Chỉ cần nghe giọng thôi, anh đã xác định được nhưng "một khu rừng" ư, anh phải nhìn để xác minh lại yêu cầu ấy của khách. Có khi cô ấy nói nhầm, cũng có khi thanh âm lọt vào tai anh bị tạp âm trộn lẫn làm lệch lạc đi. "Một khu rừng" - cô gái đọc rõ từng tiếng một, thật chậm.
Vũ nhẩn nha đáp lại: "Một khu rừng thì cần loại cây có rễ bám thật sâu xuống lòng đất…". My khá bất ngờ, vì ít khi có người chịu trả lời những câu hỏi khó hiểu của My. Họ cho đó là ngớ ngẩn, không bình thường. Như hôm nọ, trên đường ra công viên, mùi bánh mì thơm lừng quyến dụ bước chân My dừng lại. My thích ăn bánh mì, loại truyền thống có mùi thơm đặc trưng mà chỉ khi nướng bằng củi mới có. Bây giờ người ta chỉ dùng lò điện cho nhanh, rẻ, tiết kiệm thời gian. Người phụ nữ mặt dày phấn, gặp thời tiết nóng mồ hôi chảy nhão trên lớp da, đưa bánh cho My, đương nhiên là không thèm trả lời câu hỏi của My: bánh mì có từ bao giờ, chị biết không?
Vậy nên My cảm động với câu trả lời của anh chàng bán cây.
Loại cây có rễ cắm sâu vào lòng đất ư? Còn My thì sao? Liệu có điều gì gắn chặt My với cuộc sống này không? - My mang theo câu hỏi ấy suốt quãng đường về nhà. Đến đoạn có chiếc cầu cao chót vót, ở đỉnh cao nhất, My nhìn xuống, thấy ráng chiều nhuộm đỏ dòng người.
"Như một bầy kiến" - có tiếng nói vang lên trong đầu My. Có khi, ở thế giới nào đó nhìn xuống thành phố này, họ cũng tưởng chúng ta là những bầy kiến lúc nhúc. Mà kiến tràn ra đường đi đâu, về đâu, làm gì… ai mà biết được. Vẻ như việc của kiến là đi. Cắm đầu cắm cổ đi, mải miết ngày sang ngày. Một câu hỏi khác bật lên trong My: Tại sao những con kiến chỉ cắm cổ đi mà không bao giờ đứng lại?
"Hồi trưa tôi quên không dặn, cây đó mang về, cô phải đưa ra ánh nắng, cây mới sống được" - gã bán cây nhắn cho My. Không thấy My nhắn lại gì, lo nhắn nhầm người nên hắn nhắn tiếp: "Cô gái mua một khu rừng lúc trưa, phải không?". My cầm điện thoại lên, rồi chẳng biết nhắn gì, lại để xuống.
Thật lâu sau, câu hỏi về bầy kiến vẫn thôi thúc trong lòng My. My nhắn cho gã bán cây: "Anh có biết tại sao những con kiến chỉ cắm cổ đi mà không bao giờ đứng lại không?".
Lần này thì anh không trả lời My.
My không ngủ được, vào trang cá nhân của Vũ, những thông tin được anh đăng tải đều đặn về những chứng bệnh tâm lý, thần kinh, cách chữa lành tâm hồn… Sự phát hiện ấy khiến My có chút hụt hẫng. Có điều gì đó mách bảo với cô rằng trong mắt những nhà tâm lý, ai cũng thành bệnh nhân. Mà My đang rất bình thường.
Cô trùm mền, muốn ngủ một giấc thật sâu nhưng điều đó chẳng dễ dàng gì. Như mọi đêm, cô thực hành các phương pháp để tìm về giấc ngủ, từ việc loại bỏ những ý nghĩ trong đầu bằng cách tập trung vào hơi thở, đến những động tác yoga nhẹ nhàng, mở nhạc tần sóng cao dành cho não bộ…
Nhất định sẽ có một cách nào đó phù hợp mà mình chưa tìm ra, My tin như vậy!
***
Buổi sáng, tiếng chuông bên ngôi nhà thờ thánh thót ngân vang, bầu không khí có vẻ mát lành hơn sau một đêm dài. Điện thoại My có tin nhắn, là của Vũ: "Gặp nhau đi, tôi sẽ trả lời câu hỏi tại sao loài kiến không bao giờ đứng im một chỗ". My nhớ đến thông tin mới tìm được tối qua, hả hê nhắn lại: "Tôi hoàn toàn khỏe mạnh và yêu đời, nhà tâm lý ạ!". Vũ để lại những dấu hỏi với ý khó hiểu. Rồi anh nhắn thêm: "Tôi có vài gốc hồng của bạn mới gửi vào cho, là loại hồng quý, chẳng phải hôm qua cô có hỏi mua hoa hồng? Gặp nhau đi, tôi sẽ tặng cô vài gốc".
My không có hứng thú đi qua chiếc cầu cao vào lúc này. Cô sợ nhìn dòng người như một bầy kiến. Cô cũng là một thành viên trong bầy kiến ấy. Nếu một con kiến ngồi im ở nhà chẳng phải phố xá sẽ thênh thang hơn sao?
Nhưng không hiểu bằng cách nào đó, Vũ gọi điện cho cô, nói rằng đang ở đầu hẻm lối vào nhà cô. "Anh theo dõi tôi sao?" - My hỏi. Vũ đáp lại, giọng hiền queo: "Lớp dạy đàn của cô giáo My, cô để thông tin trên trang cá nhân mà. Hôm nay tôi đi ngang nên tiện đưa thôi!".
