Một đại biểu HĐND TPHCM cho biết như vậy tại buổi kiểm tra hoạt động của Khu Liên hiệp Xử lý chất thải rắn Đa Phước (bãi rác Đa Phước) ngày 23-9, của đoàn đại biểu HĐND TPHCM.
Bãi rác Đa Phước bắt đầu hoạt động vào tháng 11-2007 với công suất tiếp nhận 3.000 tấn/ngày, đến nay, tổng khối lượng rác đã tiếp nhận là 1,7 triệu tấn. Theo ký kết giữa UBND TP và Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn VN (VWS) - chủ đầu tư bãi rác Đa Phước, VWS phải hoàn thành 25 hạng mục.
Tuy nhiên đến thời điểm này, VWS chỉ mới hoàn thành được 13 hạng mục, trong đó có nhiều hạng mục quan trọng chưa hoàn thành như trạm trung chuyển, nhà máy xử lý nước rỉ rác, nhà máy chế biến phân compost...
Theo VWS, việc chưa hoàn thành nhà máy vì hai lý do: Chưa có mặt bằng và công nghệ đã được đưa vào vận hành thử nhưng chất lượng sản phẩm không được an toàn vì sử dụng rác chưa được phân loại để chế biến, hệ thống này vẫn chưa thể đi vào hoạt động nếu TP không giao rác hữu cơ sau phân loại tại nguồn.
Còn về hệ thống xử lý nước rỉ rác, hiện VWS vận hành 2 hệ thống: một xử lý nước rác đậm đặc công suất 280 m3/ngày và một xử lý nước mưa hòa lẫn nước rác công suất 3.000 m3/ngày.
Theo ông David Dương, Tổng Giám đốc VWS, hai hệ thống xử lý nước rỉ rác này là phần phát sinh không nằm trong dự án, do hệ thống xử lý nước rỉ rác công suất 1.000 m3/ngày theo thiết kế ban đầu vẫn chưa hoàn thành.
Nhiều đại biểu đặt câu hỏi liệu có phải việc chậm tiến độ các hạng mục này đã ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý rác thải, phát sinh mùi hôi và dịch ruồi tấn công các khu dân cư lân cận trong thời gian qua? Có đại biểu đề nghị sự chậm trễ, sai sót của chủ đầu tư trong việc chậm hoàn thành các hạng mục phải bị xử lý chế tài.
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Đào Anh Kiệt cho rằng việc so sánh giá xử lý rác 16,4 USD/tấn của VWS với những nơi khác là khập khiễng: “Bãi rác Phước Hiệp sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước, chi phí trả cho Phước Hiệp chỉ là chi phí vận hành, vả lại ở Phước Hiệp chỉ chôn lấp thuần túy. Còn ở Đa Phước sử dụng vốn cá nhân, phải tính cả chi phí đầu tư và chi phí vận hành nên chi phí cao hơn ở Phước Hiệp là đúng. Tôi đồng ý với anh David Dương rằng nếu anh đầu tư hai hạng mục (bãi chôn lấp và nhà máy sản xuất phân compost) thì anh sẽ có lợi hơn nên ở đây không có chuyện chiếm dụng vốn, tức là được ứng vốn mà không đầu tư!”.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Đăng Nghĩa chưa đồng tình. Ông Nghĩa cho rằng TP chi tiền không phải chỉ đơn thuần về bài toán kinh tế mà còn là môi trường, sức khỏe người dân.
Bình luận (0)