Ngày 27-2 tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức lễ trao Giải thưởng Hội Nhà văn năm 2023 và tổng kết đợt 1 cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi.
Mỗi tác phẩm một dấu ấn riêng
Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho biết hội đã nhận được 179 tác phẩm tham dự Giải thưởng Văn học năm 2023, Ban Chấp hành hội đã chọn được 6 tác phẩm để trao giải.
"Điểm nổi bật của mùa giải năm nay là bản lĩnh người sáng tạo và bản lĩnh của hội đồng lựa chọn. Những tác phẩm được trao giải năm nay cho thấy quan điểm cởi mở, đầy can đảm của Ban Chấp hành hội" - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhìn nhận.
Đáng chú ý, ở hạng mục văn xuôi, Hội Nhà văn trao giải cho cùng lúc 3 tác phẩm, gồm: 2 tiểu thuyết "Tuyệt không dấu vết" của Nguyễn Việt Hà, "Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" của Nguyễn Một và tập truyện ngắn "Một mùa hè dưới bóng cây" của Nguyễn Tham Thiện Kế.
Theo nhà văn Nguyễn Bình Phương, việc trao giải cho 3 tác phẩm ở 3 phong cách khác nhau, thậm chí 3 quan niệm nghệ thuật khác nhau, cho thấy tinh thần phóng khoáng của Ban Chấp hành hội trong vấn đề nhìn nhận, chấp nhận mọi khuynh hướng, phong cách nghệ thuật. Đọc cụ thể từng tác phẩm sẽ thấy bằng bản lĩnh người viết, mỗi tác giả đều mang đến dấu ấn riêng biệt trong sáng tác của mình.
"Tuyệt không dấu vết" của Nguyễn Việt Hà cho thấy bản lĩnh của người nắm chắc kỹ thuật viết. Tác giả đã bước những bước dài tới sự pha trộn thể loại để tìm ra một công thức riêng, cả trên phương diện phản ánh những vấn đề nhân sinh trong xã hội đương thời lẫn mỹ cảm nghệ thuật.
Trong khi đó, "Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" của Nguyễn Một thể hiện bản lĩnh qua góc nhìn độc lập, khách quan trước những vấn đề vốn đã được mặc định. Từ đó, tác giả soi chiếu về sự tồn tại đầy kiên cường, cũng đầy tính may rủi của cá nhân con người trong những giai đoạn, những tình thế bất trắc, hiểm nguy.
"Một mùa hè dưới bóng cây" của Nguyễn Tham Thiện Kế can đảm ở sự phá vỡ cấu trúc câu và làm mới ngôn ngữ theo cách riêng mà vẫn tạo được sự thấu cảm với người đọc...
Tại lễ trao giải, nhà văn Nguyễn Một cho rằng tiểu thuyết của ông, của tác giả Nguyễn Việt Hà, truyện ngắn của Nguyễn Tham Thiện Kế hay truyện thiếu nhi của Lê Quang Trạng... được trao giải thưởng năm nay có thể chưa phải là những cuốn sách hay nhất của văn học Việt Nam năm 2023. Bởi lẽ, sự lựa chọn nào cũng chỉ mang tính tương đối. Tuy nhiên, ông tin rằng sự lựa chọn này nhận diện được tiếng nói của những trái tim, là ánh mắt nhân văn và "tâm trạng của đời sống" trong các tác phẩm kể trên của các nhà văn.
"Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam mang lại sự tự hào nhưng cũng là chỉ dấu giao trách nhiệm cho các nhà văn. Chúng tôi sẽ phải cảm ơn Hội Nhà văn và bạn đọc không chỉ bằng lời nói suông hôm nay mà cần tiếp tục thể hiện trong tương lai qua những trang viết chứa đựng tâm trạng của đời sống. Tôi tin rằng qua mỗi trang sách, con người có thể hiểu nhau hơn, thông cảm và chia sẻ với nhau nhiều hơn" - nhà văn Nguyễn Một bộc bạch.
