Nếu không có công nghệ VAR, chắc chắn đó là bàn thắng. Mà kể cả với công nghệ VAR trước đây, thì đó vẫn là bàn thắng. Khi bóng được câu vào vòng cấm Qatar từ quả phạt trực tiếp, hậu vệ Felix Torres (số 2) của Ecuador nhảy lên tranh bóng với thủ môn Saad Al-Sheeb của Qatar. Bóng rơi xuống đập mặt sân, nảy lên về phía Michael Estrada (số 11), anh đánh đầu chuyền lại cho Torres, để Torres móc bóng kiến tạo cho Valencia ghi bàn.
Chân của Estrada vượt qua thân người hậu vệ Abdelkarim Hassan
Vấn đề là khi Torres chạm bóng tranh chấp với thủ môn, Estrada đã vượt qua cầu thủ phòng ngự cuối cùng Abdelkarim Hassan một chân. Nếu Torres không chạm bóng, có lẽ Estrada đã không việt vị. Bất kỳ pha chạm găng nào của Al-Sheeb sau Torres sẽ không được coi là "hành vi cố ý" để tính cho Ecuador không việt vị.
Mấu chốt của công nghệ VAR mới là một cảm biến đặt trong quả bóng, 12 camera đặt quanh sân vận động để theo dõi quả bóng, cảm biến gửi dữ liệu đến phòng điều hành VAR 500 lần mỗi giây. Nên việc Torres chạm vào bóng có thoát khỏi mắt thường thì cũng không thể thoát khỏi cảm biến, dù có chạm chỉ một cọng tóc.
Công nghệ bán tự động ghi nhận rõ sự khác biệt này
Thuật toán xác định cầu thủ ở trong tư thế việt vị cũng được xây dựng tinh vi. Đây gọi là công nghệ bắt việt vị bán tự động. Khi cầu thủ nào đó rơi vào thế việt vị, hệ thống sẽ đưa cảnh báo đến trọng tài ngồi phòng VAR. Lỗi việt vị sau đó sẽ được tạo thành hoạt hình 3D và sẽ được hiển thị trên các màn hình xung quanh sân vận động cũng như được cung cấp cho các đài truyền hình.
Nếu không có công nghệ bắt việt vị này thì rất khó xác định Estrada ở vào tư thế việt vị bằng mắt thường, dù có phóng to hình ảnh video. Vì mọi thứ khi đó xảy ra quá nhanh, mà Estrada bị che khuất bởi Torres và thủ môn Al-Sheeb.
Pha đánh đầu thành bàn của Erner Valencia không được công nhận
Thế hệ công nghệ VAR "đời đầu" được sử dụng ở World Cup 2018. Trong ba ngày đầu giải, đã có 5 quả phạt đền được các trọng tài đưa ra. Pháp cũng được hưởng quả phạt đền trong trận chung kết gặp Croatia khi bóng đập vào tay Ivan Perisic, đó là quyết định vấp phải các phản ứng trái chiều. Nhiều đội cũng bức xúc với VAR nhưng FIFA cho biết, VAR đã đóng góp tới 99,3% các quyết định chính xác của trọng tài. Các cầu thủ từ sau đó đã biết cách chấp nhận phán xử của VAR hơn.
Niềm vui của các cầu thủ Ecuador bị trì hoãn đến khi Valencia kiếm được phạt đền
Thế hệ VAR được sử dụng tại Qatar còn tân tiến hơn nên chắc chắn sẽ có nhiều quyết định của trọng tài nhờ VAR khiến các khán giả phải "đứng hình" không hiểu điều gì đã xảy ra. Các khán giả sẽ có nhiều cơ hội "không tin vào mắt mình" nữa với các tình huống xảy ra trên sân như bàn thắng không được công nhận trong trận mở màn World Cup hôm qua.
VAR từ chối bàn thắng phút thứ 2 của Valencia
VAR ngày càng tân tiến, nhưng có thể bị thao túng không? Vẫn có thể. Vì hệ thống là bán tự động, cần phải con người xử lý sau đó nữa. Các trọng tài trong phòng VAR là người quyết định đầu tiên, trọng tài trên sân là người quyết định cuối cùng. Nếu trọng tài VAR cố lờ đi một pha bóng nào đó quan trọng ở vòng bán kết hoặc trận chung kết, cục diện trận đấu có thể đổi khác. Nên để minh bạch hơn, dữ liệu tới phòng VAR cần phải chạy song song tới một tổ chức kiểm toán độc lập để họ theo dõi, kiểm tra chéo.
Bình luận (0)