Chợ Thủ Dầu Một tọa lạc tại vị trí đắc địa thuộc phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương nhưng các ki-ốt trong khu chợ này luôn trong cảnh đìu hiu, vắng vẻ. Thấy có khách ghé ki-ốt, bà Mười (60 tuổi, tiểu thương bán quần áo may sẵn) đon đả chào hàng.
Buôn bán cầm chừng, được chăng hay chớ
Sạp của bà Mười có diện tích khoảng 8 m2, khá đơn điệu, ít mẫu mã thời trang, bắt trend thị hiếu hiện nay. Bà Mười cho biết thời kỳ hoàng kim của sạp quần áo này là cách đây khoảng 15 - 20 năm, lúc đó có 2-3 người phụ bán với bà mới kịp, có ngày kiếm tiền lời vài triệu đồng, còn bây giờ mong kiếm ngày 100.000 đồng cũng khó. "Giờ hàng trên mạng nhan nhản, giá rẻ nên chúng tôi buôn bán cầm chừng, được chăng hay chớ. Cũng may tiền thuê mặt bằng mỗi tháng chỉ 800.000 đồng nên không áp lực và cứ túc tắc cho qua ngày" - bà Mười buồn bã kể.
Nhìn qua ki-ốt kế bên, người phụ nữ đang nằm võng bấm điện thoại, trong khi thời điểm này đang là cao điểm mua sắm (khoảng 10 giờ). Khác với bà Mười, dù thấy có khách nhưng bà Thuận (49 tuổi) lại không mấy đon đả. "Tôi quen với kiểu người ta chủ yếu ghé coi đồ, hỏi giá rồi từ chối khéo, cũng như chê mắc hơn hàng bán online nên mình đành chịu" - bà Thuận nói. Vài năm trở lại đây, mỗi tháng thu nhập từ quầy bán quần áo của gia đình bà Thuận chỉ vỏn vẹn từ 3-4 triệu đồng. Thu nhập giảm mạnh nên sinh hoạt hằng ngày phải cắt giảm tối đa chi phí.
Theo tìm hiểu, phần lớn tiểu thương bán hàng tại các chợ truyền thống là người lớn tuổi. Do vậy, việc chuyển đổi công việc hay tìm cho mình một phương án kinh doanh mới là điều ít người tính tới, chỉ có những người thuê sạp, ki-ốt giá cao mới tìm hướng làm ăn khác vì không trụ nổi với tiền mặt bằng.
![Tình trạng chung tại các chợ truyền thống ở Bình Dương là rất vắng khách Tình trạng chung tại các chợ truyền thống ở Bình Dương là rất vắng khách](https://nld.mediacdn.vn/thumb_w/640/291774122806476800/2025/2/17/15-chot-1739799648338856903771.jpg)
Tình trạng chung tại các chợ truyền thống ở Bình Dương là rất vắng khách
Dạo một vòng khu chợ ở những địa phương sầm uất khác như TP Thuận An, Dĩ An hay Tân Uyên đều thấy tình cảnh chung của tiểu thương là lướt điện thoại, chán thì ngồi tụm ba, tụm năm nói chuyện. Lúc nào mệt quá thì lăn ra ngủ trên võng, ghế bố. Tại những ngôi chợ này, các gian hàng gần như không có khách hoặc thi thoảng lác đác một vài khách vào hỏi mua.
Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, cho biết đến nay trên toàn tỉnh có 95 chợ đang hoạt động, trong đó 2 chợ hạng 1, 15 chợ hạng 2 và 78 chợ hạng 3. Trong số này, có 69 chợ do doanh nghiệp đầu tư kinh doanh và quản lý; 26 chợ được quản lý với hình thức Tổ quản lý chợ.
Tiến hành đồng thời 6 giải pháp
Đánh giá về hoạt động kinh doanh của chợ truyền thống, bà Duyên cho hay hiện đa phần các chợ đang gặp nhiều khó khăn, một phần là do tiểu thương nắm bắt xu hướng đổi mới, nhu cầu tiêu dùng còn chậm. Mặt khác, hoạt động của chợ truyền thống đang gặp phải sự cạnh tranh không lành mạnh đến từ các điểm, khu vực kinh doanh tự phát nằm trải khắp trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Trước tình hình trên, Sở Công Thương đang phối hợp UBND các địa phương rà soát, phân tích nguyên nhân, đánh giá những khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ đối với hoạt động của kênh phân phối truyền thống này và tìm những định hướng, giải pháp giúp chợ truyền thống có thể thích ứng, phát triển phù hợp.
