Sự kiện FIFA tiến hành điều tra vụ 2 cầu thủ Granit Xhaka và Xerdan Shaqiri của tuyển Thụy Sĩ ăn mừng bàn thắng vào lưới tuyển Serbia là diễn biến mới nhất mang màu sắc chính trị trên sân cỏ. Trước đó, nước Nga đã cấm một CĐV Anh không được vào các trận đấu World Cup 2018, sau khi anh này có động tác ăn mừng kiểu phát xít. FIFA cũng đã phạt LĐBĐ Ba Lan 10.000 franc Thụy Sĩ vì để CĐV nước này bày trên sân lá cờ mang biểu tượng chính trị. Còn tại nước Anh, nơi nảy sinh một chiến dịch vận động các quốc gia tẩy chay World Cup 2018, cựu Chủ tịch Tottenham Alan Sugar dùng mạng xã hội để so sánh cầu thủ Senegal với những người bán hàng rong trên đường phố.
Shaqiri đang bị FIFA điều tra vì hành động ăn mừng mang màu sắc chính trị
Có một sự thật mà bất kỳ ai cũng cần thừa nhận, ít nhất trong thời gian World Cup diễn ra: "Bóng đá là số 1. Tiếp đến là sự điên cuồng xoay quanh bóng đá, cuối cùng mới là phần còn lại của thế giới".
Bóng đá xứng đáng đứng đầu. Chúng ta đã được chứng kiến trận cầu mà Hollywood cũng phải ngả mũ: Tây Ban Nha và... Ronaldo; 2 chiến thắng của tuyển Nga với 8 bàn thắng khiến cả đất nước rộng lớn này rùng mình lên cơn sốt... kể từ lần cuối họ giành quyền vào bán kết Euro 2008. Ngoài ra, 3 nỗi thất vọng đầy thú vị khi Mexico đánh bại Đức, Iceland cầm hòa Argentina và... lại là Argentina với 3 bàn thua trước Croatia.
Sự điên cuồng, phấn khích theo bóng đá cũng không kém. FIFA đã đưa ra những số liệu thống kê đầy thú vị: 99,6% người Iceland bỏ việc để xem trận đấu với Argentina; trận mở màn của tuyển Anh với Tunisia thu hút nhiều hơn 6 triệu người xem tivi so với lượng người theo dõi đám cưới Hoàng gia Anh hồi tháng 5. Qua mạng xã hội, người ta được biết rằng một trường học dành cho các nữ sinh ở Senegal hay một tu viện ở ngoại ô Uruguay đã phải điều chỉnh giờ học hay lịch làm việc xoay quanh lịch đấu của các đội bóng. Bóng đá làm các công dân Mexico City hồi tưởng lại trận động đất năm 1986 (vài tháng trước khi diễn ra Mexico 86), khi Hirving Lozano ghi bàn thắng vào lưới tuyển Đức.
Ở bất kỳ con phố nào tại Moscow, St. Petersburg, Novgorod..., người ta cũng dễ dàng bắt gặp quốc kỳ của Iran, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Mỹ Latin, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Nigeria... Các CĐV, có vé vào sân hay không có, đều mong được tận mắt chứng kiến, từ khán đài sân vận động hay đơn giản là qua màn hình LED trong Fanzone. Dù đã thua 2 trận đấu, CĐV Peru vẫn hát vang bài "Kachiusa" quen thuộc của nước Nga và mong chờ đội tuyển của mình giành chiến thắng trước Úc ở trận cuối cùng vòng bảng.
Nước Nga những ngày này không có chỗ cho những hình ảnh Xhaka, Shaqiri đã làm trước tuyển Serbia, kiểu chào phát xít trên mảnh đất có hơn 27 triệu người hy sinh để bảo vệ đất nước, châu Âu, châu Á khỏi thảm họa phát xít - dòng tweet của Alan Sugar.
Bóng đá không phải là sân khấu chính trị.
Bình luận (0)