Ngoài công việc hằng ngày của một nhân viên kế toán ở doanh nghiệp đóng tại quận Bình Thạnh, TP HCM, chị N.T.Quyên còn kiêm thêm công việc của một thư ký, quản gia và lao công cho nhà sếp.
Làm những việc không tên
Vốn là sinh viên mới ra trường nên chị Quyên rất ngại không tìm được việc làm. Chị Quyên tâm sự: “Sinh viên kế toán mới ra trường rất khó tìm việc nên tôi chấp nhận chọn công ty nhỏ để học hỏi kinh nghiệm. Tuy nhiên, tôi thấy ngày càng phát sinh những công việc khó chấp nhận như thứ bảy tuần nào tôi cũng phải lau nhà, thay nước hồ cá cho sếp” - chị Quyên tâm sự. Không chỉ chị Quyên, các nhân viên kỹ thuật trong công ty cũng có nhiệm vụ cao cả là: mua sữa cho con sếp. Còn những ngày trời mưa thì các anh phải “quần vo áo vận” để tát nước vì công ty bị dột.
Ở các doanh nghiệp nhỏ có quy mô dưới 10 lao động, nhiều nhân viên còn bị “bóc lột” bởi những công việc không tên. Phụ trách công việc chuyên viên kinh doanh, chị Linh luôn bị ám ảnh bởi những việc không đúng chuyên môn của mình. Ngoài việc “chạy doanh số”, chị còn kiêm luôn việc marketing cho các chương trình đào tạo của công ty. Thời gian làm việc 8 giờ không đủ để chị có thể hoàn thành tất cả công việc dù đã cố gắng hết sức. “Đôi khi tôi phải mang cả việc về nhà, đặc biệt là những lúc sắp triển khai chương trình khuyến mãi. Tôi phải thức đêm để kịp viết bài PR, thiết kế tờ rơi nhưng lương vẫn thế vì đó là trách nhiệm” - chị Linh chia sẻ.
Ngán ngẩm công ty gia đình
Không ít nhân viên làm việc trong các công ty gia đình cũng đều lắc đầu ngao ngán vì cách điều hành kiểu “ông nói gà, bà nói vịt” của các chủ doanh nghiệp. Bởi trong công ty, ngoài sếp, các thành viên trong gia đình đều nắm giữ các vị trí quan trọng: trưởng phòng, phó phòng, kế toán... Vì thế khi được tuyển dụng, dù nhân viên có trình độ chuyên môn tốt, có những cải tiến trong công việc đang phụ trách nhưng “sếp” không tiếp nhận ý kiến. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho nhân viên không có cơ hội phát huy khả năng sáng tạo, phát triển bản thân và ngày càng cảm thấy nhàm chán công việc.
Không những thế, việc không bảo đảm chế độ đối với người lao động vẫn thường xuyên diễn ra. Anh H.T.Linh (làm việc tại một công ty ở quận 10, TP HCM) cho biết lúc mới tốt nghiệp anh được nhận vào công ty nhưng 1 năm trôi qua vẫn không thấy sếp nhắc đến việc ký hợp đồng, đồng nghĩa với việc không có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. “Nhưng bất công nhất là quy định: Nghỉ ngày nào trừ lương ngày đó vì công ty không có ngày nghỉ phép do thứ bảy hằng tuần đã được nghỉ buổi chiều” - anh chia sẻ.
E dè khi ứng tuyển
Theo các chuyên gia tư vấn nhân sự, trong xu thế người nhiều việc ít nhưng người lao động vẫn phân vân khi quyết định làm việc cho những doanh nghiệp nhỏ hay các công ty gia đình. Thậm chí, nhiều ứng viên chấp nhận mức lương thấp để có thể làm việc ở các công ty lớn thay vì chọn các đơn vị tuyển dụng này.
Bình luận (0)