Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt gần 36,6 tỉ USD, tăng 32,1% trong bối cảnh thương mại, đầu tư toàn cầu bị thu hẹp.
Đáng chú ý, vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỉ USD (tăng 3,5%), cao nhất từ trước đến nay, cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài và là hiệu ứng của chính sách ngoại giao "cây tre".
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cũng đánh giá những giải pháp trong tháo gỡ khó khăn cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã phát huy hiệu quả, minh chứng khi Việt Nam tiếp tục là điểm dừng chân của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Trong bối cảnh thu hút FDI có nhiều thay đổi, với sự cạch tranh gay gắt hơn, Bộ KH-ĐT cho rằng Việt Nam cần chủ động có sự thay đổi về chính sách ưu đãi đầu tư trong giai đoạn tới, để nâng cao hiệu quả và hướng đến dòng vốn chất lượng cao.
Từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới, Bộ KH-ĐT cho biết Mỹ, Nhật Bản, Ân Độ, Hàn Quốc đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, trợ cấp về đất đai, điện, nước, vốn đầu tư và thuế nhằm đưa dòng vốn FDI quay trở về nước, thúc đẩy nền kinh tế "tự chủ chiến lược".
Bên cạnh đó, một số quốc gia đang phát triển cũng luôn sẵn sàng về hạ tầng, kéo giảm chi phí vận hành, sản xuất và chuỗi cung ứng sẵn có để thu hút các nhà đâu tư FDI. Hiện Bộ KH-ĐT đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo báo cáo rà soát đánh giá tổng thể về chính sách khuyến khích đầu tư tại Việt Nam hiện nay và một số khuyến nghị trong việc xây dựng cơ chế.
Cần đa dạng các chính sách ưu đãi thu hút vốn FDI
Đưa ra khuyến nghị với Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh, 3 yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư bao gồm: an ninh và sự ổn định chính trị, ưu đãi đầu tư và khả năng dự báo chính sách.
Về một số khuyến nghị cụ thể, WB cho rằng các chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam cần hướng đến sự sàng lọc các nhà đầu tư chiến lược, các dự án đầu tư có chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, R&D, bảo vệ môi trường....
Sau khoảng thời gian triển khai các chính sách ưu đãi về thuế, WB lưu ý Việt Nam cần tính toán để không phụ thuộc vào ưu đãi thuế, mà cần đa dạng chính sách, làm gia tăng giá trị khi các nhà đầu tư "rót" vốn vào Việt Nam.
"Việc thực thi chính sách ưu đãi về đất đai và hỗ trợ về đầu tư hạ tầng thiết yếu như điện, nước, giao thông đặc biệt quan trọng trong việc tạo điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng tiếp cận với các điều kiện cần thiết để khởi sự kinh doanh"- WB nêu rõ.
Đặc biệt, trước tác động của Thuế tối thiểu toàn cầu, WB khuyến nghị Việt Nam cần có giải pháp cấp bách để ngăn chặn nguy cơ dịch chuyển đầu tư ra khỏi Việt Nam của một số nhà đầu tư lớn, có vai trò quan trọng trong nền kinh tế.
Trước mắt, cần nghiên cứu thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư, tập trung vào nhóm công nghệ cao. Dựa trên kinh nghiệm rút ra sẽ tiếp tục thực hiện cải cách dài hạn, bổ sung nhóm lĩnh vực mới để hưởng cơ chế ưu đãi theo xu thế quốc tế, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, và tình hình thực tế của Việt Nam.
Trên cơ sở thành công của Việt Nam trong những năm qua, WB khuyến nghị các bộ ngành, địa phương tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả của quá trình tổ chức thực hiện các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), cũng nhấn mạnh trong thời gian tới, mà trước mắt là năm 2024, Chính phủ, các bộ ngành liên quan cần rà soát, hoàn thiện chính sách về khuyến khích đầu tư, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới.
Theo ông Toàn, cần hướng đến thu hút dòng vốn FDI bền vững, lâu dài, ưu tiên những dự án tiết kiệm năng lượng, bảo vệ tài nguyên môi trường. Phó Chủ tịch VAFIE cho hay, bên cạnh việc rà soát các chính sách ưu đãi hiện hành, cần đánh giá để có các ưu đãi mới phù hợp, cùng với đó tiếp tục đầu tư cho hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bình luận (0)