Sáng 7-5, tại TP Điện Biên Phủ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và tỉnh Điện Biên long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2024).
Chiến thắng vĩ đại
Dự lễ kỷ niệm có nhiều vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và một số địa phương; các bậc lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động và đại biểu khách quốc tế, cùng đông đảo đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên.
Đặc biệt, lễ kỷ niệm vinh dự đón nhận lẵng hoa chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thủ tướng Phạm Minh Chính chuyển lời chúc mừng, những tình cảm chân thành, thân thiết nhất và chúc lễ kỷ niệm thành công tốt đẹp của Tổng Bí thư tới toàn thể đại biểu, đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước.
Lễ mít tinh chính thức bắt đầu với 21 loạt pháo lễ trên nền nhạc Quốc ca. Cùng lúc diễn ra lễ chào cờ, đội bay gồm 9 máy bay trực thăng mang cờ Đảng, cờ Tổ quốc bay qua lễ đài chính.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đọc diễn văn, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp; khắc ghi và biết ơn công lao to lớn của các bậc tiền bối, anh hùng liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, thế hệ cán bộ, tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ cùng toàn thể các lực lượng vũ trang và nhân dân ta trên khắp mọi miền của Tổ quốc đã tận tâm, tận lực, anh dũng chiến đấu, hy sinh quên mình, cùng góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Thủ tướng khẳng định Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một chiến thắng vĩ đại, "được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa của thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc".
Với truyền thống đoàn kết, nghĩa tình, thủy chung của dân tộc, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam biết ơn sự hỗ trợ, giúp đỡ quý báu, chí tình chí nghĩa của Trung Quốc, các nước Liên Xô cũ, các nước xã hội chủ nghĩa, bạn bè quốc tế, lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Đặc biệt là các nước Lào, Campuchia anh em trong liên minh đoàn kết chiến đấu ba nước Đông Dương đối với Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng và sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam nói chung.
Trong diễn văn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã điểm lại các dấu mốc lịch sử quan trọng của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong đó, ngày 6-12-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Theo Thủ tướng, từ Chiến thắng Điện Biên Phủ, toàn Đảng, toàn dân ta tiếp tục đoàn kết một lòng làm nên nhiều chiến thắng lớn lao của toàn dân tộc như Đại thắng mùa Xuân năm 1975 thống nhất đất nước, cũng như công cuộc xây dựng đất nước giàu đẹp sau hòa bình để đưa đất nước thịnh vượng như ngày nay.
Thủ tướng Chính phủ nhắc lại khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Với kết quả đáng tự hào đó, Thủ tướng kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài cùng chung sức, đồng lòng, đồng tâm, hiệp lực; tận dụng mọi thời cơ, vận hội mới; nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức; quyết tâm phấn đấu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, đưa nước ta trở thành nước đang phát triển, công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
"Chúng ta tin tưởng và tự hào rằng những trang sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc ta với tinh thần Điện Biên Phủ bất diệt, những khó khăn được tháo gỡ, thách thức sẽ vượt qua để viết tiếp các bản hùng ca chiến thắng. Hãy cùng nhau kề vai, sát cánh, quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam thân yêu ngày càng hùng cường, thịnh vượng, nhân dân có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc…" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc
Thay mặt cho chiến sĩ Điện Biên phát biểu tại buổi lễ, cựu chiến binh Phạm Đức Cư - nguyên trợ lý tham mưu Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367 Pháo cao xạ - xúc động khi tưởng nhớ những đồng chí, đồng đội và nhân dân đã hy sinh để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ông Cư bày tỏ niềm phấn khởi, tự hào khi được chứng kiến sự thay da đổi thịt của TP Điện Biên Phủ hôm nay - nơi chiến địa ác liệt năm xưa, cũng như sự phát triển vượt bậc của đất nước nói chung sau 70 năm.
Ông tin tưởng và mong muốn thế hệ trẻ hôm nay luôn tự hào, ghi nhớ và phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc và tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, dám nghĩ dám làm, năng động sáng tạo, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam, Vũ Quỳnh Anh, chuyên viên Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, cho biết bản thân may mắn được sinh ra trên mảnh đất Điện Biên anh hùng, có ông bà là những người trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong hình dung của Quỳnh Anh, từ những câu chuyện, thước phim và lời kể của ông bà, Điện Biên Phủ là vùng đất huyền thoại, nơi chứng kiến tinh thần quật cường, anh dũng của quân và dân ta với "56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ máu trộn bùn non/ gan không núng/ chí không mòn".
Nhấn mạnh thế hệ trẻ luôn ý thức sâu sắc rằng mỗi thành quả mà thế hệ hôm nay được thụ hưởng là sự đánh đổi bằng máu xương của các bậc tiền bối cách mạng và hàng triệu người con Việt Nam, phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, thế hệ trẻ sẽ không ngừng học tập, lao động, sáng tạo, làm chủ khoa học - công nghệ; nỗ lực trong khởi nghiệp, lập nghiệp; đem sức mạnh, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam vào công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Theo Vũ Quỳnh Anh, thế hệ trẻ nguyện không quản ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì Tổ quốc cần, chung sức cùng cộng đồng; quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vì cuộc sống bình yên của nhân dân.
"Trang sử hào hùng về Điện Biên Phủ năm xưa đã cho chúng cháu niềm tin yêu, niềm tự hào về mảnh đất mình sinh ra, lớn lên, về trách nhiệm mà cháu luôn khắc ghi trên con đường học tập, lập thân, lập nghiệp. Đó cũng là những hành trang vô cùng quý giá, giúp cháu có thêm động lực khi trở thành một cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh" - Vũ Quỳnh Anh bày tỏ.
Tại buổi lễ, đại diện Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương công bố Quyết định của Chủ tịch nước về việc tặng Huân chương Độc lập hạng nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, ghi nhận những đóng góp đặc biệt xuất sắc của địa phương trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao tặng Huân chương cho đại diện lãnh đạo tỉnh Điện Biên.
5 nhiệm vụ trọng tâm
Thủ tướng cũng nhấn mạnh 5 nhiệm vụ trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước thời gian tới: Thứ nhất, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả.
Thứ hai, phát triển văn hóa, xã hội đồng bộ, hài hòa, ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị, với quan điểm xuyên suốt là lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực quan trọng nhất của sự phát triển nhanh, bền vững.
Thứ ba, củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Thứ tư, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Thứ năm, tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên.
Bình luận (0)