Ngày 15-11, TAND cấp cao tại TP HCM tiếp tục xét xử phúc thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cùng 47 đồng phạm có kháng cáo, với phần tranh luận.
Trước đó, đại diện VKSND trình bày kết luận về vụ án. VKSND ghi nhận định các bị cáo đã thừa nhận hành vi như cáo trạng và bản án sơ thẩm của TAND TP HCM.
Hành vi phạm tội của bị cáo Lan rất nghiêm trọng, gây dư luận xấu. Án sơ thẩm tuyên phạt tử hình về tội "Tham ô tài sản", 20 năm tù về tội "Đưa hối lộ" và 20 năm tù về tội "Vi phạm quy định cho vay", tổng hợp hình phạt là tử hình, được đánh giá là đúng người, đúng tội.
Tại phiên xét xử phúc thẩm, bị cáo Lan thành khẩn khai báo, quyết tâm khắc phục toàn bộ hậu quả của vụ án, trong đó có việc đưa 658 mã tài sản không bị thế chấp, kê biên vào khắc phục hậu quả.
VKSND ghi nhận bị cáo Lan có các tình tiết giảm nhẹ như đóng góp từ thiện và nộp 3.500 tỉ đồng khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, do hành vi phạm tội nhiều lần và gây hậu quả lớn khiến không có cơ sở để giảm án.
Với cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, theo VKSND, đã có hành vi che giấu kết quả thanh tra nhằm giúp Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Hành động này tạo điều kiện cho bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm chiếm đoạt một khoản tiền đặc biệt lớn, gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín và hiệu lực của các cơ quan quản lý nhà nước.
Mặc dù hành vi của bà Nhàn có thể bị áp dụng mức án tử hình do mức độ nghiêm trọng và hậu quả mà nó gây ra, tuy nhiên, việc bị cáo đã nộp lại toàn bộ số tiền nhận hối lộ là tình tiết giảm nhẹ quan trọng, giúp thoát khỏi mức án tử hình. Chính vì vậy, mức án chung thân mà tòa sơ thẩm đã tuyên được cho là không oan sai và tương xứng với tính chất của hành vi phạm tội.
Đối với bị cáo Trương Huệ Vân (cháu ruột bị cáo Lan), người được bà Trương Mỹ Lan giao điều hành nhiều công ty, VKSND xác định bà Vân giúp bà Lan thành lập 52 công ty "ma" nhằm hỗ trợ việc chiếm đoạt 1.000 tỉ đồng từ SCB.
Các bị cáo khác như Võ Tấn Hoàng Văn, Trương Khánh Hoàng và Nguyễn Thị Mỹ Dung cũng bị xác định đóng vai trò tích cực trong việc tạo điều kiện để bị cáo Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền của SCB.
Theo VKSND, hành vi của các bị cáo này là đặc biệt nguy hiểm, đòi hỏi phải có mức án nghiêm khắc để răn đe và phòng ngừa chung. Mức án sơ thẩm dành cho các bị cáo đã được đánh giá là hoàn toàn tương xứng với hành vi phạm tội.
Đối với các bị cáo còn lại, VKSND đưa ra quan điểm xem xét giảm nhẹ cho những người đã khắc phục hậu quả và có những tình tiết giảm nhẹ đặc biệt.
Về các kháng cáo và đề nghị cụ thể của VKS:
- Đối với bị cáo Trương Mỹ Lan, VKSND đề nghị chấp nhận một phần kháng cáo, giảm mức án cho tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" xuống còn 14-16 năm tù. Tuy nhiên, với các tội "Tham ô tài sản" và "Đưa hối lộ", VKS đề nghị giữ nguyên mức án tử hình.
- Đối với bị cáo Đỗ Thị Nhàn, không chấp nhận kháng cáo và đề nghị giữ nguyên mức án chung thân.
- Đối với bị cáo Chu Lập Cơ, giảm án từ 9 năm tù xuống còn 7-8 năm tù với tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng".
- Đối với bị cáo Trương Huệ Vân, giảm mức án từ 17 năm xuống còn 14-15 năm tù.
- Đối với bị cáo Nguyễn Cao Trí, giảm mức án từ 8 năm xuống còn 5-6 năm tù, do bị cáo đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đang mắc bệnh cột sống.
- Đối với bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, giảm mức án xuống 15-16 năm tù cho tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" nhưng giữ nguyên mức án chung thân cho tội "Tham ô tài sản."
- Đối với bị cáo Trương Khánh Hoàng, giảm mức án cho tội "Tham ô tài sản" xuống còn 16-17 năm tù...
Bình luận (0)