Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã về thăm, làm việc với tỉnh Thanh Hóa vào tháng 9-2011. Trong chuyến công tác đó, Tổng Bí thư đã chọn huyện biên giới xa xôi, khó khăn nhất của Thanh Hóa là Mường Lát để kiểm tra đời sống của nhân dân nơi đây.
Ông Lương Minh Thông, nguyên Bí thư Huyện ủy Mường Lát, cho biết trên hành trình lên thăm huyện, Tổng Bí thư đã ghé thăm bà con nhân dân bản Khằm (xã Trung Lý). Trò chuyện với đồng bào Mông nơi đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết đường lối của Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, mong bà con yên tâm, nỗ lực để phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống. Tổng Bí thư cũng không quên căn dặn chính quyền hỗ trợ, phấn đấu hết mình để người Mông nói riêng, huyện Mường Lát nói chung vươn lên thoát nghèo.
Sau khi thăm bà con bản Khằm, Tổng Bí thư đã tới thăm bản Sáng (xã Quang Chiểu) và cán bộ, nhân dân xã Mường Chanh - xã biên giới xa nhất huyện, có 22,5 km đường biên giáp với huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn (Lào).
"Tại xã Mường Chanh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giao xây dựng xã thành điểm thoát nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới của huyện. Bởi, xã Mường Chanh tuy xa xôi nhưng có nhiều điều kiện, lại giáp cửa khẩu. Tổng Bí thư mong muốn xây dựng Mường Chanh thoát nghèo vì đây là xã biên giới, là bộ mặt của huyện"- ông Thông nhớ lại.
Dù đã quyết tâm, nỗ lực xây dựng Mường Chanh thành xã điểm thoát nghèo trong thời gian sớm nhất như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thế nhưng do nhiều yếu tố khách quan mà tới nay khi Tổng Bí thư đã ra đi, nhiệm vụ đó vẫn chưa hoàn thành.
Ông Lục Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Mường Chanh, cho biết khi về thăm bà con Mường Chanh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chỉ đạo xây Mường Chanh thành xã điểm thoát nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới.
"Tổng Bí thư giao phải hoàn thành trong 1 nhiệm kỳ (5 năm), nhưng mãi tới năm 2018, Mường Chanh mới cơ bản hoàn thành và dự định sẽ thành xã nông thôn mới năm 2019. Tuy nhiên, cuối năm 2018 trận mưa lũ lịch sử đã cuốn trôi gần như tất cả thành quả mà chúng tôi đã xây dựng suốt nhiều năm. Mọi thứ lại phải bắt đầu lại từ đầu, vì thế cho tới tận bây giờ xã vẫn chưa tròn tâm nguyện với Tổng Bí thư"- ông Tâm cho biết.
Cũng theo ông Tâm, đến tháng 7-2024, Mường Chanh đã hoàn thành 16/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (còn 3 tiêu chí chưa đạt gồm: Thu nhập (mới đạt 41 triệu đồng/người/năm); tỉ lệ hộ nghèo đa chiều (còn 149 hộ, tỉ lệ 18,05%) và vệ sinh môi trường). Toàn xã có 9 bản thì đã có 7 bản hoàn thành mục tiêu xây dựng bản nông thôn mới.
"Nếu không có thiên tai lũ lụt, mục tiêu mà Tổng Bí thư đề ra xã có thể hoàn thành sớm hơn, chứ không phải tới bây giờ. Chúng tôi đang cố gắng hoàn thành những tiêu chí còn lại để cuối năm nay (2024) sẽ về đích nông thôn mới"- ông Tâm cho hay.
Ông Tâm cũng cho biết công cuộc xây dựng nông thôn mới đã thổi một "luồng gió mới" giúp người dân địa phương tự ý thức vươn lên thoát nghèo, không còn trông chờ ỷ lại. "Trước đây, khi chưa có Nghị quyết 11 thì công tác tuyên truyền, vận động bà con rất khó khăn, nhưng khi có Nghị quyết 11, được cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền thì đã tác động, chuyển biến.
Trong quá trình vận động, chúng tôi luôn đề nghị người dân phải tự nỗ lực vươn lên, không trông chờ ỷ lại. Trong đó, đảng viên, người có uy tín… phải gương mẫu đi đầu. Mưa dầm thấm lâu, dần dần nhận thức của người dân đã có chuyển biến, mà cụ thể nhất là trong xã đã có hơn 100 hộ làm đơn xin thoát nghèo trong những năm qua"- ông Tâm chia sẻ.
Bí thư Đảng ủy xã Mường Chanh thông tin thêm rằng Mường Chanh là xã đặc biệt khó khăn, lại là xã biên giới, vì thế về đích nông thôn mới là kỳ tích, nhưng để duy trì được xã nông thôn mới vô cùng khó khăn nếu không giải quyết được vấn đề việc làm thì nguy cơ tái nghèo, thu nhập giảm là điều có thể xảy ra.
"Để giữ được xã nông thôn mới, tiến tới xã nông thôn mới nâng cao, chúng tôi đã đưa ra một số nhiệm vụ trong thời gian tới như đẩy mạnh xuất khẩu lao động, đầu tư cho phát triển du lịch (vì Mường Chanh có nhiều thác nước đẹp, có hang động), gần cửa khẩu (mốc 294)... Ngoài ra cần có sự quan tâm hơn nữa các cấp, các ngành"- ông Tâm nói.
Xã Mường Chanh cách huyện lỵ Mường Lát khoảng 50 km và cách TP Thanh Hóa khoảng 260 km. Đây là xã có 22,5 km đường biên giới tiếp giáp với huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Xã có diện tích tự nhiên là 6.564,97 ha, trong đó đất nông nghiệp là 6.105,51 ha, chiếm 93%; dân số có 830 hộ, với 3.780 nhân khẩu, có 4 dân tộc cùng sinh sống là Thái, Khơ Mú, Kinh, Mường, trong đó dân tộc Thái chiếm trên 90% dân số.
Nghị quyết riêng cho Mường Lát thoát nghèo
Ngày 29-9-2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết 11-NQ/TU về "Xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Nghị quyết 11 xác định, giai đoạn 2021-2025: Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 10,2% trở lên; huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 3.500 tỉ đồng; tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 7%.
Đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng, tỉ lệ che phủ rừng giữ ở mức 77%... Đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng trở lên; tỉ lệ hộ nghèo dưới 10%; 7/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 2 bản đạt nông thôn mới kiểu mẫu... Mục tiêu đến năm 2045, kinh tế - xã hội, thu nhập bình quân đầu người của huyện Mường Lát đạt mức bình quân các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa.
Bình luận (0)