“Những nhà doanh nghiệp (DN) thành công chỉ chấp nhận những rủi ro được tính toán của việc thu lợi nhuận hoặc lỗ lãi trong việc thực hiện các giao dịch thương mại trong một thị trường mà họ đã phát triển một ý niệm về những nhu cầu của họ” - James W.Halloran trong “Cẩm nang dành cho giám đốc DN” đã khái quát về giám đốc điều hành (Chief Executive Officer - C.E.O) thành đạt như vậy.
Văn hóa là linh hồn của sự phát triển
Khi nghiên cứu 100 C.E.O thành đạt trong “thế giới phẳng” có thể thấy, họ là những người có công hoặc góp công xây dựng văn hóa DN bởi họ hiểu sâu sắc rằng “Văn hóa DN là tài sản”. Đó chính là nét đẹp thu hút con người từ cách ứng xử thông qua các mối quan hệ có liên quan tới kinh doanh, nó là linh hồn cho sự phát triển bền vững của các DN.
Năm 1975, Bill Gates cùng người bạn Paul Allen thành lập Microsoft, hai ông đã nhận thấy “Đồng tiền thông minh trong máy tính nằm ở phần mềm, không phải phần cứng”. Với tầm nhìn xa như vậy, sau 30 năm ông đã trở thành người giàu nhất hành tinh. Năm 1979, C.E.O của hãng Canon đã đề ra chỉ tiêu giảm giá bán máy photocopy 50% so với giá máy Xerox cùng loại. Để thực hiện điều “không thể” này, 200 nhà thiết kế, các kỹ sư của hãng được huy động trong một thời gian dài. Cuối cùng họ đã thành công và chiếm lĩnh thị trường. |
Bài học đắt giá rút ra từ các C.E.O thành đạt và 5 điều cám dỗ cản trở sự thành công của họ đã chỉ ra rằng:
Để các DN phát triển bền vững, một trong những yếu tố mang tính quyết định là xây dựng thành công “Văn hóa có bản sắc riêng của mỗi DN”.
Tổng Giám đốc điều hành Carly Fiorina, tập đoàn Hewlett-Packard, đã nói: “Thành công này là kết quả của một nền văn hóa được thể hiện từ nội bộ Hewlett-Packard...” và “... xây dựng thương hiệu mạnh... Đó cũng chính là lời hứa của chúng tôi nhằm thể hiện bộ mặt tích cực và hưng phấn hơn với nhân viên của mình trên toàn thế giới”.
3 mối quan tâm của C.E.O
C.E.O thành đạt đều quan tâm tới 3 mối quan hệ cơ bản của văn hóa DN: Thứ nhất là mối quan hệ trong nội bộ DN (quan hệ giữa người lãnh đạo và người đang được họ lãnh đạo, quan hệ giữa các thành viên). C.E.O là người lãnh đạo, họ có cá tính và cách làm khác nhau nhưng có cùng đặc điểm là có tầm nhìn xa, khởi xướng cái mới; chọn được cách làm đúng, thấy được điều “vô hình”; biết thu hút mọi nguồn lực để thực hiện ý tưởng kinh doanh; biết trọng dụng người giỏi.
Tiếp theo là mối quan tâm tới khách hàng. Các C.E.O thành đạt đều nhận thấy một nguyên tắc quan trọng: “Nếu không chăm sóc tốt được khách hàng thì tốt nhất không mở rộng thêm”.
Việc quan tâm chăm sóc khách hàng và quan tâm chăm sóc nhân viên phải ngang nhau vì có khách hàng tốt mà không có nhân viên tốt thì dần dần sẽ mất khách hàng. Ngược lại, có nhân viên phục vụ khách hàng tốt sẽ có khách hàng tốt.
Cuối cùng là mối quan hệ khác ngoài DN. Quan hệ với cơ quan Chính phủ trong lĩnh vực kinh doanh như thành lập DN, thuế, giải quyết vấn đề lao động, bảo vệ môi trường, tham gia những công việc an toàn cho cộng đồng...
Làm gì để tránh tai nạn trên đường “cao tốc” WTO?
Việt Nam bước vào sân chơi chung của “thế giới phẳng” sẽ đối đầu với một thách thức lớn. Trình độ học vấn, sự hiểu biết về luật pháp quốc tế của các C.E.O là những vấn đề cần quan tâm nhất trong quá trình tham gia vào thị trường chung. Vụ ông Bửu Huy bị bắt giữ ở Bỉ, vụ Vietnam Airlines bị Tòa án Paris tuyên phạt hơn 5 triệu euro... cho thấy chúng ta vẫn còn xa lạ với luật “kinh doanh quốc tế”. Nói cách khác, các C.E.O Việt Nam sắp đi vào đường “cao tốc” mà cả thầy và trò chưa nắm chắc luật giao thông!
Có thể nói, tình hình các C.E.O Việt Nam hiện nay vừa chưa đủ lực lại vừa mỏng và chúng ta chưa có nhiều C.E.O tầm cỡ để tham gia thị trường toàn cầu. Khi Việt Nam trở thành thành viên WTO, các DN sẽ phải đương đầu với luật chơi mới và có nhiều đối thủ cạnh tranh là người khổng lồ.
Để tránh các “tai nạn” trên đường “cao tốc” WTO, các C.E.O nhất thiết phải trang bị cho mình về luật pháp quốc tế, không chần chừ sử dụng các nhà tư vấn là luật sư có kinh nghiệm kể cả luật sư nước ngoài...
Phải vượt lên chính mình, tự rèn luyện, xây dựng văn hóa DN, thương hiệu, ISO, trọng dụng nhân tài... Có như thế, các C.E.O Việt Nam mới có thể làm được việc lớn bên cạnh những “người khổng lồ” trong “thế giới phẳng” của nhân loại.
Ngày hội của giới doanh nhân Chương trình “C.E.O trong thế giới phẳng” với sự tài trợ của Công ty Cổ phần Kinh Đô cùng Ngân hàng TMCP Việt Á, Ngân hàng TMCP Kiên Long, Công ty TNHH Trang trí nội thất châu Âu, Công ty TNHH một thành viên Tín Nghĩa... sẽ diễn ra vào ngày 1-10, tại Hội trường Thống Nhất TPHCM. Chương trình dự kiến thu hút 500 đại biểu là những C.E.O, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà quản trị cao cấp... Đây là cơ hội để giới doanh nhân giao lưu, trao đổi, đúc kết kinh nghiệm, trên cơ sở đó xây dựng mô hình điều hành thích hợp và tìm kiếm giải pháp cho chiến lược phát triển nguồn nhân lực quản lý. Bạn đọc là C.E.O, lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm đến chương trình, có thể tìm hiểu, đăng ký tham dự tại Văn phòng Viện Nghiên cứu Kinh tế phát triển, số 279 Nguyễn Tri Phương, quận 10 - TPHCM. ĐT: 8561250 - 9572040 - 0913.147824 (gặp Mr.Sử). E-mail: ceoflat@idr.edu.vn Website: http://www.idr.edu.vn |
Bình luận (0)