Ngày 14-7, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE; trụ sở phường Quy Nhơn Nam, tỉnh Gia Lai) cho biết Tổng thống Cộng hòa Pháp đã ký sắc lệnh thăng hạng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh từ tước Hiệp sĩ (Chevalier) lên Sĩ quan (Officier) – cấp bậc cao thứ tư trong 5 cấp của huân chương cao quý này – cho 2 GS gốc Việt: Trần Thanh Vân và Lê Kim Ngọc.

Vợ chồng GS Trần Thanh Vân và GS Lê Kim Ngọc.
Hai ông bà đều 91 tuổi, từng được trao tước Hiệp sĩ lần lượt vào các năm 2000 (GS Trần Thanh Vân) và 2016 (GS Lê Kim Ngọc). Việc nâng hạng lần này tiếp tục ghi nhận hành trình cống hiến khoa học bền bỉ và vai trò cầu nối khoa học quốc tế mà họ xây dựng trong nhiều thập kỷ qua.
Bắc đẩu Bội tinh (Légion d'honneur) là phần thưởng cao quý nhất của Nhà nước Pháp, do Hoàng đế Napoléon Bonaparte sáng lập năm 1802. Huân chương này trao tặng cho những cá nhân có đóng góp xuất sắc trong các lĩnh vực quân sự và dân sự, kể cả công dân nước ngoài.
GS Trần Thanh Vân (tên Pháp: Jean Trần Thanh Vân), sinh năm 1934 tại Quảng Bình (nay thuộc Quảng Trị), sang Pháp du học từ năm 1953.
Là nhà khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực vật lý lý thuyết, đặc biệt là vật lý hạt cơ bản, ông đã tổ chức nhiều hội nghị vật lý quốc tế danh tiếng tại Pháp và đóng vai trò chủ chốt trong việc gắn kết các nhà vật lý châu Âu với châu Á.
Năm 2012, ông là một trong ba nhà khoa học châu Á đầu tiên được trao Huy chương Tate – giải thưởng danh giá của Hội Vật lý Mỹ dành cho các nhà vật lý có đóng góp đặc biệt cho cộng đồng khoa học quốc tế.
GS Lê Kim Ngọc, quê Vĩnh Long, cũng sang Pháp từ năm 1953 và tốt nghiệp loại ưu ngành Khoa học Tự nhiên tại Đại học Sorbonne. Bà là tiến sĩ khoa học, từng công tác tại Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp (CNRS), với nhiều công trình có giá trị nền tảng trong công nghệ sinh học thực vật. Đặc biệt, công trình "lát mỏng tế bào" do bà chủ trì được giới chuyên môn đánh giá là có tính mở đường cho nhiều ứng dụng hiện đại trong lĩnh vực này.
Không chỉ thành công trên đất Pháp, vợ chồng GS Trần Thanh Vân – Lê Kim Ngọc còn gắn bó sâu sắc với quê hương thông qua các hoạt động kết nối học thuật. Năm 1993, ông sáng lập Hội Gặp gỡ Việt Nam (Rencontres du Vietnam), mời nhiều nhà khoa học tên tuổi thế giới đến Việt Nam chia sẻ kiến thức, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ.

Trung tâm ICISE do vợ chồng GS Trần Thanh Vân sáng lập
Năm 2013, trung tâm ICISE do ông sáng lập chính thức đi vào hoạt động. Đây là trung tâm khoa học quốc tế đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á có cơ sở vật chất hiện đại, được thiết kế để tổ chức các hội nghị khoa học chuyên sâu mang tầm quốc tế.
Tính đến nay, ICISE đã tổ chức gần 200 hội nghị khoa học quốc tế, 45 trường học khoa học chuyên đề, thu hút khoảng 12.000 nhà khoa học đến từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, 19 giáo sư đoạt giải Nobel cùng nhiều người đoạt Fields, Shaw, Kavli, Dirac… đã từng đến Gia Lai thông qua các kết nối trực tiếp của GS Trần Thanh Vân.
Bình luận (0)