Đến Sơn Tây trong những ngày cuối tháng 8, chúng tôi cứ ngỡ mình đang bước đi trên vùng cao nguyên Đà Lạt bởi không khí trong lành và dịu mát. Những ngọn đồi nhấp nhô gần xa được phủ bởi màu xanh của những rừng cau bạt ngàn, xen kẽ là rất nhiều vườn cây ăn trái sum suê, trĩu quả.
Người tiên phong trồng cây ăn trái
Ghé vườn cây ăn trái rộng hàng chục ngàn mét vuông của ông Đỗ Thanh Vượt - Chủ tịch UBND xã Sơn Long, huyện Sơn Tây - chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự phong phú và tươi tốt của bưởi da xanh, ổi, hồng giòn... Nổi bật trong khu vườn là hàng trăm gốc sầu riêng trĩu quả.
Nói về cơ duyên trồng cây ăn trái trên vùng đất nghèo này, ông Vượt cho biết năm 2009, sau khi được tuyển dụng và phân công làm việc tại xã Sơn Long, ông nhận thấy đất đai vùng đồi núi ở đây còn bị bỏ hoang rất nhiều. Trong khi đó, đời sống của phần lớn người dân Sơn Long còn hết sức khó khăn.
"Tôi nghĩ phải làm sao tận dụng tối đa những quả đồi trọc đang bỏ hoang phí kia để canh tác. Vì vậy, tôi bàn tính với vợ sẽ trồng thử nghiệm các loại cây ăn quả, vừa giữ đất, giữ đồi vừa tìm nguồn sinh kế cho gia đình cũng như người dân địa phương" - ông Vượt nhớ lại.
Nghĩ là làm, vợ chồng ông Vượt mua rồi thuê thêm phần đất bỏ hoang, ngày đêm cải tạo, trồng nhiều loại cây ăn trái như bưởi da xanh, ổi rubi, hồng giòn, dứa, mít… Sau nhiều năm miệt mài canh tác, vất vả chăm sóc, vợ chồng ông đã dần phủ kín màu xanh trên hàng ngàn mét vuông đất đồi với hàng chục loại cây ăn trái khác nhau.
Chỉ 2-3 năm sau, vườn cây ăn trái của gia đình ông Vượt đã bắt đầu cho quả; năng suất, chất lượng không hề thua kém những vùng chuyên canh cây ăn trái.
Có được thành quả như mong đợi, ông Vượt mạnh dạn mở rộng diện tích canh tác. Ông trồng thử nghiệm thêm nhiều chủng loại cây ăn trái khác nhau, nhất là sầu riêng.

Ông Đỗ Thanh Vượt - Chủ tịch UBND xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi - bên gốc sầu riêng trĩu quả trong khu vườn của gia đình
Đến nay, ông Vượt sở hữu hơn 200 gốc sầu riêng đã bắt đầu cho thu hoạch. Những lứa quả sầu riêng đầu tiên của gia đình ông có chất lượng, năng suất không thua kém các vùng chuyên canh nổi tiếng; bình quân mỗi cây trên dưới 50 quả, mỗi quả khoảng 3 kg.
"Với phương pháp canh tác hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên sản phẩm của gia đình chúng tôi được thị trường ưa chuộng" - ông Vượt tự tin.
Nâng cao chất lượng cuộc sống
Gia đình ông Nguyễn Ngọc Thành ở xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây không canh tác sầu riêng mà chú trọng trồng cây mắc ca, xen canh với bưởi da xanh và cây cau trên diện tích hơn 5 ha. Đến nay, khu vườn đã cho thu nhập cơ bản, giúp gia đình ông thoát nghèo.
Gia đình anh Đinh Văn Mong ở xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây hiện trồng hơn 500 m2 dứa MD2. Đến nay, sau gần 2 năm trồng, cây dứa MD2 đã cho thu hoạch lứa đầu tiên. Quả dứa to, ngọt; trọng lượng trung bình 1,5 kg/quả. Gia đình anh vừa thu hoạch khoảng 1,5 tấn và dự kiến với diện tích này, anh sẽ thu về hơn 3 tấn dứa. Với giá dứa thương phẩm mua tại vườn hiện khoảng 15.000 đồng/kg, khu vườn cây ăn trái đã mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình anh Mong.
"Vùng này trồng cây ăn trái rất thích hợp, phát triển tốt. Cây ăn trái cho thu nhập theo tháng, còn cây công nghiệp cho thu nhập theo năm. Từ ngày chuyển mô hình sang trồng cây ăn trái, nhiều gia đình có thu nhập khá, không còn thiếu thốn như trước, ai cũng phấn khởi" - anh Mong bày tỏ.

Anh Đinh Văn Mong - người dân xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây - bên ruộng dứa MD2 chuẩn bị thu hoạch
Theo ông Phạm Hồng Khuyến, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Tây, từ năm 2018 đến nay, huyện đã đẩy mạnh hỗ trợ nông dân phát triển các loại cây ăn trái như bưởi da xanh, ổi rubi, sầu riêng, chuối mốc, mắc ca... Toàn huyện có trên 100 ha cây ăn trái và các loại cây này đang phát triển tốt, được thị trường đón nhận, mang lại thu nhập khá cho người dân.
"Với những thành quả bước đầu, chính quyền địa phương đang vận động người dân có điều kiện nên trồng cây ăn trái, đặc biệt là các loại mang lại hiệu quả kinh tế cao như sầu riêng, bưởi…, đồng thời mở rộng thêm diện tích. Thời gian tới, chắc chắn diện tích cây ăn trái ở Sơn Tây sẽ tiếp tục được mở rộng" - ông Khuyến khẳng định.
Ông Đinh Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, cho biết để hỗ trợ người dân phát triển vườn cây ăn trái, UBND huyện đã giao các phòng chức năng tính toán kỹ, chặt chẽ từng khâu, từ trồng, chăm sóc đến tiêu thụ. Huyện chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho người dân để phát huy hiệu quả kinh tế.
Huyện Sơn Tây còn tích cực hỗ trợ các hợp tác xã và doanh nghiệp trong việc phát triển công nghiệp chế biến sau thu hoạch. Một số địa phương ở huyện đã tổ chức liên kết theo chuỗi sản phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ, với hình thức hợp tác xã, doanh nghiệp và nông dân cùng làm. Điều này đã giúp thay đổi nhận thức của người dân địa phương, từ việc canh tác nhỏ lẻ sang phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. Người dân yên tâm sản xuất khi sản phẩm của họ được tổ hợp tác và hợp tác xã bao tiêu.
"Với cách thức này, nhiều sản phẩm nông - lâm nghiệp của Sơn Tây sẽ có chỗ đứng bền vững trên thị trường, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân vùng cao" - ông Giang nhìn nhận.
Phấn đấu giảm 8,92% hộ nghèo
Theo Quyết định 353/QĐ-TTg năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ, Sơn Tây là 1 trong 74 huyện nghèo giai đoạn 2021-2025. Đến cuối năm 2023, kết quả rà soát hộ nghèo toàn huyện cho thấy 445 hộ đã thoát nghèo, giảm 8,28%.
Toàn huyện Sơn Tây hiện có 2.027 hộ nghèo, 582 hộ cận nghèo trong tổng số 5.941 hộ dân. Năm 2024, huyện phấn đấu giảm 490 hộ nghèo, tương đương 8,92%.
Bình luận (0)