“Ngày chồng và các con tiễn ra sân bay, tôi đã không cầm được nước mắt. Đáp chuyến bay từ Hà Nội đến Đài Bắc, tôi thấy mình như bị lạc vào thế giới khác bởi sự khác biệt về ngôn ngữ cũng như văn hóa”. Chị Nguyễn Thị Lành, quê ở Bắc Ninh - hiện phụ bếp cho một quán ăn tại Đài Bắc - bồi hồi nhớ lại ngày đến Đài Loan cách đây 2 năm.
Nước mắt nhớ người thân
Chị Lành sinh ra trong một gia đình làm nông. Lớn lên, chị lấy chồng cũng là một nông dân. Lần lượt hai đứa con chào đời trong cảnh thiếu trước hụt sau. Cuộc sống nghèo khó, quanh quẩn với mảnh ruộng khiến chị luôn khao khát cơ hội đổi đời.
Khi nghe thông tin có công ty tuyển người sang Đài Loan để chăm sóc người bệnh, chị liền đăng ký tham gia. “Những ngày đầu đến đây, tôi nhớ con, nhớ chồng quay quắt. Sự khác biệt về ngôn ngữ càng khiến tôi luôn có ý định trở về trước thời hạn” - chị Lành nhớ lại.
May mà người chủ nơi chị giúp việc rất nhân hậu, đã tận tình chỉ bảo chị từng bước để làm quen với cuộc sống nơi đất khách, quê người. Vốn tiếng Đài Loan để giao tiếp thông thường của chị ngày càng nhiều, chị hòa nhập dần với cuộc sống mới. Chị Lành tâm sự: “cuộc sống dần quen nhưng cứ đêm đến hình ảnh các con lại hiện về. Tôi đã cố gắng dằn nén nỗi nhớ con, nhớ chồng để làm việc kiếm tiền gửi về phụ giúp gia đình”.
Chị Nguyễn Ngọc Thúy tại cửa hàng lưu niệm của mình ở Đài Bắc
Ngày rời Việt Nam theo chồng định cư tại Đài Loan cũng là ngày chị Lê Thị Mận, quê ở Thái Bình, khóc hết nước mắt. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chị chấp nhận lấy chồng xa xứ để phụ giúp gia đình. Sau ngày cưới, trừ đi các khoản chi phí, chị còn vỏn vẹn 10 triệu đồng cho cha mẹ phụng dưỡng tuổi già.
Theo chồng về xứ lạ cũng là lúc chị gặp không ít khó khăn. “Lần đầu xa quê, xa người thân, tôi không sao quên được hình ảnh nơi quê nhà. Ở đây xứ lạ quê người, đêm nào tôi cũng khóc...”.
Nhọc nhằn đường hội nhập
Vừa chơi đùa với con, vừa dạy con học cả tiếng Hoa lẫn tiếng Việt, trông chị Trần Thị Thanh Hoa, quê ở TPHCM, thật bận rộn. Sau 2 năm theo chồng định cư tại Đài Bắc, giờ đây ngoài tiếng Việt, chị cũng đã nói khá tốt ngôn ngữ xứ Đài.
Chị nhớ ngày theo chồng đến đây định cư cũng là lúc chị gặp trở ngại không chỉ về ngôn ngữ mà còn bao nhiêu chuyện khó xử khác. “Vì bất đồng ngôn ngữ nên giữa tôi và những người thân của gia đình chồng không hiểu nhau.
Đôi khi họ nói thế này, tôi lại nghĩ thế kia và ngược lại, dẫn đến những cách ứng xử chuệch choạc nhau. Thời gian đầu, tôi hay khóc vì nghĩ gia đình chồng không thương mình. Nhờ sự hỗ trợ tích cực của chồng, tôi dần thích nghi và tìm được tiếng nói chung với gia đình chồng” – chị Hoa cho biết.
Còn chị Vũ Tín Ngọc quê ở Lâm Đồng, trước đây làm phiên dịch cho một doanh nghiệp Đài Loan đóng tại Bình Dương, Việt Nam. Cũng trong thời gian làm việc, chị đã quen anh Tuyết Tuấn Huy, người xứ Đài.
Chị Vũ Tín Ngọc cùng chồng - anh Tuyết Tuấn Huy- trong niềm vui khi có được công việc ổn định
Sau ngày cưới, chị theo chồng về quê. Dù biết rành tiếng Hoa nhưng khi đến đây, chị cũng không khỏi có những vui buồn nơi đất khách. Chị cho biết: “Mới qua, tôi cứ khóc hoài vì không người thân, không bè bạn và nhớ nhà, nhớ quê. Trong cách sống và suy nghĩ của người dân nơi đây cũng khác. Phải mất 2-3 năm học hỏi mọi thứ, tôi mới dần hội nhập với cuộc sống mới”. Giờ đây, chị Ngọc đã có công việc ổn định, có nhà riêng nhưng nỗi nhớ nhà vẫn canh cánh bên lòng.
Gặp chúng tôi tại cửa hàng kinh doanh đồ lưu niệm ở Ý Lan, huyện Đài Bắc, Đài Loan, chị Nguyễn Ngọc Thúy, quê ở Long An, vui mừng khôn xiết. Chị tâm sự: “Lâu lắm rồi, tôi không về quê, nghe nói giờ đây quê hương đã thay đổi nhiều”.
Cũng như những phụ nữ lấy chồng Đài Loan, chị Thúy chỉ biết chồng, con và giúp gia đình chồng trong việc kinh doanh cửa hàng đồ lưu niệm. Đã hơn 4 năm qua, từ khi con gái chào đời, chị không có dịp về thăm cha mẹ.
“Mang tiếng lấy chồng nước ngoài nhưng buồn lắm vì ở đây ngoài gia đình chồng, tôi không hề có bạn bè. Có nhiều lúc muốn tâm sự những chuyện vui buồn nhưng không thể chia sẻ cùng ai”.
Kỳ tới: Vươn lên trong khốn khó
Bình luận (0)