Khích lệ sự tìm tòi, thử nghiệm
Ở thể loại thơ, giải thưởng được trao cho tập "Đồng sen tàn" của Nguyễn Phúc Lộc Thành. Nhà thơ tâm sự ông xem giải thưởng này là sự động viên, đáp đền xứng đáng cho một quá trình lao động sáng tạo bền bỉ.
Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định đây là sự ghi nhận chất lượng của một tập thơ với nhiều bài "độc", lạ đạt đến độ thần tình. Bên cạnh đó, giải thưởng là sự tôn vinh thành tựu của một tác giả đạt đến độ chín trên mọi phương diện - cả nhân sinh quan lẫn kỹ thuật thể hiện.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương đánh giá ở hạng mục lý luận - phê bình, việc trao giải cho "Tự chủ văn chương và sứ mệnh tự do" của 2 tác giả Phùng Ngọc Kiên - Đoàn Ánh Dương là trao cho bản lĩnh chuyên nghiệp. Tác phẩm này là công trình chuyên khảo sâu, bề thế, bài bản, thoát khỏi cảm giác sản phẩm ngẫu hứng hay tập hợp các bài viết lẻ vụn vặt.
Ở hạng mục văn học thiếu nhi, tác phẩm "Cá linh đi học" của Lê Quang Trạng thể hiện bản lĩnh của người viết. Tác giả đã mạnh dạn, can đảm bước vào địa hạt mà trước đó còn mới lạ bằng một câu chuyện dài.
Với giải thưởng tác giả trẻ, nhà văn Nguyễn Bình Phương nhận định việc trao giải cho "Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời" của Đức Anh một lần nữa khẳng định quan điểm của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam là ưu tiên khích lệ những tìm tòi, thử nghiệm của người viết trẻ. Đức Anh được đánh giá là tác giả can đảm, có ý thức tìm kiếm một lối đi cá biệt - điều vô cùng quan trọng trong sáng tạo nghệ thuật.
Ở hạng mục văn học dịch, không có tác phẩm nào được trao giải. Hai nhà văn Trần Thị Trường (Hà Nội) và Lê Thị Kim (TP HCM) được trao giải "Nhà văn nữ ấn tượng".
Nhà văn Trần Thị Trường sinh năm 1950 tại Tuyên Quang. Bà được biết đến với tiểu thuyết "Lời cuối cho em", tập truyện ngắn "Tình như chút nắng", "Truyện ngắn Trần Thị Trường"... Trong khi đó, nhà thơ Lê Thị Kim tên thật là Lê Thị Ngà, sinh năm 1950 tại Thanh Hóa. Các tác phẩm ghi dấu ấn của bà có thể kể đến là "Thành phố tháng tư", "Đóa quỳ hư ảo", "Em lạc đâu Sao Kim"…
Trao giải sáng tác văn học đề tài thiếu nhi
Trong đợt 1 cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi (2021-2023), giải nhất thuộc về bản thảo văn xuôi "Mèo sinh ra đâu phải chỉ bắt chụp" của Dương Thị Thảo Nguyên. Hai giải nhì được trao cho "Hạt dẻ ơi, về nhà thôi" của Nguyễn Thị Cẩm Hà, tức Hà Mi (văn xuôi - bản thảo) và "Dắt mẹ đi chơi" ("Đố mẹ", "Dế Mèn học chữ") của Mai Quyên (thơ - sách).
Năm tác phẩm được trao giải ba gồm: "Những đôi mắt khoảng trời" của Đào Quốc Vịnh (văn xuôi - tập sách), "Con cáo lửa" của Phạm Thanh Thúy (văn xuôi - bản thảo), "Đi bắt nỗi buồn" của Nguyễn Thị Như Hiền (văn xuôi - bản thảo), "Sông vừa đi vừa lớn" của Nguyễn Minh Khiêm (thơ - bản thảo), "Cái bếp kể chuyện" của Đinh Công Thủy (thơ - bản thảo).
Ban Tổ chức còn trao 7 giải khuyến khích cho 7 tác phẩm khác.
Bình luận (0)