Vũ tự nhiên như người rất thân thuộc với nơi này. Anh tìm khoảng đất trống, đào lên để đặt gốc hồng vào. Chẳng mấy chốc, những gốc hồng nằm yên vị dưới lớp đất mát lành.
Vũ đi về, để lại nơi gốc hồng những ý nghĩ tích cực: nhất định My sẽ có một vườn hồng để thỏa sức ngắm!
***
Mỗi sáng, My xách nước tưới cho những gốc hồng. Cây cũng đáp đền công lao chăm sóc của người, bằng cách vươn ra những chồi non khỏe khoắn. Mỗi chiếc lá ban đầu có màu đỏ, sau lớn lên nhạt dần.
Một buổi sáng, thật diệu kỳ khi ánh mắt My chạm phải một nụ hồng. Rồi rất nhiều nụ hồng khác thành hình từ những ngọn cây non hôm trước. My chụp hình lại để khoe với Vũ. Vũ bảo rằng chẳng bao lâu nữa My sẽ có nguyên một vườn hồng.
My nhớ lại, Vũ nói đó là gốc hồng cổ thụ, nếu chăm sóc tốt, thân chúng có thể to bằng bắp chân người và tán xòe ra che bóng mát cho cả căn nhà. Loại hồng này rất bền, sống đến vài chục năm tuổi. Đặc biệt, chúng có bộ rễ rất khỏe. Vậy nên, chỉ cần bộ rễ ăn sâu vào lòng đất, chúng sẽ yên vị; từ đó chuyên tâm cho việc nở hoa. Lời nói của Vũ có nguồn năng lượng tích cực hay sao, để mỗi lần nghe, My lại như tiếp thêm sức mạnh để tin vào. Chỉ cần bộ rễ yên vị cắm sâu vào lòng đất, cây sẽ bung cho đời những đóa hoa thơm?
Mỗi ngày, My có thêm công việc đó là chăm sóc những gốc hồng. Cô hy vọng một ngày nào đó, từng điệu guitar réo rắt sẽ vang lên dưới tán hồng rực rỡ hoa. My sẽ kê chiếc bàn nhỏ, đặt lên ấy bộ bình trà đã lâu chưa dùng đến. Những cánh hồng nở rồi sẽ tàn, đợi gió đến sẽ buông mình giữa không trung. Loài hoa ấy, thật kỳ diệu làm sao khi mà ngay cả lúc xa lìa sự sống vẫn để lại trong nhân gian hình ảnh đẹp như một bức tranh.
Bức tranh đó neo vào giấc ngủ mỗi đêm của My.
***
Mỗi chủ nhật, bên sân nhà thờ nhộn nhịp tiếng chân người, những cánh tay chỉ về phía khu vườn của My. Một lần, My cắt những cành hồng để vào một chậu nước thật to, in tờ giấy khổ A2 cho dễ nhìn, dòng chữ: "Tặng cho người yêu hoa".
Vũ nói: "Cuộc đời trở nên nhẹ nhàng hơn khi ngắm một bông hoa đẹp! Chỉ cần ngồi ngắm một bông hoa, mà chẳng làm gì cả, mọi thứ sẽ tốt hơn lên, em tin không?".
Mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn lên, chỉ cần tồn tại ý nghĩ ấy, nó đã thành hiện thực rồi! My tin, nên mỗi sáng chủ nhật, cô thức dậy thật sớm để cắt những cành hoa đẹp nhất, ở trên cao, tặng mọi người. Cây được cắt cành, càng bung sức vươn ra cành mới, rồi kết nụ, nở hoa.
Từ đó, chủ nhật nào cũng có người ghé sang mảnh sân của My, trước hoặc sau giờ lễ. Có người ghé chỉ để check-in tấm hình cùng gốc hồng sum suê hoa. Có người xắn tay áo phụ My dọn cỏ, tưới nước. Có người ghé đưa món gì đó nói là "cây nhà lá vườn", kèm theo nụ cười và giọng nói giòn tan hòa vào gió: "Cành hồng hôm trước em tặng, chị cắm tươi cả tuần, thích lắm!". Có người đưa lại một gốc cây mới, nhìn bộ rễ khỏe mạnh trồi ra khỏi bầu đất, không dưng My nhớ đến Vũ.
Hẹn một ngày không xa, My sẽ làm một chuyến lên phố, đi qua chiếc cầu vào lúc hoàng hôn buông. Mới nghĩ đến đó, My đã thấy hình ảnh phố xá rộn ràng hiện lên trong đầu, không còn là bầy kiến mà là một bức tranh tươi tắn, đầy sống động!
La Thị Ánh Hường
- Năm sinh: 1981. Quê quán: Kiên Giang. Hiện sống làm việc ở TP HCM.
Truyện ngắn đầu tiên được in trên Báo Mực Tím năm 1999.
- Tác phẩm đã xuất bản:
* "Người nổi tiếng", tập truyện ngắn, NXB Kim Đồng, 2001.
* "Vụng dại tuổi 17", tập truyện ngắn, NXB Kim Đồng, 2003, tái bản lần 3 năm 2010.
* "Như áng mây chiều", tập truyện ngắn, NXB Kim Đồng, 2005.
* "Những kẻ lãng mạn", tập truyện ngắn, NXB Trẻ, 2008.
* "Ngoan nào, anh sẽ luôn bảo vệ em", tập truyện ngắn, NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2013.
* "Ô mai ướp nắng", tập truyện ngắn, NXB Dân Trí, 2017.
* "Cô đơn rực rỡ", tập truyện ngắn, NXB Tổng hợp, 2021.
- Có nhiều tác phẩm đăng trên các báo, tạp chí của trung ương và các địa phương.
Bình luận (0)