Ngày 14-10, trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Đàm Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa, cho biết trong sáng cùng ngày, ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Thanh Hóa, đã trực tiếp tới kiểm tra hiện trường và chỉ đạo làm rõ vụ việc hàng chục cây gỗ rừng đặc dụng thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) bất ngờ bị đốn hạ mà Báo Người Lao Động vừa phản ánh.
Clip rừng đặc dụng bị đốn hạ tại khu vực đền Bà Triệu
Theo ông Hùng, hiện lực lượng chức năng đã xác định có 60 cây gỗ bị đốn hạ, công tác kiểm tra, kiểm đếm vẫn đang được triển khai nên chưa xác định được diện tích cũng như khối lượng gỗ bị chặt hạ là bao nhiêu. "Hiện, Công an huyện Hậu Lộc đang vào cuộc truy tìm đối tượng khai thác để xử lý"- ông Hùng cho hay.
Về thông tin ngành đường sắt và UBND xã Triệu Lộc cho chặt hạ cây, ông Hùng cho biết ngành đường sắt có đề xuất xử lý khoảng 60 cây ở khu vực trên. Tuy nhiên, chưa được cơ quan chức năng cho phép. "Ngành đường sắt họ đề xuất là bình thường, nhưng để xử lý thì phải kiểm tra, đánh giá hiện trạng như thế nào, chứ không phải thích chặt thì chặt. Chúng tôi đang cho kiểm tra, xác minh"- ông Hùng nói.
Về trách nhiệm để rừng đặc dụng bị đốn hạ ngay sát đường, giữa ban ngày mà lực lượng kiểm lâm không hay biết. Ông Hùng lý giải rằng mấy hôm đó lực lượng kiểm lâm bận ra quân xử lý chim, cò nên không kịp thời phát hiện.
Trước đó, vào chiều ngày 11-10, phóng viên Báo Người Lao Động nhận được phản ánh của người dân về việc tại khu vực rừng đặc dụng nằm ở núi Gai (thuộc di tích Quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu) bất ngờ bị một số người mang cưa máy vào chặt hạ công khai giữa ban ngày.
Ghi nhận thực tế tại đây cho thấy hàng chục cây gỗ (chủ yếu là keo lá tràm và lim xanh) có tuổi đời hàng chục năm bị đốn hạ ngổn ngang. Một số vị trí, cây gỗ đã được đưa ra khỏi rừng, chỉ còn trơ gốc, một số vị trí cây gỗ mới được hạ xuống, chưa kịp vận chuyển ra khỏi rừng, nằm ngổn ngang.
Đáng nói, trong chiều 11-10, khi phóng viên tới hiện trường, đang có khoảng 5 người mang cưa máy cắt cây tại khu vực rừng này. Khi phóng viên điện thoại liên hệ tới các cơ quan chức năng thì việc chặt hạ cây mới dừng lại.
Lãnh đạo UBND xã Triệu Lộc và Hạt Kiểm lâm huyện Hà Trung (đơn vị được giao quản lý, bảo vệ rừng tại các huyện Hà Trung, Nga Sơn, thị xã Bỉm Sơn và một phần diện tích rừng của huyện Hậu Lộc) khẳng định rừng đặc dụng bị chặt hạ khi chưa được bất cứ cơ quan có thẩm quyền nào cho phép.
Bình luận (0)