Gián đoạn cung ứng
Ngày 28-2, tức 2 ngày sau khi bắt đầu đưa lao động Việt Nam tại Libya về nước, Cục Quản lý Lao động ngoài nước đã yêu cầu các doanh nghiệp (DN) XKLĐ khẩn trương rà soát, tăng cường quản lý, bảo vệ lao động ở Bahrain và Oman. Tiếp đến, ngày 15-3, cục tiếp tục ra công văn khẩn chỉ đạo DN rà soát lao động, triển khai các phương án bảo vệ lao động ở một số quốc gia như Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất - UAE, Ả Rập Saudi, Qatar, Kuwait… Ngày 22-3, cục yêu cầu các DN tổng rà soát lao động tại Bắc Phi nói riêng và châu Phi nói chung.
Ở khu vực châu Phi, ngoài Libya, theo Cục Quản lý Lao động ngoài nước, khoảng vài ngàn lao động Việt Nam đang có mặt ở một số quốc gia như Angola, Mozambique, Algeria, chủ yếu làm việc ở lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng. Còn tại khu vực Trung Đông, hiện có trên 30.000 lao động Việt Nam, nhiều nhất là UAE với gần 15.000 lao động; kế đến là Ả Rập Saudi khoảng 10.000 người, Qatar và Bahrain, mỗi nước trên 5.000 người…
Quẩn quanh với thị trường cũ
Trong tổng số 165 DN XKLĐ, khoảng 100 DN thường xuyên đưa lao động sang châu Phi và Trung Đông. Trong số này có khoảng 20 DN có quy mô đưa lao động ra nước ngoài làm việc hằng năm trên 1.000 người như các công ty TTLC, AIC, Vinaconex Mec, Sovilaco, Sona, Airseco, Lod…
Trong tình hình khó khăn, các DN buộc phải quay lại với thị trường cũ. Hàng loạt DN như Suleco, Lod, Sona, Sovilaco, Châu Hưng, Airseco đang tập trung khai thác thị trường truyền thống Nhật Bản bằng các đơn hàng cung ứng tu nghiệp sinh các ngành dệt, may, điện tử và kỹ sư cơ khí, xây dựng. Trong khi đó, các DN như TTLC, Emico, Traenco… gia tăng khai thác thị trường Đài Loan.
Khi thị trường Hàn Quốc không còn được khai thác (do Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐ-TB-XH thực hiện), các thị trường mới, thu nhập cao ít đơn hàng, các DN không còn cách nào khác là trở lại với 3 thị trường quen thuộc trên. Sự chuyển hướng của XKLĐ Việt Nam đang diễn ra trên một bản đồ bị thu hẹp dần.
19.814 lao động ra nước ngoài làm việc
Báo cáo của Cục Quản lý Lao động ngoài nước cho biết trong 3 tháng đầu năm 2011, cả nước có 19.814 lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài. Riêng tháng 3 có 6.943 lao động, trong đó phần đông sang Đài Loan (2.998 người), Hàn Quốc (1.563 người); trong khi khu vực Trung Đông chỉ có 43 lao động sang UAE và 92 lao động sang Ả Rập Saudi cùng số ít sang Bahrain, Oman… |
Bình luận (0)