Sáng nay (5-3), TAND TP HCM bắt đầu phiên xét xử vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các công ty, đơn vị, tổ chức liên quan (gọi tắt là vụ án Vạn Thịnh Phát). Phiên tòa dự kiến kéo dài 2 tháng. Các bị cáo gồm Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; Chu Lập Cơ, chồng bà Lan; cùng 84 người khác.
Những con số biết nói
Chiều 4-3, ông Phạm Ngọc Duy, Chánh Văn phòng TAND TP HCM, cho biết công tác chuẩn bị cho phiên tòa đã hoàn tất. Tòa án sử dụng 3 phòng lớn nhất, thông nhau để xét xử và bố trí hàng trăm ghế ngồi, tủ đựng tài liệu, màn hình chiếu...
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, tòa triệu tập hơn 2.400 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Tòa án đã bố trí 1 phòng riêng để đựng hồ sơ vụ án với gần 2.500 tập tài liệu, đóng trong 104 thùng hồ sơ nặng khoảng 6 tấn với khoảng 1 triệu bút lục. Phòng tư liệu này được lắp đặt hệ thống camera an ninh giám sát.
Họ gồm nhóm cán bộ SCB; cá nhân đứng tên công ty, đứng tên vay, đứng tên tài sản thế chấp tại SCB; pháp nhân đứng tên vay, nhận tiền tại SCB; cá nhân tại Ngân hàng Nhà nước và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan khác.
Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Phạm Lương Toản, Chánh tòa Hình sự TAND TP HCM. VKSND Tối cao phân công 10 kiểm sát viên thuộc VKSND Tối cao và VKSND TP HCM giữ quyền công tố. Có gần 200 luật sư (LS) tham gia bào chữa cho bị cáo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp các bên liên quan. Riêng bị cáo Trương Mỹ Lan có 5 LS bào chữa.
Trong 86 bị cáo bị truy tố có 70 người bị tạm giam, 11 người được tại ngoại và 5 người đang bị truy nã. Năm người là cựu lãnh đạo SCB bị truy nã, đưa ra xét xử vắng mặt gồm Nguyễn Thị Thu Sương, Đinh Văn Thành, Chiêm Minh Dũng, Trầm Thích Tồn, Nguyễn Lâm Anh Vũ. Những bị cáo này đều có một LS bào chữa.
VKSND Tối cao truy tố các bị cáo về 7 tội danh. Trong đó, bị cáo Trương Mỹ Lan bị truy tố 3 tội danh "Đưa hối lộ", "Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng" và "Tham ô tài sản". 45 cựu lãnh đạo, cán bộ SCB; 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; một cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước đối diện các tội danh "Tham ô tài sản", "Nhận hối lộ", "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và "Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng".
Hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn
Cũng theo ông Phạm Ngọc Duy, phiên xét xử này là giai đoạn 1 của vụ án, tập trung thu hồi tài sản, làm tiền đề giải quyết cho giai đoạn 2 là các sai phạm liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.
Hồ sơ vụ án thể hiện mặc dù không giữ chức vụ trong SCB nhưng bị cáo Trương Mỹ Lan nắm cổ phần từ 85%-91,5% nên chi phối, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động ngân hàng này từ khi hợp nhất 3 ngân hàng tư nhân đến khi khởi tố vụ án.
Đồng thời, với vị trí là chủ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và phần lớn các công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát (gồm hơn 1.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước), bị cáo Lan có nhiều phương thức, thủ đoạn vi phạm pháp luật. Cụ thể như tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín của mình vào các vị trí chủ chốt tại SCB; thành lập một số đơn vị thuộc SCB chuyên trách cho vay, giải ngân theo yêu cầu bản thân; thành lập, sử dụng hàng ngàn công ty "ma"; câu kết với các cá nhân đứng đầu nhiều doanh nghiệp liên quan để thực hiện tội phạm.
Bị cáo Lan cũng thông đồng với nhiều công ty thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản bảo đảm; tạo lập số lượng rất lớn hồ sơ vay vốn khống để rút tiền từ SCB; lập phương án rút tiền, cắt đứt dòng tiền sau giải ngân; bán nợ xấu, bán các khoản cấp tín dụng trả chậm để giảm dư nợ tín dụng, giảm nợ xấu, che giấu sai phạm; mua chuộc, tác động người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước làm trái công vụ...
