Ông Dave Schulte, Giám đốc Điều hành mảng Tiếp thị Máy bay Thương mại Boeing khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Châu Đại Dương, cho biết hợp tác giữa Boeing và Việt Nam đã kéo dài 30 năm, bắt đầu từ năm 1995 khi Vietnam Airlines thuê máy bay Boeing 767-300ER. Đến đầu những năm 2000, hãng đưa vào khai thác chiếc Boeing 777 đầu tiên.

Ông Dave Schulte, Giám đốc Điều hành mảng Tiếp thị Máy bay Thương mại Boeing khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Châu Đại Dương
Gần đây, Vietjet đã cam kết đặt mua 200 chiếc 737 MAX, trong khi Vietnam Airlines công bố đơn hàng 50 chiếc 737 MAX.
Với dự báo phát triển mạnh mẽ trong vòng 20 năm tới, hàng không Việt Nam trở thành thị trường quan trọng trong khu vực.
"Tôi tin rằng trong vòng 5 năm tới, ngành hàng không Việt Nam sẽ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ. Dự báo, tỉ lệ tăng trưởng hàng năm về nhu cầu hành khách sẽ vượt qua mức 8%. Các đơn đặt hàng của Vietjet, Vietnam Airlines là minh chứng rõ ràng cho xu hướng phát triển này"- ông Dave Schulte đánh giá.
"Boeing có 7 nhà cung cấp tại Việt Nam, và đây là một phần rất quan trọng trong chuỗi sản phẩm của chúng tôi"- ông Dave Schulte khẳng định.
Được biết, năm 2016, Vietjet ký hợp đồng mua 100 máy bay Boeing 737 MAX 200, trị giá 11,3 tỉ USD. Năm 2019: Ký bổ sung mua thêm 100 chiếc Boeing 737 MAX, nâng tổng số đặt hàng lên 200 máy bay, với tổng trị giá khoảng 25 tỉ USD.
Tháng 9-2023, trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Vietjet và Boeing tái khẳng định hợp đồng, đồng thời thống nhất kế hoạch bàn giao bắt đầu từ năm 2024, bao gồm các phiên bản 737 MAX 8 và MAX 10.
Cũng trong tháng 9-2023, Vietnam Airlines và Boeing ký ghi nhớ việc chào bán 50 máy bay thân hẹp Boeing 737 MAX với giá trị 10 tỉ USD.
Ông Dave Schulte không cập nhật tiến độ thực hiện các hợp đồng, bản ghi nhớ nói trên, song cho biết Boeing luôn duy trì hợp tác chặt chẽ với các hãng hàng không và các đối tác tại Việt Nam để xây dựng kế hoạch đội bay dài hạn.
Đầu tháng 4 vừa qua, trong chuyến công tác Mỹ với tư cách là Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm để trao đổi về các vấn đề kinh tế - thương mại song phương sau khi Mỹ công bố thuế đối ứng, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã chứng kiến Vietjet và AV AirFinance ký kết bản ghi nhớ hợp tác 300 triệu USD phát triển đội bay; Vietnam Airlines ký kết bản ghi nhớ với CitiBank về cam kết tài trợ vốn trị giá từ 560 triệu USD trở lên cho các dự án đầu tư chiến lược. Đây được xem như là một trong các động thái hướng tới cân bằng cán cân thương mại Việt - Mỹ.
Vietnam Airlines cũng đang thúc đẩy hoàn tất thủ tục đầu tư dự án mua 50 máy bay thân hẹp, lựa chọn nhà cung cấp, đàm phán và ký kết hợp đồng mua máy bay trong nửa đầu năm 2025.
Ngày 23-4, Vietnam Airlines và Vietcombank đã ký bản ghi nhớ hợp tác thu xếp vốn cho dự án đầu tư 50 máy bay thân hẹp. Vietcombank sẽ thu xếp các khoản trả trước và vốn vay dài hạn cho Vietnam Airlines từ năm 2026 đến 2032.
Trung Quốc ngừng nhận máy bay mới
Ngày 23/4, Giám đốc điều hành Boeing Kelly Ortberg cho biết các hãng hàng không Trung Quốc đã tạm dừng tiếp nhận máy bay mới của hãng do ảnh hưởng từ chính sách thuế quan của Mỹ.
Ông Ortberg khẳng định nếu tình trạng này kéo dài, Boeing sẽ chuyển số máy bay dự kiến bàn giao trong năm nay – khoảng 50 chiếc – sang các thị trường khác. Hãng không muốn "chờ đợi quá lâu" và sẽ ưu tiên duy trì đà phục hồi toàn cầu.
Bình luận (0)