Ngày 13-1, UBND huyện Cần Giờ-TPHCM đã thông báo cụ thể tiến độ giải quyết và việc chuẩn bị chi trả tiền bồi thường cho người dân bị thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm của Công ty Vedan gây ra.
Phát sinh 93 trường hợp
Theo UBND huyện Cần Giờ, có tổng cộng 875 hộ nằm trong danh sách được nhận tiền bồi thường đợt 1 của Công ty Vedan thuộc các xã Tam Thôn Hiệp, An Thới Đông, Bình Khánh, Long Hòa, Cần Thạnh, Thạnh An và một trường hợp ngụ tại quận 9.
Ông Phan Văn Phận, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cần Giờ, cho biết người dân TPHCM nằm trong danh sách 839 hộ ủy quyền cho Hội Nông dân, luật sư đòi bồi thường và có nuôi trồng- khai thác thủy sản (đầm, đập, đáy, lưới cào te) từ năm 1995-2008 trong vùng ảnh hưởng ô nhiễm đã được Viện Môi trường-Tài nguyên công bố, sẽ được xem xét chi trả bồi thường.
Tuy nhiên, qua xác minh của ban chi trả, chỉ có 782/839 hộ hội đủ hai điều kiện nói trên với số tiền khoảng 42,9 tỉ đồng (trong tổng số 45,7 tỉ đồng bồi thường mà Vedan phải chi trả), 57 hộ còn lại có làm giấy ủy quyền nhưng không chứng minh được việc sản xuất trong vùng ảnh hưởng ô nhiễm.
Tiền bồi thường của Vedan chỉ bù đắp được phần nào thiệt hại của người dân sản xuất trên sông Thị Vải
Bù vào đó lại phát sinh 93 trường hợp không làm giấy ủy quyền trước đó nhưng thực tế lại có sản xuất và bị ảnh hưởng ô nhiễm. Trước tình hình này, ban chi trả đã chọn giải pháp không chia tiền bồi thường cho 57 hộ không đủ điều kiện, số tiền dư trong quá trình chi trả cho các hộ đủ điều kiện (khoảng 2,7 tỉ đồng) sẽ chia cho 93 trường hợp phát sinh.
Theo ông Đoàn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, trong bản cam kết giữa những người đại diện cho nông dân và Vedan thì những người đại diện này sẽ bảo đảm người dân trong vùng bị ảnh hưởng ô nhiễm không khiếu kiện.
Vì thế, huyện phải bảo đảm để những người có sản xuất trong vùng ô nhiễm đều được bồi thường nhưng vì họ đã không làm đúng theo hướng dẫn ngay từ đầu nên quyền lợi bị thiệt thòi.
Dùng tiền bồi thường đầu tư sản xuất
Ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM, cho biết đã chỉ đạo Hội Nông dân huyện Cần Giờ song song với việc chi trả tiền bồi thường phải tuyên truyền và có kế hoạch cụ thể để hướng dẫn người dân dùng số tiền đó phục vụ lại mục đích sản xuất.
Việc Công ty Vedan chấp nhận bồi thường là kết quả của một quá trình đấu tranh hết sức khó khăn, vì vậy số tiền đó phải được sử dụng đúng mục đích để bù đắp lại những thiệt hại trong sản xuất, nếu không sẽ rất vô nghĩa. |
“Trường hợp 57 hộ không được nhận tiền bồi thường, do trong điều kiện cập rập về thời gian khiếu kiện, không thống kê đầy đủ nên chúng tôi đã chấp nhận giấy ủy quyền của họ, nay chúng tôi giải thích, vận động để họ hiểu và chấp nhận”- ông Sơn nói.
Người dân lựa chọn phương án chia tiền
Theo ông Phan Văn Phận, chính nông dân bị thiệt hại sẽ thảo luận để quyết định phương án chia tiền theo nguyên tắc: Nông dân thuộc ngành nghề sản xuất nào sẽ tự quyết định cách chia tiền của ngành nghề sản xuất ấy.
Bốn ngành nghề được bồi thường bao gồm: nuôi trồng thủy sản (đầm, đập) được bồi thường 17,1 tỉ đồng với 197 trường hợp; nghề đáy 4,7 tỉ đồng với 92 trường hợp; nghề lưới 11,4 tỉ đồng với 355 trường hợp và nghề cào te được bồi thường 9,6 tỉ đồng với 138 trường hợp.
Đến nay, đã có hai loại ngành nghề là nuôi trồng thủy sản và nghề đáy được người dân quyết định phương án chia tiền với cách thức chia quân bình theo số hộ.
Hội Nông dân huyện Cần Giờ vẫn tiếp tục hướng dẫn người dân hai ngành nghề còn lại tìm phương án chi tiền và phối hợp với Kho Bạc huyện ra các phiếu xuất và phát hành thư mời người dân nhận tiền. Vì vậy, thời gian chi trả tiền đợt 1 sẽ lùi lại sau ngày 23-1, kết thúc trước ngày 28-1 và đợt hai từ ngày 20 đến cuối tháng 2-2011.
“Trong khoảng thời gian này, nếu các hộ nằm trong 57 trường hợp không đủ điều kiện nhận bồi thường chứng minh được họ có sản xuất, ban chi trả vẫn sẵn sàng xem xét lại để chi trả bồi thường”- ông Sơn khẳng định.
Bình luận (0)