Nhiều năm trước đây, nhất là từ khi dự án đầu tư nước ngoài đổ vào ngày càng nhiều, công nhân (CN) và người lao động (NLĐ) từ nhiều vùng quê khác nhau đã đến làm việc tại TPHCM, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.
Công ty Sanofi Aventis (quận 4 - TPHCM) có nhiều chính sách chăm lo tốt cho người lao động. Trong ảnh: Ngày hội thiếu nhi cho con người lao động tại công ty. Ảnh: HÔNG ĐÀO
Không được quan tâm
đúng mức
Khoảng trên 80% CN trực tiếp sản xuất hiện nay tại TPHCM là người đến từ các vùng miền khác. Thế nhưng, cuộc sống của họ lâu nay không được quan tâm đúng mức. Những khó khăn, thiếu thốn từ chỗ ở, ăn uống, giải trí đến nhu cầu tình cảm vẫn không được cải thiện rõ rệt.
Những đóng góp của họ cũng ít được nhắc đến. Thậm chí trong suy nghĩ của không ít người, họ là tác nhân gây nhiều vấn đề bức xúc của TP như kẹt xe, thiếu trường, xây cất trái phép..., chứ hiếm khi được nhìn nhận là một thành tố đầy đủ và quan trọng trong quá trình phát triển của TP.
Trong khi đó, yêu cầu về tay nghề, nâng cao năng suất thì liên tục được đề cập, đòi hỏi nhưng liệu có bao nhiêu phần trăm CN nhập cư được tham gia đào tạo, học nghề nâng cao trình độ? Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp (DN) khi chọn lựa CN cho đi học nghề thường rất dè dặt, bởi ngại họ học xong thì không gắn bó với DN mà trở về quê (!).
Tuy nhiên, lại có một vòng luẩn quẩn: Có tay nghề cao năng suất lao động mới cao; năng suất cao mới tăng thu nhập, cải thiện được đời sống NLĐ. đời sống NLĐ được cải thiện mới có điều kiện để tăng năng suất, mới có cơ hội học tập để nâng cao tay nghề. Phá vỡ vòng luẩn quẩn này cần có nhiều giải pháp nhưng quan trọng nhất là phải bắt đầu từ sự thay đổi cách nhìn, cách làm của chính DN. Hãy cho CN một cuộc sống thực sự tốt hơn trước khi đòi hỏi ở họ.
Đừng xem công nhân là “công dân hạng hai”
Lâu nay, ta vẫn nghe những chuyện chưa hay về CN, như ý thức kỷ luật không cao, hay bỏ việc (nhất là vào dịp sau Tết), hay đình công trái luật... Đó là một thực tế nhưng tuyệt đại đa số CN tha hương cũng chỉ mong một cuộc sống tốt đẹp hơn bằng chính sức lao động của mình. Vì vậy, hãy đặt mình vào vị trí của CN với thu nhập khoảng 1 triệu đồng/tháng, trong khi vật giá cứ tăng vùn vụt.
Hãy thử một lần sống vài ngày trong nhà trọ. Hãy thử vào phân xưởng làm việc như họ trong điều kiện chật chội, độc hại và nhất là bị áp lực tinh thần, bị trừ lương vô cớ... Có vậy mới cảm thông được những khó khăn mà họ đang phải gánh chịu và nỗ lực vượt qua.
Đừng xem lao động nhập cư là “công dân hạng hai”. Nếu không có họ, kinh tế TP sẽ khó có điều kiện phát triển, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Chính quyền, các bộ ngành và DN phải chung tay chăm lo cho CN nhập cư bằng những chính sách thiết thực. Cần xây dựng thang bảng lương, trả lương sao cho phù hợp với thực tế hơn, có chế độ bảo hiểm theo hướng có lợi cho NLĐ.
Nhà nước cần có quy định về tăng ca, nghỉ phép, nghỉ ốm, nghỉ hộ sản hợp lý hơn cùng những chính sách khuyến khích DN quan tâm đến đời sống CN và chế tài các DN vi phạm. Các DN nên có sự tính toán dài hơi và mang tính nhân văn trong sử dụng NLĐ, tạo điều kiện cho họ gắn bó lâu dài với sự phát triển của mình bằng các đãi ngộ về nhà ở, khen thưởng, học tập...
Tự mình cứu mình Nhiều năm gần đây, do chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nông nghiệp - nông thôn phát triển đã khiến một bộ phận CN vốn xuất thân từ nông dân trở về quê sản xuất nông nghiệp, TP bắt đầu báo động thiếu lao động. Đó là quy luật tất yếu và chỉ những DN nào thực hiện tốt chế độ, chính sách, quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của NLĐ mới tự mình cứu mình được. |
Bình luận (0)