Chiều 5-3, đại diện VKSND TP HCM bắt đầu công bố cáo trạng vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và các công ty, đơn vị, tổ chức liên quan (gọi tắt là vụ án Vạn Thịnh Phát).
Trong vụ án này, bị cáo Trương Mỹ Lan (SN 1956; Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị cáo buộc thành lập, sử dụng hơn 1.000 công ty trong và ngoài nước (gọi là hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát) để thực hiện các hành vi phạm tội, chiếm đoạt số tiền hơn 304.000 tỉ đồng và gây thiệt hại số tiền hơn 129.000 tỉ đồng (là số tiền lãi phát sinh từ số tiền gốc chiếm đoạt) cho Ngân hàng SCB.
Theo kết luận của VKSND Tối cao, hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát đã thuê/nhờ hàng trăm cá nhân đứng tên đại diện pháp luật, được chia thành 4 nhóm chính có quan hệ chặt chẽ với nhau:
- Nhóm định chế tài chính tại Việt Nam gồm: Ngân hàng SCB, Công ty Chứng khoán Tân Việt, Công ty Cổ phần đầu tư tài chính Việt Vĩnh Phú. Trong nhóm này, SCB có vai trò đặc biệt quan trọng, được sử dụng như một công cụ tài chính để cấp vốn cho các công ty khác trong hệ sinh thái.
Cơ quan chức năng xác định, tính đến 17-10-2022, tổng số tiền SCB huy động của người dân và vay các cơ quan, tổ chức khác là hơn 673.583 tỉ đồng (trong đó có 511.262 tỉ đồng tiền gửi của khách hàng).
- Nhóm công ty có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam: phần lớn kinh doanh bất động sản, khách sạn… như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula (vốn điều lệ 18.000 tỉ đồng), Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông (vốn điều lệ 9.000 tỉ đồng).
- Nhóm các công ty "ma" tại Việt Nam: được thành lập để lấy pháp nhân góp vốn đầu tư vào các dự án, vay vốn ngân hàng, thực hiện việc đảo nợ hoặc ký hợp đồng hợp tác, thi công…
- Mạng lưới công ty nước ngoài: đây là các công ty "vỏ bọc" được xây dựng tại các lãnh thổ, quốc gia là "thiên đường thuế" phục vụ hoạt động đầu tư, kinh doanh tại nước ngoài hoặc đứng tên quản lý nguồn vốn, tài sản của gia đình Trương Mỹ Lan.
Trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, có 2 công ty có vốn điều lệ "khủng" mà Trương Mỹ Lan giao cho cháu gái - bị cáo Trương Huệ Vân và em dâu làm đại diện pháp luật là: Công ty Cổ phần tập đoàn Vạn Thịnh Phát (13.000 tỉ đồng) và Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Vạn Thịnh Phát (12.800 tỉ đồng).
Đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, có 4 cổ đông sở hữu cổ phần như sau: Trương Mỹ Lan 60%, Chu Duyệt Hằng (con gái Trương Mỹ Lan) 10%, Chu Duyệt Phấn (con gái Trương Mỹ Lan) 10%, Trương Huệ Vân 20%.
Đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Vạn Thịnh Phát (em trai và cháu gái Trương Mỹ Lan là 2 trong 3 thành viên HĐQT), có 4 cổ đông sở hữu cổ phần như sau: Tập đoàn Vạn Thịnh Phát 49%, Chu Duyệt Hằng 15,5%, Chu Duyệt Phấn 15,5%, Công ty Cổ phần Emerald 20%.
Cũng theo cáo trạng của VKSND Tối cao, trong hệ sinh thái Vạn Thái Phát có hàng ngàn công ty không hoạt động sản xuất kinh doanh (gọi là công ty "ma") được bị cáo Lan thành lập phục vụ việc đứng tên vay khống ở Ngân hàng SCB.
Theo VKSND Tối cao, về mặt pháp lý, Ngân hàng SCB và hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát hạch toán tài chính, kê khai báo cáo thuế độc lập. Song bản chất pháp nhân đều do Trương Mỹ Lan thành lập hoặc mua lại cổ phần, góp vốn, chỉ định người thân quen, hoặc thuê/nhờ các cá nhân khác đứng tên hộ.
Bình luận (0)