Nghề giáo là nghề cao quý. Người theo nghề đều cố giữ cái tâm của mình trong sáng. Quen sống thanh đạm, nhiều thầy cô phải chật vật xoay xở mỗi khi Tết đến, Xuân về.
Thưởng Tết cho giáo viên vẫn còn thấp so với mặt bằng chung hiện nay. Trong ảnh: Giáo viên
đang đứng lớp tại một cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật ở TPHCM. Ảnh: PHAN ANH
Không du lịch xa, không thăm thú nhiều
Gần 30 năm dạy học ở xã Long Hòa, huyện Cần Giờ - TPHCM, cô Lương Thị Mỹ Lệ, giáo viên Trường Tiểu học Long Thạnh, vẫn còn khá lạ lẫm với mấy chữ “tiền chăm lo Tết cho giáo viên”. Thời gian đầu, việc sống và dạy học ở ngoại thành đối với những giáo viên mới tốt nghiệp như cô Mỹ Lệ không mấy dễ dàng. “Nhưng mỗi khi nhìn những ánh mắt khao khát được biết đến con chữ của các em, những đứa trẻ sau giờ học phải nai lưng mò nghêu kiếm sống và tình cảm nồng hậu của người dân xã Long Hòa quanh năm chân lấm tay bùn những mong con cái được học hành đến nơi đến chốn, tôi lại muốn được cống hiến hết mình”- cô Mỹ Lệ tâm sự. Thế nên, hết thời gian tại nhiệm, thay vì xin về các trường ở nội thành, cô Mỹ Lệ tình nguyện ở lại gắn bó với vùng đất Cần Giờ.
“Năm vừa rồi, lần đầu tiên tôi nhận được số tiền hỗ trợ Tết hơn 1 triệu đồng của nhà trường. Tiền hỗ trợ Tết này có được từ việc trường phát động tiết kiệm chi tiêu. Năm nay, để giáo viên có một cái Tết tươm tất hơn, ngay từ đầu năm, nhà trường đã cùng toàn thể giáo viên và nhân viên lên kế hoạch cân đối thu chi để tiết kiệm tối đa. Tin vui đối với tôi cũng như những giáo viên khác của trường là năm nay, TPHCM hỗ trợ Tết mỗi giáo viên 700.000 đồng. Số tiền đó cũng giúp giáo viên chúng tôi mua vài món đồ Tết, dụng cụ dạy học...”- cô Mỹ Lệ bộc bạch.
Trường THPT Tân Thông Hội, ấp Bàu Sim, huyện Củ Chi - TPHCM cũng chưa có thông báo về số tiền chăm lo Tết cho giáo viên sau khi cân đối thu chi trong năm. Ông Bùi Xuân Hải, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) trường, cho biết: “Biết các thầy, cô sau một năm dạy học vất vả, thời điểm cận Tết này đều mong sớm có tiền hỗ trợ để chi tiêu Tết nên CĐ đã hỗ trợ 200.000 đồng và đề xuất trường tạm ứng khoản tiền 700.000 đồng do TP hỗ trợ cho mỗi giáo viên. Năm ngoái, cộng các khoản tiền do TP, nhà trường, CĐ hỗ trợ, mỗi giáo viên được gần 2 triệu đồng, tạm đủ trang trải những gì cần thiết nhất cho mấy ngày Tết trên tinh thần không du lịch xa TP hay thăm thú họ hàng nhiều”.
Không hỏi thăm mức thưởng, sợ buồn thêm
Cũng tìm cách cân đối thu chi để tiết kiệm tối đa kinh phí, tại hội nghị cán bộ công chức diễn ra đầu năm, Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 12 - TPHCM đã thông báo mức chăm lo Tết cho giáo viên là 1 triệu đồng. Cô Hồ Nguyễn Hồng Thương, giáo viên của trung tâm, cho biết: “Quê tôi ở Long An, sau khi ra trường, không tìm được việc làm ở quê nên tôi xin vào Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 12 dạy học. Thời gian đầu là giáo viên dạy theo hợp đồng, lương thấp, cuộc sống khá chật vật. Giờ đã vào biên chế, cuộc sống tôi đỡ hơn. Đó là nhờ nhà trường ngày càng chăm lo, quan tâm chia sẻ đến đời sống của giáo viên, tuy số tiền chăm lo Tết 1 triệu đồng không nhiều, mua vài bộ đồ cho mình, cho người thân là hết”. Dịp cuối năm, biết ở TPHCM có nơi công bố thưởng Tết với số tiền hàng chục, hàng trăm triệu đồng, cũng như nhiều giáo viên khác, cô Hồng Thương cũng thấy chạnh lòng.
Trong câu chuyện của các thầy, cô giáo, như một quy định ngầm, không ai hỏi thăm nhau mức hỗ trợ Tết mỗi người được nhận của năm nay. Thầy Đỗ Đình Trúc, giáo viên thể dục Trường THPT Trưng Vương (quận 1 - TPHCM), lý giải: “Cả người được nhận tiền Tết ít và người được nhận tiền Tết nhiều đều ngại nói ra, dĩ nhiên đa số được nhận ít”. Thầy Trúc cũng chỉ cho biết Tết này thầy được thưởng một tháng lương cộng thêm số tiền TP hỗ trợ, việc đón Tết của gia đình thầy xem như tạm ổn.
Nhằm hỗ trợ giáo viên ngoại thành khó khăn có điều kiện đón Tết, CĐ ngành giáo dục TPHCM đã phát động phong trào giáo viên nội thành chung tay chăm lo Tết cho giáo viên các huyện ngoại thành. Hiện chúng tôi đã có danh sách 770 giáo viên đặc biệt khó khăn cần được chăm lo.
Ông Bùi Văn Nam, Phó Chủ tịch CĐ ngành giáo dục TPHCM |
Bình luận (0)