạn chế quảng cáo không đúng sự thật trên sàn thương mại điện tử, nền tảng xuyên biên giới, Bộ trưởng nói khi phát hiện sai phạm sẽ xác định danh tính để xử lý. Ông ví von các nền tảng xuyên biên giới kinh doanh ở Việt Nam là "chủ chợ" và trách nhiệm của họ là phải tự làm sạch chợ của mình.
Muốn vậy, các cơ quan cần định nghĩa tường minh "quảng cáo nào là vi phạm", khi đó Bộ TT-TT sẽ yêu cầu họ thiết kế công cụ tự rà quét và tháo gỡ. Các nền tảng xuyên biên giới, kể cả chưa có đại diện tại Việt Nam, khi làm ăn kinh doanh tại Việt Nam nếu không tuân thủ, chúng ta có đủ năng lực để dừng toàn bộ hoạt động.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết trước đây, cơ quan quản lý chuyển những thông tin sai sự thật, yêu cầu các mạng gỡ nhưng họ thực hiện hạn chế, 10 nội dung thì chỉ gỡ 1 - 2.
"Còn giờ đây, họ thực hiện nghiêm trên 90%. Đã có lệnh từ Nhà nước là các nền tảng, cả xuyên biên giới, phải thực hiện. Nền tảng phải tự rà quét, hạn chế" - Bộ trưởng Hùng nói.
Về giải pháp ngăn chặn sử dụng không gian mạng để hoạt động mê tín dị đoan, lừa đảo, khiến người dân "tiền mất tật mang", Bộ trưởng cho rằng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phải vào cuộc xác định hành vi nào là mê tín dị đoan để xử lý theo quy định hiện hành. Khi có tiêu chí thế nào là mê tín dị đoan bằng văn bản, bằng lời, bằng hình ảnh… thì căn cứ vào đó, Bộ TT-TT cũng có những công cụ để rà quét, phối hợp xử lý.
Tham gia giải trình, Đại tướng Lương Tam Quang - Bộ trưởng Bộ Công an - cho biết tin giả, tin sai sự thật gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng, trở thành mối đe dọa lớn đối với tình hình kinh tế - xã hội, chủ quyền quốc gia và an ninh toàn cầu.
Hệ lụy của tin giả cũng ảnh hưởng tới phát triển kinh tế rất lớn. "Có những tin giả gây thiệt hại vốn hóa nhiều nghìn tỉ đồng trên thị trường chứng khoán" - ông nói.
Bộ trưởng Bộ Công an nhìn nhận mức xử phạt hành chính hiện nay chưa đủ sức răn đe khi chỉ phạt 5 - 10 triệu đồng. Bên cạnh đó, pháp luật thiếu những quy định mang tính định lượng cụ thể để xác định xử lý vi phạm hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm.
"Việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác đến mức độ nào thì được coi là nghiêm trọng?" - ông đặt vấn đề và cho biết Bộ Công an đang kiến nghị sửa đổi theo hướng không cần xem xét đến hậu quả vẫn có thể xử lý.
Xử lý nghiêm vi phạm kinh doanh thực phẩm chức năng
Sáng cùng ngày, phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ 2 thuộc lĩnh vực y tế, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn cho biết phiên chất vấn diễn ra sôi nổi với 41 ĐB chất vấn và 8 lượt ĐB tranh luận.
Qua phiên chất vấn, Chủ tịch QH đề nghị Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan tập trung thực hiện 3 nhóm nội dung, trong đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; hoạt động sản xuất - kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, nhất là trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, MXH...; xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm. Cùng với đó, khẩn trương đề xuất việc sửa đổi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá. Nghiên cứu, báo cáo QH về chủ trương xây dựng văn bản phù hợp để quản lý và phòng chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Bình luận (0)