Từ trại thu dung Tam Hiệp, phóng viên Báo NLĐ đã chứng kiến những cảnh đời đầy nước mắt...
Trại thu dung Tam Hiệp nằm sâu trong một ngọn
đồi thuộc huyện Tam Hiệp, cách Đài Bắc khoảng 150 km. Phần lớn lao động nước ngoài bất hợp pháp có hành vi vi phạm phức tạp, lý lịch không rõ ràng, hoặc đang bị kiện tụng thường được đưa về đây giam giữ.
Phải nhờ đến Ban Quản lý lao động VN tại Đài Loan, chúng tôi mới được phép vào trại thăm lao động. Đại diện trại là một cán bộ quản giáo cho gọi 3 nam, 7 nữ lao động lên nói chuyện. Biết chúng tôi ở VN sang, mọi người đều khóc...
Bị ngược đãi, lương không đủ trả nợ
Chị Đỗ Thị L., 28 tuổi, quê Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, được một công ty ở Hà Nội đưa sang Đài Loan cách đây 2 năm để chăm sóc một cụ ông bị bệnh ở huyện Tân Túc. Làm được 1 tháng, chị bị chủ ngược đãi, chửi mắng thường xuyên. Chị L. liên lạc với công ty phái cử ở VN, công ty môi giới xin đổi chỗ, nhưng không được can thiệp. Cách duy nhất chị chọn lúc đó là bỏ trốn. Đến ngày 26-5-2006, sau gần 2 năm lẩn trốn, việc làm bấp bênh, chị ra tự thú. Nhưng vào tù vẫn không yên. Ngày 26-9, chị phải ra hầu tòa do chủ kiện chị lấy cắp đồ. “Vì chịu không nổi cảnh ngược đãi, tôi mới bỏ trốn. Chủ cứ nói tôi ăn cắp đồ, lúc thì bảo mất đồng hồ và nhẫn, lúc thì nói dây chuyền và nhẫn. Sự thực tôi không ăn cắp gì hết. Tôi chỉ mong cảnh sát sớm làm sáng tỏ để tôi được về nước”.
Trần Thị H., 25 tuổi, quê ở Hạ Hòa, Phú Thọ sang Đài Loan cuối năm 2004. Theo hợp đồng, công việc của chị là chăm sóc hai ông bà già ở TP Nam Đầu, Đài Trung. Nhưng thực tế, chị được đưa về một gia đình ở nông thôn trồng nấm. Công việc cực nhọc nhưng thu nhập quá thấp, tháng cao nhất chưa tới 10.000 Đài tệ (gần 5 triệu đồng), tháng thấp chỉ có 3.700 Đài tệ, không đủ gửi về gia đình trả nợ ngân hàng. Đó cũng là lý do chị H. quyết định trốn ra ngoài. Được 8 tháng, chị bị cảnh sát bắt đưa về trại thu dung Tam Hiệp ngày 9-9-2006.
Cực khổ, bị bỏ rơi
Có rất nhiều lý do khiến lao động VN bỏ trốn cao ở Đài Loan. Có người vì bị chủ ngược đãi, chửi mắng, đánh đập, xúc phạm nhân phẩm. Có người bỏ trốn vì muốn ở lại lâu hơn để kiếm tiền nhiều hơn. Có người vì động cơ cá nhân, bỏ trốn ngay từ sân bay, bị lôi kéo dụ dỗ trở thành người phạm tội... Nhưng bao trùm lên tất cả nguyên nhân, đó là do chi phí sang Đài Loan quá cao, bị trừ quá nhiều khoản phí trong khi một số công ty phái cử lao động thiếu trách nhiệm, “đem con bỏ chợ”, không can thiệp kịp thời để bảo vệ quyền lợi cho người lao động khi rủi ro phát sinh.
Cuối năm 2003, chị Dương Thị Y. được đưa sang Đài Loan làm cho một công ty sản xuất linh kiện điện tử. Sau 1 năm, công ty chuyển chủ sở hữu, chị và nhiều lao động bị chuyển sang một nhà máy khác. Do công việc cực nhọc, nhiều người yêu cầu công ty XKLĐ ở VN can thiệp, bố trí công việc khác phù hợp, nhưng bị từ chối. Không còn cách nào khác, chị và một vài người khác bỏ trốn.
Năm 2000, anh Nguyễn Xuân L., quê Ý Yên, Nam Định đi cùng chuyến bay sang Đài Loan với hơn 125 lao động, làm công nhân xây dựng cầu đường cao tốc. Sau hơn 1 năm, công ty phá sản, chuyển hết số lao động này sang 2 công ty xây dựng tư nhân loại nhỏ. Công việc cực nhọc và nguy hiểm khi phải làm việc ban đêm trên những chiếc cầu vượt qua eo biển ở Đài Trung. Đã có trường hợp một lao động bị cần cẩu đè chết tại chỗ. Bản thân anh L. do làm việc ban đêm ở trên cao, bị té ngã, bể xương má trái, phải nẹp vít inox. Anh L. cho hay quyền lợi của anh em không được bảo vệ, lại còn bị dọa đưa về nước. Có 11 người chỉ vì khiếu nại, đã bị trục xuất về nước. Do không chịu nổi cảnh cực khổ, bị bỏ rơi, gần hết hợp đồng, anh L. cùng 20 người khác bỏ trốn.
Những giọt nước mắt muộn màng
Chị Lê Thị L., ở phường An Bắc, TP Nam Định, sang Đài Loan tháng 6-2003, bỏ trốn 1 tháng trước khi kết thúc hợp đồng. Chị nói: “Gần 3 năm, tôi tích lũy chẳng được bao nhiêu. Nghĩ đến gia đình, đến đứa con 12 tuổi bị bệnh tim không tiền chạy chữa, tôi đành phải trốn để ở lại tranh thủ kiếm thêm tiền chữa bệnh cho con. Vậy mà tiền đâu chưa thấy, chỉ thấy bị bắt vô đây, đêm nào cũng khóc vì nhớ con” - chị L. nói trong nước mắt.
Dù với bất kỳ lý do gì, anh Nguyễn Xuân L. và những lao động khác phải gánh lấy hậu quả, thiệt thòi do mình gây ra. Chị Đỗ Thị L. khóc khi chia tay chúng tôi: “Sao cũng được. Ở đây chán lắm rồi. Ngày bố tôi mất, tôi ở trong trại này, không thắp được nén hương. Đứa con nhỏ 8 tuổi ở nhà đang mong mẹ từng ngày”...
Trại thu dung Tam Hiệp đang giam giữ 178 lao động nước ngoài bất hợp pháp (gồm 119 nữ, 59 nam) của các quốc gia VN, Thái Lan, Philippines, Indonesia. Lao động VN đông nhất, với 74 nữ và 16 nam. Trước đây, số lao động bất hợp pháp ở trại cao gấp hơn 2 lần, khoảng 500 người bị giam giữ mỗi tháng và lao động VN luôn chiếm tỉ lệ cao hơn 50%. Theo quy định, những lao động nào bị tạm giam dưới 90 ngày phải chịu mức phạt 5.000 Đài tệ, trên 90 ngày là 10.000 Đài tệ, cùng với tiền vé máy bay về nước 8.500 Đài tệ. |
Bình luận (0)