Bị cáo đã sử dụng SCB để huy động vốn, sau đó tổ chức, chỉ đạo lãnh đạo chủ chốt tại SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát triển khai việc thông đồng, câu kết, lập hồ sơ hợp thức hóa như các khoản vay để rút ra rất nhiều khoản tiền lớn nhằm sử dụng vào các mục đích khác nhau. Các khoản vay khống này khi đến hạn không trả được, bị cáo cùng đồng phạm tiếp tục tạo những khoản vay khống khác.
VKSND Tối cao đánh giá Trương Mỹ Lan và đồng phạm với những vị trí, vai trò khác nhau thực hiện nhiều tội phạm xâm phạm về sở hữu, xâm phạm hoạt động của ngân hàng, hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước. Trong đó, nhiều tội phạm được thực hiện dưới dạng đồng phạm có tổ chức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chiếm đoạt và gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn.
VKSND Tối cao xác định SCB là bị hại liên quan hành vi tham ô tài sản của các bị cáo. Trong khi đó, bị cáo Trương Mỹ Lan vừa bị truy tố trong vụ án vừa được xác định là bị hại liên quan hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản do Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch Tập đoàn Capella) thực hiện. VKSND Tối cao xác định Nguyễn Cao Trí lợi dụng việc bà Trương Mỹ Lan bị bắt đã có thủ đoạn gian dối, chỉ đạo nhân viên lập, hoàn thiện hồ sơ thanh lý hợp đồng chuyển nhượng, thanh lý hợp đồng ủy thác đầu tư để xóa bỏ nghĩa vụ nợ nhằm chiếm đoạt số tiền 1.000 tỉ đồng đã nhận của bà Trương Mỹ Lan.
Thu giữ, kê biên lượng tài sản đặc biệt lớn
Tại vụ án này, cơ quan chức năng thu giữ, kê biên khối lượng tài sản đặc biệt lớn. Trong đó, giai đoạn điều tra thu giữ 590.000 tỉ đồng, gần 15 triệu USD; giai đoạn truy tố thu giữ hơn 55 tỉ đồng.
Cơ quan chức năng đã phong tỏa 42 tài khoản của các bị cáo và những cá nhân đứng tên hộ bị cáo Trương Mỹ Lan với hơn 1.896 tỉ đồng, trên 8 triệu USD. Có 1.237 bất động sản liên quan trực tiếp bị cáo Trương Mỹ Lan đã bị kê biên. Cơ quan chức năng cũng kê biên, ngăn chặn giao dịch cổ phần tại SCB của bị cáo này. Ngoài ra, 22 tài sản khác gồm 1 du thuyền, 2 tàu, 19 ô tô của bị cáo Trương Mỹ Lan và cháu gái Trương Huệ Vân cũng bị kê biên.
Khắc phục hậu quả 1 tỉ đồng
Trong vụ án, bị cáo Chu Lập Cơ đã giúp sức cho bị cáo Trương Mỹ Lan gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 9.100 tỉ đồng.
Hồ sơ thể hiện Chu Lập Cơ là cổ đông chính, giữ 99,26% cổ phần của Công ty CP Times Square Việt Nam. Năm 2012, bị cáo dùng tài sản của công ty để thế chấp nhằm bảo lãnh nợ vay cho các cá nhân, tổ chức do vợ chỉ định. Sau khi có tài sản bảo đảm để vay vốn, bị cáo Trương Mỹ Lan hợp thức hóa hồ sơ vay vốn khống để giải ngân số tiền vay tại SCB. Toàn bộ tiền vay được sử dụng cho mục đích riêng.
Năm 2017, do các khoản nợ đến hạn nhưng không trả được, bị cáo Chu Lập Cơ tiếp tục sử dụng tài sản của công ty để thế chấp bảo đảm nghĩa vụ thanh toán nợ vay. Cáo trạng xác định các hành vi ký khống nói trên gây thiệt hại 39.217 tỉ đồng. Sau khi khấu trừ giá trị tài sản bảo đảm được định giá bởi bên thứ ba và được SCB chấp nhận, thiệt hại liên đới còn lại là hơn 9.100 tỉ đồng. Sau khi bị khởi tố, bị cáo Chu Lập Cơ nộp khắc phục 1 tỉ đồng.
Bình luận (0)