Công nghệ xử lý rác tại nhà máy xử lý rác thải rắn ở huyện Củ Chi-TPHCM được Công ty Vietstar giới thiệu là tiên tiến, được cấp bằng độc quyền sáng chế tại Mỹ. Vậy tại sao việc xử lý rác của Vietstar lại gây ra rất nhiều phiền toái cho người dân trong thời gian qua?
Hàng tấn rác là giẻ lau, bịch ni lông... được Công ty Vietstar chôn trong khuôn viên nhà máy,
nhanh nhất cũng đến 50 năm mới phân hủy được! Ảnh: THU SƯƠNG
Hứa một đằng, làm một nẻo!
Trong báo cáo nghiên cứu khả thi gửi các bộ, ngành VN xem xét cấp giấy phép đầu tư, Công ty Vietstar có giới thiệu công nghệ Lemna, còn được gọi là công nghệ composting (làm phân compost), là công nghệ kỹ thuật khép kín.
Về phân loại, sử dụng dây chuyền phân loại bán tự động để phân tách rác thải trộn lẫn được đưa đến nhà máy bằng xe tải nhằm bảo đảm nguyên liệu có thể làm phân mới được đưa vào quy trình.
Tiếp theo, phần nguyên liệu hữu cơ còn lại được nghiền, sau đó được đưa vào ống ủ phân để bắt đầu quy trình chế biến rác thành phân hữu cơ.
Đây chính là điểm đặc biệt của công nghệ Lemna: Các ống làm phân là các bao hàm lượng polythene thấp có đường kính 3 m và chiều dài lên đến 60 m, mỗi bao sẽ chứa đến 210 tấn phân.
Công nghệ composting của Lemna có nhiều ưu điểm hơn các công nghệ khác: Không có mùi hôi và ruồi muỗi vì không cần phải đảo phân compost như trong quy trình hong phơi, ngăn chặn bụi và nước rò rỉ, giảm nhu cầu về diện tích đất, quá trình vận hành đơn giản và chi phí bảo dưỡng thấp...
Một trong những tiện ích tuyệt vời khác là nước được sử dụng trong các ống ủ phân compost theo các quy trình phản ứng sinh học, thậm chí còn phải tiếp thêm nước cho quá trình này nên không có nước rỉ rác trong quá trình ủ phân, các loại nước thải những khâu khác như rửa thiết bị, sàn nhà và thùng chứa đều sẽ được xử lý và tái sử dụng trong nhà máy.
Trong khi đó, trong văn bản gửi UBND TPHCM và Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) xin tăng giá xử lý rác, Vietstar cho rằng giá xử lý mỗi tấn rác của nhà máy hiện tại là 36,43 USD (tương đương 650.000 đồng) do Vietstar sử dụng công nghệ tái chế tiên tiến, máy móc nhập khẩu mới 100% để không gây ô nhiễm môi trường.
Quy trình xử lý có giá 36,43 USD/ tấn được vận hành bằng cách phân loại rác thành ba dạng: Các chất hữu cơ sẽ được đưa đi tái chế thành phân, nhựa tái chế thành hạt nhựa, những chất không tái chế sẽ được đưa đi chôn lấp tại bãi rác Phước Hiệp.
Chất hữu cơ đem ủ cho hoai trong nhà xưởng, sau đó tiếp tục sàng lọc, bỏ bớt các hợp chất không đúng kích cỡ lần nữa. Cuối cùng, trộn thêm các chất phụ gia để tạo thành phân compost.
Rõ ràng, quy trình ủ phân Vietstar đang tiến hành là quy trình ủ hở, không hề có các ống làm phân bằng bao hàm lượng polythene thấp như Vietstar đã hứa hẹn, nhà ủ chỉ có mái che, không có tường kín bao bọc.
Trong nghiên cứu khả thi, Vietstar đã chỉ trích các điểm “dở” của việc ủ hở rằng sẽ không kiểm soát được mùi hôi, nước rỉ rác, tốn kém... nhưng chính Vietstar đang đi lại vết xe đổ của việc ủ hở.
Và nếu đã áp dụng ủ hở thì rõ ràng quy trình này không có sự khác biệt lớn với cách chế biến phân compost từ rác hữu cơ đã được nhiều cá nhân và tổ chức ở VN áp dụng từ lâu mà rẻ hơn rất nhiều.
Công nghệ của Vietstar đã không tốt hơn công nghệ truyền thống là mấy thì sao giá cả lại đắt đến vậy? Phải chăng Vietstar đăng ký công nghệ một đường nhưng lại thực hiện một nẻo!?
Chôn rác: Vô tình hay cố ý?
Ngày 20-8, khi bị lực lượng cảnh sát Phòng 2 Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường phía Nam - Bộ Công an (C49B) bắt quả tang vụ chôn lấp rác thải trong khuôn viên nhà máy, lãnh đạo Công ty Vietstar đã tìm mọi cách vòng vo chối tội.
Lãnh đạo Vietstar khăng khăng rằng nhà máy chôn phân chứ không chôn rác. Họ cũng biện minh một cách nực cười rằng, sự việc là do các công nhân trong quá trình chuyển rác đã vô tình phủ cát lên. Lãnh đạo công ty khẳng định rằng hoàn toàn không có chủ trương chôn lấp rác thải trong nhà máy (!?)
