Nếu mắt bạn có thể nhạy sáng hơn một chút, bạn đã có thể bị sốc vì nhìn thấy một cấu trúc khổng lồ bao gồm một vòng ánh sáng với khoảng không vô tận ở giữa như một chiếc hố to xuyên thẳng vào vũ trụ, nằm gần khu vực chòm sao Mục Phu.
Theo Live Science, "hố vũ trụ" là một cấu trúc dạng vòng được tạo ra bởi nhiều thiên hà và cụm thiên hà, có đường kính thực lên tới 1,3 tỉ năm ánh sáng, chu vi 4 tỉ năm ánh sáng.
Nó cách xa Trái Đất đến 9 tỉ năm ánh sáng nhưng vì quá lớn nên từ góc nhìn của người Trái Đất, nó vẫn lớn gấp 15 lần trăng tròn. Tuy nhiên, ánh sáng đi qua quãng đường quá dài đã mờ nhạt đi rất nhiều, nên bạn không thể nhìn nó bằng mắt thường.
Được đặt tên là Vòng tròn lớn, cấu trúc chứa đẩy các thiên hà và cụm thiên hà này đã được phát hiện thông qua chương trình Khảo sát bầu trời kỹ thuật số Sloan.
Bên cạnh đó, Vòng tròn lớn còn có bạn đồng hành là Vòng cung vĩ đại, một vật thể cùng loại nhưng mang hình cánh cung, dài 3,3 tỉ năm ánh sáng và đã được phát hiện từ năm 2021.
Cùng với nhau, hai cấu trúc này là thuộc nhóm những thứ khổng lồ nhất từng được tìm thấy trong vũ trụ và thách thức các quy luật cơ bản nhất của vũ trụ học, theo nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi TS Alexia Lopez từ Đại học Central Lancashire (Anh).
Các tác giả giải thích rằng theo nguyên lý vũ trụ, nếu bạn thu nhỏ vũ trụ, tất cả sẽ bắt đầu trong ít nhiều giống nhau.
Điều này được cho là do các định luật vật lý giống hệt nhau trong toàn bộ vũ trụ, tác động như nhau lên tất cả các khối vật chất trong đó.
Do vậy, một giới hạn cứng nhắc được đặt ra: Các vật thể bên trong đó không thể lớn hơn khoảng 1,2 tỉ năm ánh sáng.
Hố vũ trụ mang tên Vòng tròn lớn hay Vòng cung vĩ đại trước đó đều đã phá vỡ điều này. Vì sao chúng có thể tồn tại vẫn là một câu đố.
"Vòng tròn lớn và Vòng cung không lồ, riêng lẻ hay cùng nhau, mang đến cho chúng ta nỗ lực tìm hiểu về vũ trụ và sự phát triển của nó" - TS Lopez nói.
Bình luận (0)