Mới đây thì FIFA, trong một thông điệp chính thức, đã tuyên bố VAR đạt đến mức "tiệm cận sự hoàn hảo" và 99,3% những tình huống mang tính quyết định ảnh hưởng đến kết quả trận đấu đã được xử lý đúng. Để củng cố cho ảnh hưởng tích cực của ứng dụng mới này, Pierluigi Collina, "vị vua" áo đen nổi tiếng nhất thế giới túc cầu, hiện là Trưởng Ban Trọng tài FIFA, tuyên bố thêm: "Nếu không có VAR, con số đó chỉ là 95% mà thôi".
Có lẽ 0,7% "hao hụt" đã rơi vào tình huống thúc cùi chỏ vào mặt đối thủ của siêu sao Cristiano Ronaldo, pha ghi bàn vào lưới Brazil của Zuber (Thụy Sĩ), màn đấu vật của hậu vệ Tunisia với Harry Kane hay những cú "ôm thắm thiết" trong vòng cấm mà Aleksandar Mitrovic của Serbia nhận được từ hậu vệ Thụy Sĩ... Đáng tiếc, FIFA lại chưa đưa ra được lời giải thích thỏa đáng cho những tình huống trên.
Nói đi cũng phải nói lại, ảnh hưởng của VAR lên số bàn thắng của giải đấu là rõ ràng qua số lượng những quả phạt đền tăng lên đáng kể, những pha "xấu chơi" giảm hẳn và các hậu vệ thì càng cần phải tỉnh táo hơn trong các quyết định phạm lỗi với tiền đạo đối phương. Cái mới luôn cần thời gian để được tiếp nhận nhưng có lẽ người hâm mộ cũng sẽ dần quen với động tác vẽ hình chữ nhật của các cầu thủ và HLV mỗi khi có một quyết định tương đối "nhạy cảm" từ phía trọng tài chính.
Khán giả và đội bóng sẽ quen với hình ảnh trọng tài sử dụng công nghệ VAR để xem lại các tình huống tranh cãi Ảnh: REUTERS
Ngoài VAR, cách tính điểm fair-play cũng là quy định mới lần đầu tiên được áp dụng ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh và Nhật Bản vinh dự là đội đầu tiên trong lịch sử nhận được tấm vé đi tiếp theo cách tính điểm này. Sau khi có những thắc mắc nhất định thì theo những tuyên bố mới nhất, FIFA sẽ xem xét lại việc áp dụng cách tính điểm này nhưng khả năng quy định này được thay đổi là rất khó xảy ra.
Ngẫm ra thì cách tính điểm fair-play đánh đồng với số thẻ phạt mà một đội phải nhận vô hình trung đã làm hẹp bớt khái niệm fair-play đi không ít. Từ trước tới nay, người hâm mộ có thói quen đánh giá mức độ fair-play không chỉ qua thẻ phạt mà còn là lối hành xử của các cầu thủ, của một đội bóng nói chung trên sân. Fair-play có thể là một cú phá bóng giúp cầu thủ chấn thương có được sự chăm sóc, vài lời phân bua với trọng tài giúp đối phương hay thực hiện một cú phạt đền ra ngoài vì cảm thấy không xứng đáng.
Nếu fair-play chỉ là thẻ phạt thì Croatia hẳn có thể đơn giản loại Argentina bằng cách cất quân khi đấu với Iceland, Bỉ cũng không cần dồn ép Anh để nhận lấy kết cục rơi vào nhánh khó mà vẫn chẳng cần lo bị "đàm tiếu" như cái cách Pháp với Đan Mạch đã làm.
Đã có trừ thì cũng nên có cộng, những hành động trên tựu trung lại cũng góp phần làm cho bóng đá trở nên đẹp đẽ hơn, nhất là đối với các CĐV, đặc biệt là các fan trung lập. Vì vậy, họ nên được tưởng thưởng bằng những điểm cộng, có thể không mang lại ích lợi ngay trước mắt nhưng là một lợi thế nào đó về lâu dài!
Bình luận (0)