Sau hơn 3 tháng thực hiện Nghị định 34 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (từ ngày 20-5-2010), ghi nhận thực tế cho thấy dù ý thức người dân có phần chuyển biến nhưng vẫn còn nhiều hành vi vi phạm diễn ra hằng ngày.
Người đi bộ trèo con lươn để qua đường. Ảnh chụp tại chân cầu Sài Gòn
(phường Thảo Điền, quận 2 - TPHCM). Ảnh: PHẠM DŨNG
Lờn thuốc với lấn vỉa hè, leo lề
Sáng 14-9, ghi nhận một số điểm “nóng” thường xuyên bị phản ánh về tình trạng lấn chiếm vỉa hè để buôn bán, tại khu vực trước cổng Bệnh viện Chợ Rẫy (cả 2 cổng Nguyễn Chí Thanh và Thuận Kiều), tình trạng lấn chiếm vỉa hè để buôn bán đã nhộn nhịp trở lại sau một thời gian im ắng do bị địa phương kiểm tra gắt gao. Bảo vệ bệnh viện phải dùng hàng rào chắn để cách ly, giành lại không gian trước cổng cho xe cấp cứu ra vào.
Vỉa hè Trường ĐH Kiến trúc, ĐH Kinh tế, dù trước đó Ủy ban MTTQ TPHCM phối hợp UBND phường 6, quận 3 liên tục ra quân dẹp cảnh buôn bán, ăn uống mất thẩm mỹ nhưng nay đâu lại vào đó.
Người bán vô tư bày hàng la liệt, sinh viên cũng “hưởng ứng” bằng cách tụm lại trải giấy báo ngồi ăn uống. Trước chợ An Đông, Trường ĐH Sài Gòn (quận 5), ĐH Sư phạm (quận 5), cảnh hàng rong tụ tập buôn bán tấp nập.
Ngoài hành vi lấn vỉa hè để buôn bán, đến nay nhiều người đi đường vẫn vô tư... leo vỉa hè. Cứ đến giờ tan tầm, vỉa hè trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) đoạn từ giao lộ Cộng Hòa – Út Tịch đến Cộng Hòa – Hoàng Hoa Thám gánh chịu hàng ngàn xe gắn máy leo lên.
Cái vỉa hè đáng thương ngày càng tơi tả bởi thói quen leo lề của người đi đường. Tương tự, vỉa hè được lát đá rất đẹp trên đường Nguyễn Văn Trỗi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa mới đưa vào sử dụng cũng tả tơi vì mật độ xe máy leo lên ngày càng nhiều.
Đến nay, chuyện xử phạt người đi bộ đi không đúng làn đường quy định vẫn rất hiếm và khó. Nguyên nhân do nhiều đoạn đường dài nhưng không có vỉa hè, buộc người đi đường phải đi xuống lòng đường. Chưa kể vạch kẻ dành cho người đi bộ qua đường nhiều đoạn cách quá xa như trên Quốc lộ 1A, xa lộ Hà Nội... nhiều người chọn cách băng ẩu thay vì đi bộ cả cây số mới qua bên kia đường.
Ngoài ra, tuy mức phạt về hành vi tụ tập, lạng lách, đánh võng khi điều khiển mô tô có tăng cao hơn trước (Nghị định 34 là 5-7 triệu đồng, Nghị định 146 là 4-6 triệu đồng) nhưng các đối tượng thanh thiếu niên vẫn tụ tập “biểu diễn” và thách thức cả lực lượng CSGT.
Nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ
Thượng tá Võ Văn Vân, Phó trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Công an TPHCM, thừa nhận: Sau 3 tháng thực hiện Nghị định 34, bước đầu TPHCM đã đạt được những mục tiêu đề ra như kéo giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông... tuy nhiên vẫn còn những hạn chế phát sinh.
Cụ thể, Nghị định 34 không áp dụng tạm giữ phương tiện đối với hành vi vi phạm điều khiển mô tô, gắn máy tụ tập, lưu thông lạng lách, đánh võng, do đó không tạo được các chế tài và răn đe giáo dục đối với các trường hợp vi phạm.
Riêng quy định xử phạt đối với hành vi lấn chiếm vỉa hè để buôn bán với mức phạt từ 20 – 30 triệu đồng là không khả thi, do đó người dân vẫn vi phạm. Thực tế, hiện nay CSGT rất khó xử phạt người buôn gánh bán bưng bởi họ là những người nghèo, buôn bán nhỏ. CSGT chỉ cảnh cáo, nhắc nhở là chính.
“Do đó, chúng tôi kiến nghị với trường hợp này nên quy định phạt theo từng đối tượng, theo diện tích lấn chiếm hoặc theo tính chất buôn bán lấn chiếm (quy mô lớn hay nhỏ, hay chỉ chiếm dụng để xe trước cửa...). Ngoài ra, kiến nghị Chính phủ cần xem xét lại quy định không tạm giữ phương tiện đối với thanh thiếu niên tụ tập, lạng lách, đánh võng... để tăng tính chế tài và răn đe cho đối tượng này”- thượng tá Vân cho biết.
Việc thực hiện chưa nghiêm Nghị định 34 có phần do người dân không thấy có CSGT thì không sợ. Thượng tá Vân thừa nhận: “Do lực lượng CSGT cùng lúc đảm nhận nhiều nhiệm vụ, như giải quyết tình trạng tụ tập, lạng lách, biểu diễn; bảo vệ các sự kiện, lễ hội; đưa dẫn đoàn khách trong nước và quốc tế... vì vậy không thể cùng lúc có mặt trên tất cả tuyến đường, các đoạn có rào chắn để giải quyết sự cố giao thông hoặc xử phạt tất cả trường hợp vi phạm”.
Bình luận (0)