Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết từ đầu năm 2024 đến ngày 20-3, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt hơn 6,17 tỉ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt khoảng 4,63 tỉ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Singapore đầu tư hơn 2,55 tỉ USD
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong 6,17 tỉ USD vốn FDI, số vốn đăng ký mới là 4,77 tỉ USD với 644 dự án - tăng 23,4% so với cùng kỳ năm ngoái; vốn điều chỉnh tăng thêm là 934,6 triệu USD với 248 dự án; góp vốn, mua cổ phần đạt 466,2 triệu USD.
Lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài cho biết đã có 62 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2024. Trong đó, Singapore dẫn đầu với hơn 2,55 tỉ USD, chiếm 41,3% tổng vốn đầu tư - tăng 51,3% so với cùng kỳ năm 2023. Hồng Kông (Trung Quốc) đứng thứ hai với hơn 1,05 tỉ USD, chiếm 17,1% tổng vốn đầu tư - gấp gần hơn 2,3 lần cùng kỳ năm ngoái.
"Đầu tư của Singapore và Hồng Kông chủ yếu là vào các dự án mới" - lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài thông tin.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, phân tích trong tổng vốn FDI đăng ký quý I/2024 thì vốn đăng ký cấp mới chiếm 77,3%, tăng rất cao so với cùng kỳ năm 2023, tương ứng tăng 57,9%. "Số liệu này khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của nước ta. Họ tiếp tục đưa ra các quyết định đầu tư mới và đầu tư mở rộng dự án hiện hữu tại Việt Nam" - bà nhấn mạnh.
Theo bà Hương, vốn đầu tư đăng ký tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút FDI, như: cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, năng động trong công tác xúc tiến đầu tư. Nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn trong 3 tháng.
Trong 3 tháng đầu năm 2024, vốn FDI đã rót vào 42 tỉnh, thành phố. Trong đó, Hà Nội dẫn đầu với hơn 970,8 triệu USD, chiếm 15,7% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp 6,1 lần so với cùng kỳ năm 2023. Bắc Ninh đứng thứ hai với gần 745,2 triệu USD, chiếm gần 12,1% tổng vốn đầu tư cả nước. Tiếp theo lần lượt là Quảng Ninh, Thái Nguyên, TP HCM, Đồng Nai. Nếu xét về số dự án mới, TP HCM dẫn đầu cả nước khi có tới 247 dự án, chiếm 38,4% cả nước.
Tại khu vực phía Bắc, tỉnh Thái Nguyên đứng thứ 4 cả nước về thu hút vốn FDI 3 tháng đầu năm với 477 triệu USD - tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm 2023. Ông Trần Quốc Trung, Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên, giải thích địa phương đã phát huy vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng kết nối giao thông tương đối đồng bộ trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
"Thái Nguyên có lợi thế lớn khi thời gian từ sân bay Nội Bài - Hà Nội đi đến các khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh chỉ 20 - 40 phút; cách cảng Hải Phòng - cảng biển lớn nhất miền Bắc khoảng 150 km, đồng thời tiếp cận trục giao thông kết nối cửa khẩu quốc tế" - ông Trung nhìn nhận.
Bên cạnh đó, ở Thái Nguyên, công nghiệp được quy hoạch trên 4.000 ha, trong đó có Khu Công nghệ thông tin tập trung Yên Bình. Đây là điều kiện thuận lợi để triển khai các dự án đầu tư công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn...
Duy trì sự hấp dẫn của môi trường đầu tư
Thu hút vốn FDI được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh kinh tế quý I/2024.
Để Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, thu hút vốn FDI chất lượng cao, bà Hoàng Thị Thanh Hà, Vụ trưởng vụ Vụ Thống kê nước ngoài và Hợp tác quốc tế - Tổng cục Thống kê, cho rằng các bộ, ngành, địa phương cần có các giải pháp quyết liệt. Trong đó, tập trung thúc đẩy tiến độ thi công các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm, nhất là công trình hạ tầng giao thông quan trọng.
"Chúng ta cần tích cực, chủ động thu hút vốn FDI có chọn lọc, bảo đảm chất lượng; chú trọng chuyển giao công nghệ, liên kết với doanh nghiệp trong nước và tham gia chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu" - bà Hà lưu ý.
Để tiếp tục đà thu hút vốn FDI trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh cần rà soát, điều chỉnh chính sách đầu tư nước ngoài cho phù hợp với xu hướng toàn cầu. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến các ngành, lĩnh vực có khả năng đóng góp cho quá trình xanh hóa nền kinh tế, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số như năng lượng tái tạo, xử lý rác thải, phát triển đô thị xanh, nông nghiệp sạch, nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng cải cách thủ tục hành chính - nhất là những khâu liên quan đất đai, xây dựng, môi trường, hải quan… - là yếu tố quan trọng để hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. "Cần sớm ban hành các chính sách phù hợp để thích ứng hiệu quả, linh hoạt trước tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, bảo đảm niềm tin của nhà đầu tư, duy trì sự hấp dẫn của môi trường đầu tư. Ngoài ra, phải chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết về hạ tầng, đất sạch, năng lượng, nguồn nhân lực để thu hút những dự án đầu tư lớn" - ông nêu rõ.
Về phía địa phương, ông Trần Quốc Trung cho biết thời gian tới, Thái Nguyên tiếp tục cam kết hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, nhất là cấp mới, điều chỉnh dự án đầu tư. "Chúng tôi sẽ đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đào tạo, cung cấp nguồn lao động có tay nghề và ý thức tổ chức kỷ luật, đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp" - ông Trung khẳng định.
Về những lo ngại của doanh nghiệp FDI trước tình trạng thiếu điện vào năm 2023, ông Trung cho biết địa phương cam kết cung cấp đủ điện, nước 24/24 giờ cho các doanh nghiệp. Trong đó, chú trọng đầu tư lưới điện đến chân hàng rào dự án cho những doanh nghiệp đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp.
Gần 2,5 tỉ USD đầu tư vào Bà Rịa - Vũng Tàu
Ngày 30-3, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức Hội nghị triển khai Quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư.
Dự sự kiện, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng việc quy hoạch sẽ tạo động lực đột phá để Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển hàng đầu quốc gia, với hệ thống logistics cảng biển và dịch vụ hàng hải quốc tế, trung tâm du lịch đẳng cấp thế giới.
Dịp này, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 dự án, trong đó có 5 dự án FDI và 10 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn gần 2,5 tỉ USD.
Ng.Giang
Bình luận (0)