VAR không còn quá xa lạ với người hâm mộ khi từng được thử nghiệm tại World Cup các CLB năm 2016, World Cup U20 năm 2017, Cúp Liên đoàn các châu lục FIFA (Confed Cup) 2017 cũng như đã được áp dụng tại Serie A (Ý), La Liga (Tây Ban Nha) và MLS (Giải nhà nghề Mỹ).
"Sửa sai" cho trọng tài
Sau công nghệ vạch cầu môn điện tử (goal-line), việc VAR xuất hiện và được sử dụng ngày càng nhiều phản ánh khát khao của con người muốn tìm kiếm sự công bằng trong bóng đá với sự trợ giúp của khoa học kỹ thuật.
Trọng tài xem lại tình huống bóng theo phân tích của VAR. Ảnh: Reuters
Không phủ nhận bóng đá đã và đang trở nên hấp dẫn hơn, giàu cảm xúc hơn trong mắt người hâm mộ nhờ vào khoa học công nghệ nhưng cũng đã có rất nhiều tranh cãi về "tính hai mặt" của nó. Việc vì đâu mà một bàn thắng phải cần đến vài phút để xác định, còn cầu thủ phải nén xúc cảm… hàng chục giây sau khi ghi bàn mới được ăn mừng là không dễ có câu trả lời thỏa đáng. Chưa kể giờ đây, VAR còn được áp dụng để "sửa sai" các quyết định của trọng tài, như: công nhận hoặc từ chối bàn thắng, xác định tình huống bóng đáng phạt đền hay chưa, rút hoặc hủy thẻ đỏ, thậm chí xác định lại cầu thủ nào phạm lỗi…
Mấy ai hiểu được!
Chứng kiến rất nhiều sai sót của trọng tài tại Champions League, Chủ tịch UEFA - ông Aleksander Ceferin - thừa nhận: "Khán giả được theo dõi màn hình VAR trên sân rất nhiều nhưng liệu mấy ai hiểu được công nghệ này hoạt động ra sao?". Hãy hình dung một quy trình khép kín thế này:
Trưởng dự án VAR của FIFA Roberto Rosetti tại Moscow. Ảnh: Reuters
Khi có tình huống cần xác định, trọng tài chính sẽ dùng 2 tay vẽ một hình chữ nhật vào khoảng không hoặc nhấn vào một nút ở tai nghe. Phòng điều khiển VAR tại sân với 4 nhóm kỹ thuật viên sẽ nhập cuộc phân tích tình huống với sự trợ giúp của 33 camera ghi nhận nhiều góc quay khác nhau. Trong đó, 4 camera ghi hình ở chế độ chậm và 8 camera ở chế độ cực chậm. Các nhóm kỹ thuật viên này bao gồm nhiều người đã và đang làm công tác trọng tài, hiểu chuyên môn, sau đó sẽ thông báo kết quả cho trọng tài chính trên sân qua tai nghe. Tất nhiên, khi trọng tài tự tin vào nhận định của mình và nếu có góc quan sát thuận lợi, ông có thể không cần sự trợ giúp của VAR.
VAR trong thực tế đã nhiều lần bị cầu thủ lẫn người xem trên khán đài phản ứng. Một nhóm cổ động viên Ý còn gửi cả bưu kiện... toàn đạn để phản ứng hiệp hội trọng tài nước này trước những kết quả bất lợi do VAR cung cấp. Ở Confed Cup 2017, VAR còn bị xem là "thảm họa sân cỏ" khi sai sót quá nhiều. Vậy hiệu quả của VAR đến đâu, độ xác tín như thế nào?
Theo một nghiên cứu của Đại học Leuven (Bỉ), trong 1.000 trận đấu có sử dụng VAR, độ chính xác về các tình huống bóng dao động 93%-98,8%. Trên dưới 90 trận đấu còn phải xem xét lại kết quả nhưng tựu trung, VAR phân tích trung thực hơn so với khi không có công nghệ này.
Hãy chờ xem VAR phát huy sức mạnh ra sao tại sân cỏ nước Nga trong hơn 1 tháng tới. Đừng quên một trang tin điện tử bóng đá uy tín (Goal.com) từng giật tít "VAR - Video Assisted Rubbish" (công nghệ video hỗ trợ rác rưởi) khi sự hoài nghi và nỗi bất mãn tăng cao trước việc các "trọng tài người" mất đi tính quyết đoán để lệ thuộc một cách… máy móc vào máy móc!
Bình luận (0)