Trong căn bếp sạch sẽ, khang trang, chị Huỳnh Kim Hoàng, đầu bếp của quán Minh Ký (Đài Bắc - Đài Loan), nhanh tay chế biến thức ăn cho khách. Đều đặn mỗi ngày, chị Hoàng bắt đầu công việc tại quán lúc 9 giờ và kết thúc khi đồng hồ điểm 21 giờ.
Chị Huỳnh Kim Hoàng với công việc đầu bếp hằng ngày
Gian nan học nghề
Mười năm trước, vì muốn giúp đỡ gia đình, chị Huỳnh Kim Hoàng, quê ở Vĩnh Long, đã chấp nhận lấy chồng xa xứ. Khi đến Đài Loan, chị đã không khỏi ngỡ ngàng trước sự khác biệt về ngôn ngữ cũng như văn hóa của quê chồng. Để hội nhập với cuộc sống nơi xứ lạ, chị đã phải học mọi thứ, từ ngôn ngữ đến cách giao tiếp và cả văn hóa. “Chồng tôi ngoài công việc ở xưởng, đêm đêm, anh ấy thường dạy tôi tiếng Hoa và cách ứng xử với mọi người xung quanh. Lúc ấy, ngoài công việc gia đình, tôi còn đến học ngoại ngữ tại các trung tâm” - chị Hoàng cho biết.
Giúp nhau hội nhập
Ông Vũ Văn Long, Hiệp hội Người Việt ở Đài Loan, cho biết đến nay đã có khoảng 200.000 người Việt sang Đài Loan, trong đó có 70.000 lao động ở các nhà máy, 30.000 du học sinh và 100.000 cô dâu. Để giúp người Việt hội nhập và phát triển, hiệp hội thường tổ chức những chương trình hỗ trợ về pháp lý, học ngôn ngữ cũng như hỗ trợ thông tin. |
Khi đứa con ra đời cũng là lúc vợ chồng chị Hoàng đối diện với nhiều khó khăn. Chị Hoàng quyết tâm phải kiếm việc làm để có thêm thu nhập lo cho gia đình.
Nhưng không nghề, không rành ngôn ngữ thì làm sao có thể kiếm ra tiền? Dịp may đã đến khi cạnh nhà chị có một nhà hàng cần tuyển phụ bếp. “Tôi đến xin việc mà trong lòng hồi hộp vì không biết có được nhận hay không. Khi được đồng ý, tôi mừng không sao kể xiết. Ngày ấy, dù công việc chỉ là nhặt rau, rửa chén nhưng tôi rất vui vì có thêm thu nhập lo cho chồng con. Qua 3 năm phụ bếp, chủ thấy tôi làm việc nhiệt tình nên đã dạy cho tôi nấu các món ăn cần thiết” – chị không giấu được cảm xúc khi nhớ về chuyện cũ.
Chị Hoàng không thể nào nhớ hết những khó khăn khi học nghề nấu ăn. Sự chăm chỉ học tập đã giúp chị từ một người giúp việc bình thường trở thành đầu bếp chính của quán. Hiện mức lương của chị mỗi tháng hơn 30.000 đài tệ. Số tiền tích lũy được từ nhiều năm miệt mài làm việc, chị cùng chồng mua được căn hộ riêng cùng với các phương tiện cần thiết. Ngoài ra, chị còn gửi tiền về phụ giúp gia đình nuôi hai em ăn học. Chị cho biết muốn sống ổn định tại Đài Loan phải có một nghề nghiệp vững vàng và phải học tốt ngoại ngữ. “Tôi thành công là nhờ học hỏi không ngừng cũng như sự động viên tích cực của gia đình chồng”.
Chị Hải Ly (bìa phải) cùng những cô dâu Việt thành đạt tại xứ Đài
Chứng tỏ được khả năng
Vốn là người Hoa sống tại TPHCM và từng làm trong ngành dược, chị Kiều Hải Ly không nghĩ rằng mình sẽ phải xa TP. Nhưng số phận khiến cho chị gặp và yêu anh N.T.N, người Đài Loan. Ngày theo chồng định cư tại xứ Đài, chị đã biết cuộc sống mình sẽ có rất nhiều đổi thay. Chị nhớ lại: “Vốn là người có công ăn việc làm ổn định, sang đây không làm gì, tôi cảm thấy rất khó chịu”. Rồi lần lượt hai đứa con ra đời. Mười năm quanh quẩn với con cái, Hải Ly giật mình vì chồng còn khổ cực mà chị lại không phụ giúp được gì. Chị quyết tâm tìm việc để phụ thêm kinh tế gia đình. Đầu tiên, chị làm cho một xưởng sản xuất gần nhà rồi kiêm thêm phiên dịch tiếng Hoa cho những khách có nhu cầu hợp tác làm ăn.
Cũng trong thời gian này, Đài Loan tổ chức cuộc thi thuyết trình dành cho mọi người. Vốn có khả năng thuyết trình cũng như ngoại ngữ lưu loát, Hải Ly đăng ký tham dự. Không ngờ, chị chinh phục được ban giám khảo. “Sau khi nhận giải, tôi nghĩ đó là niềm an ủi đầu tiên của hơn 10 năm xa xứ. Từ đó, cơ hội việc làm đã mở ra với tôi”. Khi ấy, Đài Phát thanh Đài Loan có nhu cầu tuyển một phát thanh viên. Chị đăng ký dự thi và được tuyển dụng. “Một cơ hội mở ra với tôi. Những ngày đầu làm phát thanh viên, tôi đã phải học hỏi không ngừng, từ cách phát ngôn đến cách biên tập tin, bài. Sau mỗi ngày làm việc, tôi thường đến các trung tâm để trau dồi thêm kỹ năng thuyết trình”.
Hằng ngày, ngoài việc cung cấp những thông tin chính sách mới cho người dân ở Đài Loan, chị còn dịch những thông tin ấy sang tiếng Việt để giúp người Việt ở xứ Đài có thêm những thông tin hữu ích. Công việc đó khiến chị rất vui vì đã phục vụ tốt cộng đồng người Việt ở Đài Loan. “Tôi cũng thường xuyên khuyên những cô dâu hay những ai muốn đến xứ Đài phải suy nghĩ thật kỹ khi sang đây. Vì muốn hội nhập, ngoài ngoại ngữ, họ cần phải học hỏi không ngừng từ môi trường giao tiếp đến văn hóa. Nếu không biết vượt qua khó khăn, tự vươn lên thì họ sẽ gặp thất bại, khó có thể sống được ở xứ người”.
Kỳ tới: Nhạy bén và tương trợ
Bình luận (0)