Từ 0 giờ ngày 20-5, Nghị định 34/2010/NĐ-CP (NĐ 34) quy định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực, trong đó ở TPHCM và Hà Nội mức xử phạt cho nhiều hành vi sẽ tăng từ 40% - 200%.
Chiều 19-5, Phòng CSGT Đường bộ Công an TPHCM đã tổ chức hướng dẫn cặn kẽ các quy định của NĐ 34 cho các đội CSGT. Do NĐ 34 có nhiều thay đổi so với trước, lực lượng CSGT sẽ được huy động tối đa để tuyên truyền và hướng dẫn cho người dân. Tuy nhiên, việc xử phạt nghiêm vẫn sẽ được lực lượng CSGT áp dụng ngay từ ngày đầu.
Một trường hợp bị phạt do dừng đèn đỏ quá vạch quy định ở TPHCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Xử lý nghiêm
Theo ông Nguyễn Trọng Thái, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, ủy ban đã có văn bản yêu cầu Ban An toàn giao thông các tỉnh, TP trực thuộc trung ương tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân hiểu và chấp hành NĐ 34.
Mặt khác, ủy ban cũng đã yêu cầu các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ tuần tra, xử lý các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ cần xử lý nghiêm, tổ chức tốt việc triển khai nghị định mới của Chính phủ, nhất là tại Hà Nội và TPHCM.
Do mức xử phạt tăng cao nên có thể xảy ra chuyện người vi phạm giao thông chống lại CSGT - Thanh tra Giao thông. Để hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi chống đối xảy ra, theo thượng tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP Hà Nội, cơ quan này đã giáo dục lực lượng của mình chấp hành nghiêm những quy định, điều lệnh của ngành khi làm nhiệm vụ cũng như các kỹ năng giao tiếp...
Ngoài ra, CSGT đã được trang bị những công cụ hỗ trợ như súng bắn đạn hơi cay, dùi cui điện, khóa số 8... kèm theo những quy định cho phép khống chế và trấn áp những đối tượng chống người thi hành công vụ hoặc khi phát hiện tội phạm hoạt động. Những trường hợp vi phạm sẽ bị CSGT xử lý nghiêm.
Tương tự, thượng tá Trần Sơn, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật, điều tra xử lý tai nạn giao thông - Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (Bộ Công an), khẳng định: Ngay từ sáng 20-5, lực lượng CSGT phối hợp với các lực lượng liên quan sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các lỗi vi phạm theo NĐ 34.
Theo thượng tá Võ Văn Vân, Phó trưởng Phòng CSGT Đường bộ Công an TPHCM, ngày 20-5, lực lượng CSGT trong toàn TP sẽ tăng cường quân số tại các chốt giao thông trọng điểm.
Trong đó, một số tuyến đường chính như Trần Hưng Đạo, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Cách Mạng Tháng Tám, xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 1A... sẽ có CSGT tuần tra thường xuyên.
Những trường hợp khó xử phạt
Theo điều 20, NĐ 34 quy định phạt tiền từ 300.000 đến 500.000 đồng đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy, kể cả xe máy điện không có giấy đăng ký xe theo quy định.
Đối với người điều khiển xe đạp điện (được xếp vào nhóm xe thô sơ) sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 40.000 – 60.000 đồng đối với hành vi không có đăng ký, không gắn biển số (nếu địa phương có quy định đăng ký và gắn biển số).
Về điểm này, theo thượng tá Vân, đến nay trên địa bàn TPHCM, Phòng CSGT chưa có hồ sơ đăng ký nào của xe máy điện hay xe đạp điện nên khi triển khai xử phạt sẽ gặp khó.
Chưa kể, trước đây, khi nhập, sản xuất xe máy điện, xe đạp điện, các bộ, ngành liên quan không đả động gì đến hồ sơ để đăng ký cho loại xe này.
Theo NĐ 34, người đi bộ bị phạt từ 50.000 đến 120.000 đồng nếu vi phạm những lỗi như không đi đúng phần đường quy định, không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển, đèn tín hiệu giao thông, mang vác cồng kềnh gây cản trở giao thông...
Theo một CSGT, nguyên tắc khi triển khai xử phạt buộc người đi đường phải xuất trình giấy tờ. Tuy nhiên, nếu người đi bộ không xuất trình giấy tờ và cố ý gây khó thì cũng khó xử lý.
Tương tự, xe máy chạy trên vỉa hè sẽ bị phạt nhưng vào giờ cao điểm, xe máy thường chạy trên lề nhưng lúc này, lực lượng CSGT phải tập trung điều tiết giao thông nên rất khó xử phạt.
Chưa kể, một số tuyến đường thi công có rào chắn án ngữ gần hết lòng đường, người dân buộc phải lái xe lên vỉa hè để tìm lối đi cũng sẽ gây khó cho người xử phạt.
Bình luận (0)