Trong khi đó, chứng kiến những sai phạm nhiều lần phát sinh trong hoạt động của nhà máy xử lý rác từ tháng 5-2010, chúng tôi cho rằng vụ việc không đơn giản chỉ là việc làm “vô tình” của công nhân.
Bởi lẽ hơn 5.000 m3 rác để cập hàng rào nhà máy thực sự là núi rác khổng lồ, để “chui” hết được xuống dưới đất phải có sự chỉ đạo và tổ chức chôn lấp.
Giữa tháng 6, quá trình ban rác của nhà máy đã làm phát tán mùi hôi khủng khiếp và bụi bay mù mịt khiến người dân xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi bức xúc, liên tục phản ánh với Báo NLĐ.
Chúng tôi đã đến hiện trường để ghi nhận quá trình các xe tải nhỏ chở rác đi đổ khắp nhà máy và xe ủi san ra bằng phẳng, diễn ra khá rầm rộ và công khai. Lẽ nào một việc làm như thế, lãnh đạo nhà máy, lãnh đạo công ty lại không hề hay biết?
Tuy nhiên, qua quá trình đấu tranh kiên quyết của C49B, cuối cùng, đại diện nhà máy cũng thừa nhận sai phạm có chủ ý chôn lấp rác nhưng lại biện minh rằng
Sở TN-MT đã đồng ý bằng miệng!
Cơ quan quản lý ở đâu?
Chứng kiến cảnh ban rác diễn ra ở nhà máy xử lý rác tại Củ Chi, chúng tôi đã lập tức liên hệ với Sở TN-MT.
Khi đó, ông Lê Trung Tuấn Anh, Phó Phòng Quản lý chất thải rắn, cho biết: Khối rác này phát sinh từ quá trình phân loại ban đầu. Vietstar có xin phép sở ban số rác này để trồng cây nhưng sở đang lấy mẫu kiểm định chưa trả lời. Có lẽ vì vậy nên công ty mới dọn đống rác đi nơi khác để có chỗ trồng cây.
Ông Tuấn Anh cũng khẳng định đại diện Sở TN-MT xuống kiểm tra nhà máy hằng ngày. Đây cũng là thời điểm sở tiến hành quan trắc các chỉ số môi trường tại nhà máy và các khu vực xung quanh để rà soát lại tất cả nguyên nhân phát sinh mùi nên không hề có chuyện ban rác hay chôn lấp rác ở nhà máy, chỉ là “lùa đống rác ra cách xa hàng rào 5 m để trồng cây thôi!”.
Chúng tôi tiếp tục đưa những tấm hình chụp cảnh đang ban rác tại nhà máy nhưng ông Tuấn Anh vẫn khăng khăng đó chỉ là dịch chuyển vị trí rác chứ không phải ban rác (!).
Đến ngày 26-6, UBND xã Thái Mỹ tổ chức một cuộc gặp để lãnh đạo Vietstar và người dân đối thoại. Chính bà Poldi Gerald, Chủ tịch HĐQT Vietstar, đã xin lỗi người dân vì đã gây nhiều phiền hà cho cuộc sống của họ trong thời gian qua nhưng cũng trong ngày 26-6, Vietstar bắt đầu cho người đổ cát lấp lớp rác đã được san bằng khắp nhà máy. Trong buổi gặp mặt này, chúng tôi ghi nhận có cả đại diện Sở TN-MT.
Vấn đề được đặt ra: Nếu lực lượng C49B không phát hiện việc Công ty Vietstar cho chôn rác trong nhà máy, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng vì bên dưới rác được chôn không hề có lớp lót cũng như thành phần rác phần nhiều là các chất khó phân hủy như giẻ lau, bịch ni lông...
Sở TN-MT cho lấp rác?
Giải trình với Phòng 2 Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường – Bộ Công an (C49B) ngày 20-8, ông Trần Đức Thắng, trợ lý tổng giám đốc Công ty Vietstar, cho biết số rác để gần hàng rào nhà máy, cập kênh 18 đã được Sở TN-MT “đồng ý miệng, nhà máy khắc phục tới đó là ổn rồi thì bắt đầu lên cát”.
- Ông Thắng: Sở yêu cầu dời đi và nhà máy cũng đã chạy đi, chạy lại dời đi hơn mấy trăm tấn nhưng vẫn chưa lên cát mới mời sở xuống coi được chưa vì ổng (đại diện Sở TN-MT - PV) xuống đây giám sát hằng ngày mà. Ổng xuống coi xong hết các thứ, ổng mới nói OK được rồi...
- Ông Cù Nam Tiến, Phó Phòng 2 C49B: Cho lấp rác?
- Ông Thắng: Dạ!
- Ông Tiến: Ông nào cho lấp rác?
- Ông Thắng: Ổng chỉ nói miệng, ổng cho người xuống giám sát...
- Ông Tiến: Ông nào nói cho lấp rác, anh nói tên để chúng tôi làm việc luôn?
- Ông Thắng: Dạ 2-3 ông thay phiên nhau xuống liên tục nên cũng không hỏi.
- Ông Tiến: Có biên bản không?
- Ông Thắng: Dạ không, nhưng mà...
(Trích băng ghi âm của phóng viên) |
Bình luận (0)