Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã xác định kẻ nổ súng trong nỗ lực ám sát cựu Tổng thống Donald Trump ở TP Butler, bang Pennsylvania hôm 13-7 giờ địa phương (sáng 14-7 giờ Việt Nam) là Thomas Matthew Crooks, 20 tuổi. Tuy nhiên, FBI vẫn chưa tiết lộ thông tin về động cơ của nghi phạm.
Sở Mật vụ Mỹ cho biết Crooks đã bắn nhiều phát súng về phía sân khấu từ một vị trí trên cao bên ngoài địa điểm diễn ra cuộc vận động tranh cử, sau đó bị các đặc vụ tiêu diệt.
Sau vụ nổ súng, ông Trump nhanh chóng rời khỏi sân khấu với vết thương phía trên tai phải, được đưa đến bệnh viện trước khi xuất viện cùng ngày. Dù vậy, vụ nổ súng đã khiến 1 người thiệt mạng và 2 người bị thương nặng.
FBI cho biết đang hợp tác với các cơ quan khác và lực lượng an ninh địa phương để điều tra vụ nổ súng đồng thời kêu gọi người dân cung cấp mọi thông tin liên quan. Trong khi đó, các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa nhấn mạnh sẽ cho điều tra xem liệu khâu bảo vệ an ninh cho cuộc vận động tranh cử có sơ suất gì hay không.
Theo ông Joseph Lasorsa, cựu nhân viên Sở Mật vụ, vụ nổ súng chắc chắn sẽ dẫn đến việc xem xét lại chuyện bảo vệ ông Trump, ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa. Trong thời gian tới, ông có thể sẽ nhận được mức độ bảo vệ gần giống với một tổng thống đương nhiệm.
Sở Mật vụ cho biết đã bổ sung nguồn lực bảo vệ dành cho ông Trump nhưng không cung cấp thêm chi tiết. Dù vậy, đây được xem là nhiệm vụ không dễ dàng, nhất là khi nhiều cuộc vận động tranh cử của ông Trump có hàng ngàn người tham dự và diễn ra ngoài trời trong nhiều giờ.
Vụ ám sát hụt nói trên xảy ra chỉ 2 ngày trước khi Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa (RNC) khai mạc tại TP Milwaukee, bang Wisconsin. Tại sự kiện kéo dài đến ngày 18-7 này, Đảng Cộng hòa dự kiến đề cử ứng viên tổng thống và phó tổng thống. Sau vụ nổ súng ở Pennsylvania, chiến dịch tranh cử của ông Trump xác nhận ông mong chờ tham dự RNC sắp tới, nơi ông chính thức trở thành ứng viên tổng thống.
Trong khi đó, theo đài CBS News, giới chức thực thi luật pháp liên bang và địa phương đang có kế hoạch siết chặt an ninh, tạo vùng đệm xung quanh nơi diễn ra RNC. Bộ An ninh Nội địa Mỹ phân loại RNC là sự kiện có tầm quan trọng quốc gia hoặc quốc tế, đòi hỏi sự hỗ trợ liên ngành giữa các bang. Theo Sở Cảnh sát Milwaukee, hơn 20 bang đã cử cảnh sát tới giúp bảo vệ an ninh cho sự kiện này.
Trước thềm RNC, một đánh giá chung của một số cơ quan, trong đó có FBI, Sở Mật vụ và Sở Cảnh sát Milwaukee, đã kêu gọi giới chức thực thi pháp luật tăng cường cảnh giác. Theo đánh giá, đã xuất hiện nỗi lo đại hội này có thể trở thành mục tiêu hấp dẫn cho các tổ chức khủng bố nước ngoài, những kẻ và nhóm cực đoan bạo lực trong nước, những kẻ tấn công đơn độc…
Cận cảnh mật vụ Mỹ hạ gục nghi phạm bắn ông Trump
Nỗi lo về bạo lực chính trị
Giới phân tích nhận định vụ nổ súng xảy ra trong bối cảnh bạo lực đã trở thành một phần phổ biến trong chính trường Mỹ những năm qua. Ông Ian Bremmer, Chủ tịch Công ty Tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group (Mỹ), cảnh báo nước Mỹ đã bị phân cực sâu sắc, với nhiều người tin rằng đối thủ chính trị của họ quyết tâm phá hủy nền dân chủ của đất nước.
Trang The Guardian lưu ý bạo lực chính trị có nhiều hình thức khác nhau, mà nổi bật là vụ bạo loạn tại trụ sở Quốc hội Mỹ ngày 6-1-2021. Trước đó, hồi tháng 10-2020, Thống đốc bang Michigan khi ấy, bà Gretchen Whitmer, là mục tiêu của một âm mưu bắt cóc. Còn vào năm 2017, nghị sĩ Steve Scalise, người Đảng Cộng hòa, bị bắn tại TP Alexandria, bang Virginia. Năm 2011, nghị sĩ Gabrielle Giffords, thành viên Đảng Dân chủ, bị bắn vào đầu tại một sự kiện ở bang Arizona.
Một báo cáo của Trung tâm Brennan vì công lý tại Trường Luật Đại học New York hồi tháng 1-2024 cho thấy không chỉ các chính trị gia nổi tiếng phải đối mặt nhiều mối đe dọa hơn. Cụ thể, theo báo cáo, có đến 43% nhà lập pháp bang và 18% quan chức địa phương cho biết họ đã nhận được các lời đe dọa.
Trong khi đó, Trung tâm Chống khủng bố tại Học viện Quân sự Mỹ ở West Point, New York ghi nhận số lượng cáo buộc liên bang liên quan việc đe dọa công chức tăng vọt trong những năm gần đây. Bà Katherine Keneally, chuyên gia tại Viện Đối thoại Chiến lược (một tổ chức phi lợi nhuận, chuyên nghiên cứu về chủ nghĩa cực đoan, có trụ sở ở Anh), nhấn mạnh nhiều mối đe dọa đến từ những người bị kích động bởi thông tin sai lệch hoặc gây hiểu lầm.
Giờ đây, theo đài NBC News, vụ nổ súng nhằm vào ông Donald Trump làm dấy lên nỗi lo bạo lực chính trị và bất ổn xã hội có thể gia tăng từ giờ đến cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.
Để ngăn chặn kịch bản này, ông Robert Pape, chuyên gia tại ĐH Chicago (Mỹ), thúc giục các nhà lãnh đạo chính trị từ cả hai đảng và ở tất cả các cấp của chính phủ Mỹ phải lập tức lên án bạo lực chính trị từ bất kỳ phía nào.
Nhiều chính trị gia đã làm thế ngay sau khi vụ việc xảy ra, đồng thời nhấn mạnh không có chỗ cho loại bạo lực này ở Mỹ. Chỉ có điều, như đài CNN chỉ ra, lịch sử cho thấy bạo lực, dù không thể biện minh, cũng là "một vết sẹo đặc trưng" trong nền chính trị nước này.
Hoàng Phương
Bình luận (0)