Theo đó, Sở Công Thương đã đưa ra 6 giải pháp nhằm giúp các chợ truyền thống tháo gỡ khó khăn trong hoạt động kinh doanh.
Đó là sở đã phối hợp UBND các huyện, thành phố rà soát, đánh giá quy hoạch phát triển thương mại - dịch vụ của địa phương, nhu cầu tiêu dùng của người dân, thực trạng cơ sở hạ tầng các chợ hiện nay. Qua đó, tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển thị trường trong nước trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, có đề ra lộ trình nâng cấp, cải tạo, xây mới các chợ truyền thống theo hướng hiện đại, văn minh thương mại; phù hợp với tốc độ đô thị hóa, gia tăng dân số của địa phương, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Bên cạnh đó, thu hút đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh chợ; khuyến khích chuyển giao chợ cho các doanh nghiệp có năng lực được quản lý, khai thác chợ thông qua hoạt động đấu giá, đấu thầu. Mặt khác, hoàn thiện hành lang pháp lý trong quản lý chợ. Sở sẽ triển khai các giải pháp hỗ trợ tiểu thương tiếp cận, làm quen với phương thức kinh doanh trực tuyến trên không gian mạng.
Trong đó, tạo điều kiện cho tiểu thương tham gia Sàn thương mại điện tử Bình Dương và các sàn thương mại lớn khác; cung cấp giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt; các giải pháp bán hàng trực tuyến; chợ 4.0...
Ngoài ra, tăng cường giải quyết dứt điểm những điểm, khu vực kinh doanh tự phát, không để tái phát sinh và phát sinh mới; tổ chức bố trí, sắp xếp các trường hợp mua bán tự phát vào kinh doanh tại chợ truyền thống còn trống trên địa bàn.
Một chuyên gia kinh tế nhìn nhận, để thu hút khách hàng, bản thân các tiểu thương ở chợ truyền thống phải thay đổi hành vi cung ứng dịch vụ cho khách hàng; nâng cao chất lượng phục vụ; bảo đảm kinh doanh thực phẩm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nâng cao được sức cạnh tranh với hàng hóa cùng loại trên thị trường; chủ động tiếp cận kênh kinh doanh theo hình thức trực tuyến để bắt kịp xu hướng của thị trường và nhu cầu của khách hàng.
Đấu giá theo hình thức xã hội hóa
Thời gian qua, Báo Người Lao Động nhận được nhiều phản ánh về công trình chợ Đồng Tâm ở xã Đồng Tâm (huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) được xây dựng 20 năm nhưng "đắp chiếu", các hạng mục xuống cấp trầm trọng.
"Chúng tôi từng kỳ vọng ngôi chợ sẽ là nơi trao đổi hàng hóa, tạo đà phát triển cho địa phương và người dân được hưởng lợi, ai ngờ chợ lại không bóng người thế này" - bà Nguyễn Thị Hoa, sống gần chợ Đồng Tâm, nói.
Theo tìm hiểu, chợ Đồng Tâm nằm cách Quốc lộ 14 khoảng 80 m, được đầu tư xây dựng từ năm 2005 với diện tích khoảng 1,2 ha, kinh phí 3,45 tỉ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia thuộc Chương trình 135/1998/QĐ-TTg.
Ông Phạm Xuân Thạch, Phó Phòng Kinh tế - Hạ Tầng huyện Đồng Phú, cho rằng chợ Đồng Tâm hoạt động không hiệu quả là do chợ đặt xa khu vực trung tâm, dân cư sinh sống thưa thớt. Mặt khác, chợ được thiết kế không phù hợp khiến quá trình mua bán của tiểu thương và người dân gặp nhiều khó khăn. Về giải pháp sắp tới, ông Thạch cho hay UBND huyện Đồng Phú đưa vào kế hoạch tổ chức đấu giá theo hình thức xã hội hóa.
S.Hưng
Bình luận (0)