Tại hiện trường, theo ghi nhận của phóng viên báo NLĐO chiếc sà lan dài khoảng 30 m, rộng gần 20 m, chở theo 8 thanh cừ bê tông loại lá sen, mỗi thanh nặng 16 tấn và dài khoảng 10 m/thanh.
Ông Nguyễn Văn Hậu, nhà ở phường 19, quận Bình Thạnh, có mặt tại hiện trường, cho biết thời điểm chiếc sà lan trôi vào khoảng 13 giờ cùng ngày, Tuy nhiên, một sĩ quan công an phường Bến Nghé (Q.1), có mặt tại hiện trường cho biết sà lan đâm vào cầu Thị Nghè khoảng 14 giờ 30 phút.
Lúc 16 giờ 40 phút, trong lúc những chiếc ghe đang cố sức kéo chiếc sà lan ra khỏi cầu thì dây thừng (có đường kính khoảng 15 cm) nối ghe lai sà lan bị đứt khiến chiếc cầu rung lên bần bật. Cứ mỗi lần kéo sà lan ra không được, chiếc cầu lại rung lên. Không chỉ khó khăn trong việc cứu cầu Thị Nghè, lực lượng chức năng phải khổ sở giải tán hàng trăm người dân hiếu kỳ đứng trên thành cầu để xem sự cố.
Sau khi sử dụng những chiếc ghe để kéo sà lan ra khỏi gầm cầu Thị Nghè không thành công, một số công nhân đã sử dụng phương án dùng máy bơm nước vào sà lan để nó chìm dần rồi kéo ra. Tuy nhiên, phương án này không khả thi vì máy bơm quá nhỏ.
Lúc 17 giờ 30 phút cùng ngày, Đội Cứu hộ - Cứu nạn chuyên nghiệp thuộc Sở Cảnh sát PCCC TPHCM đưa các phương tiện chuyên dụng như: máy cưa, khoan, máy hàn tới để khoan thủng sà lan làm cho nước tràn vào làm sà lan chìm để kéo ra.
Ông Trần Quốc Thống, điều phối viên gói thầu số 10 thuộc dự án Vệ sinh môi trường TP (kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè) cho biết, chiếc sà lan này dùng để đi thu gom những thanh cừ bê tông lá sen còn sót trên suốt tuyến công trình trên kênh.
Tải trọng của sà lan là 800 tấn, đậu trên kênh Thị Nghè đã được 4 ngày. Khi bị đứt neo, trên sà lan không có người. Việc đâm vào dầm và trụ cầu có khả năng đội cầu lên khoảng 3 cm.
Đến 16 giờ 30 phút cùng ngày, sau khi nhận được tin báo, Thanh tra giao thông thuộc Sở Giao thông vận tải TPHCM cử 1 nhân viên đứng tại ngã tư Nguyễn Bỉnh Khiêm – Nguyễn Thị Minh Khai để ngăn chặn các phương tiện lưu thông về hướng cầu Thị Nghè.
Tại địa phận quận 1, lực lượng CSGT lập thêm chốt chặn tại ngã tư Đinh Tiên Hoàng – Nguyễn Thị Minh Khai, vì vậy các phương tiện lưu thông trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm và Đinh Tiên Hoàng chỉ được phép đi thẳng, không được rẽ vào Nguyễn Thị Minh Khai. Ở hướng quận Bình Thạnh, lực lượng chức năng cũng lập chốt chặn ngay chân cầu.
Đến 17 giờ, Đội Cứu hộ - cứu nạn chuyên nghiệp thuộc Sở Cảnh sát PCCC TPHCM huy động một lực lượng hùng hậu gồm 5 xe chữa cháy chuyên dụng với hơn 50 CBCS đến hiện trường triển khai phương án cứu hộ. Trung tá Phan Văn Mẫn, Đội trưởng đội Điều tra xử lý tai nạn thuộc Phòng CSGT đường thủy Công an TPHCM, lực lượng cứu nạn quyết định khoan 5 lỗ lớn, đánh chìm sà lan bằng cách cho 10 máy bơm hoạt động hết công suất đưa nước vào khoang sà lan.
Đến 19 giờ, hơn 100 cán bộ chiến sĩ Công an quận 1, Bình Thạnh và lực lượng CSGT đội Bến Thành lập các chốt chặn trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Đinh Tiên Hoàng (quận 1), Xô Viết Nghệ Tĩnh (Bình Thạnh) để phân luồng chuyển hướng giao thông. Một số tuyến đường xung quanh cầu Thị Nghè đã bị ùn tắc nghiêm trọng.
Đến 19 giờ 20 phút, sà lan đã được đưa ra khỏi gầm cầu Thị Nghè.
Hiện nguyên nhân và sự thiệt hại do sà lan đâm vào cầu Thị Nghè vẫn đang được các cơ quan chức năng tiến hành điều tra.
Bình luận (0)