Đề án Vùng khoa học công nghệ là chương trình hành động cụ thể của Becamex IDC (đơn vị được UBND tỉnh Bình Dương giao thực hiện đề án) trước các yêu cầu đổi mới sáng tạo và chuyển đổi công nghiệp.
Đề án tích hợp một hệ sinh thái đổi mới hoàn thiện, cho phép dễ dàng tiếp cận hệ thống giáo dục và đào tạo, nghiên cứu và phát triển, thương mại hóa công nghệ và các hoạt động sản xuất công nghệ cao. Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào các hoạt động sản xuất chuyên môn cao tại các khu công nghiệp khác cũng như trên toàn bộ khu vực sản xuất của vùng.
Quy tụ các hoạt động nghiên cứu phát triển từ khoa học đến sản xuất công nghiệp. Kết nối liền mạch các khu, tiểu khu và các tòa nhà dự án nhằm khuyến khích tương tác và liên kết giữa các ngành, cơ quan và con người theo cả chiều dọc lẫn chiều ngang.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các hoạt động thử nghiệm và sản xuất sản phẩm mẫu bằng việc tập trung các viện – trường, ngành công nghiệp cùng các cơ quan nghiên cứu & phát triển trong khu công nghiệp.
Khu phức hợp được thiết kế như một dự án phát triển đa chức năng cho các tổ chức giáo dục, trung tâm nghiên cứu và phát triển, các tập đoàn quốc tế và công ty khởi nghiệp; mang tính kết nối cao nhờ các mạng lưới giao thông thuận tiện, ứng dụng năng lượng sạch và công nghệ số để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Vùng khoa học và công nghệ còn có cụm sản xuất tiên tiến, bao gồm các nhà máy và khu phức hợp văn phòng, phục vụ sản xuất cho dự án phát triển, ứng dụng công nghệ hiện đại để hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo. Vận chuyển và phân phối sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đến TP HCM một cách hiệu quả, nhờ có vị trí tiếp giáp với các tuyến cao tốc huyết mạch.
Đáng chú ý, nơi đây sẽ có khu công nghệ thông tin tập trung, quy mô 220 ha, tại đây sẽ phát triển hệ thống khu công nghiệp khoa học - công nghệ, khu công nghệ thông tin hiện đại đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Các ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư vào Khu công nghệ thông tin là phát triển phần mềm và ứng dụng, dịch vụ công nghệ thông tin và viễn thông, nghiên cứu và phát triển (R&D), đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin…và các ngành công nghiệp xanh.
Trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh đề nghị các sở ngành cùng Becamex IDC tiếp tục phối hợp chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện dự thảo, trong đó cần bám sát Quy hoạch chung của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo dự thảo quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Dương định hướng phát triển kinh tế - xã hội dựa trên 3 trụ cột tăng trưởng gồm công nghiệp; dịch vụ; đô thị thông minh, sinh thái.
Đến năm 2050, Bình Dương là thành phố thông minh; trung tâm công nghiệp hiện đại; trung tâm dịch vụ chất lượng hàng đầu châu Á. Tỉnh cũng hướng đến là một trong các địa phương đi đầu trong hoàn thành mục tiêu phát thải trung tính "Net-zero 2050".
Bình luận (0)