217 ý kiến cử tri gửi về kỳ họp và 96 chất vấn trực tiếp của các đại biểu (ĐB) tại hội trường dành cho lãnh đạo 3 sở Quy hoạch-Kiến trúc (QH-KT), GTVT, Thông tin - Truyền thông và chủ tịch UBND TP trong ngày 6-7, ngày làm việc thứ hai kỳ họp HĐND TPHCM lần thứ 18, khóa VII.
Đại biểu Nguyễn Đăng Nghĩa: Sở GTVT cho biết 142 tỉ đồng ngân sách TP tạm ứng để sửa chữa cầu Văn Thánh đã được ai hoàn trả chưa?
Có bị áp lực khi duyệt dự án?
Là sở đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên sáng 6-7, Giám đốc Sở QH-KT Trần Chí Dũng liên tục nhận được nhiều câu hỏi chất vấn của các ĐB, vấn đề được truy nhiều nhất là tại sao TP lại dồn nhà cao tầng quá nhiều vào khu trung tâm?
Ông Trần Chí Dũng cho rằng nhu cầu phát triển cao ốc (văn phòng, thương mại) trong khu vực trung tâm TP là nhu cầu tất yếu, vừa góp phần tăng trưởng GDP của TP vừa đóng góp vào bộ mặt kiến trúc, không gian đô thị.
Trách nhiệm của Sở QH-KT là cung cấp thông tin QH-KT cho các dự án theo quy hoạch đã được duyệt. Đối với khu vực chưa có quy hoạch hoặc thông tin chưa đầy đủ, nếu công trình cao tầng có tính chất đặc biệt có ảnh hưởng đến kiến trúc cảnh quan đô thị thuộc khu trung tâm TP thì sở báo cáo Hội đồng Kiến trúc-Quy hoạch TP để có ý kiến.
Dù không nằm trong danh sách trả lời chất vấn nhưng theo đề nghị của Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Tấn Bền đã cung cấp một số thông tin về số lượng các cao ốc ở khu trung tâm.
Theo đó, từ năm 2007 đến tháng 6-2010, Sở Xây dựng đã cấp phép xây dựng 114 công trình với diện tích gần 1,4 triệu m2. Trong đó, tại khu trung tâm thuộc quận 1, 3 là 71 công trình, chiếm 75%.
ĐB Nguyễn Đăng Nghĩa nhận định: “Với 75% công trình nhà cao tầng nằm ở khu trung tâm, tỉ lệ này khá cao và rõ ràng đây là nguyên nhân khiến tình trạng kẹt xe ngày càng trầm trọng”.
ĐB Ngô Minh Hồng hỏi tiếp: Chúng ta đang theo đuổi mô hình nào để quy hoạch khu trung tâm bởi thực tế có nhiều cao ốc xây sát cạnh con đường bé xíu và đây chính là nguyên nhân gây kẹt xe. “Có hay không áp lực từ bất cứ cuộc gọi hay thư tay nào ở trên khi duyệt dự án?”- ĐB Hồng hỏi lãnh đạo Sở QH-KT và Sở Xây dựng.
Ông Dũng trả lời mô hình phát triển của TP là mô hình đa trung tâm dựa trên quy hoạch của Chính phủ đã phê duyệt. Tuy nhiên, còn nhiều câu hỏi khác của ĐB mà ông Dũng không trả lời cụ thể, chủ yếu viện dẫn những quy định của Chính phủ về quy hoạch, làm nhiều ĐB không hài lòng. ĐB Hồng thẳng thắn: “Tôi thấy giám đốc sở trả lời chưa thỏa đáng!”.

Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Phượng: TP đã thành lập đoàn thanh tra, giao Thanh tra TP thanh, kiểm tra
và đã có kết luận yêu cầu các bên liên quan kiểm điểm, xử lý các cá nhân sai phạm. Ảnh: TẤN THẠNH
Cầu Văn Thánh, dự án metro bị... soi
Ngoài các vấn đề cũ như hạn chế xe cá nhân, giải quyết nạn kẹt xe, tiến độ thi công các công trình giao thông, nâng cao chất lượng phục vụ của các phương tiện vận chuyển hành khách công cộng... mà các ĐB tập trung chất vấn Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Phượng. ĐB Nguyễn Đăng Nghĩa còn đặt vấn đề: “Sở GTVT cho biết 142 tỉ đồng ngân sách TP tạm ứng để sửa chữa cầu Văn Thánh đã được ai hoàn trả chưa?”.
Tiếp lời, ĐB Trương Trọng Nghĩa hỏi: “Tôi có thông tin muốn sửa chữa rốt ráo cây cầu này phải cần từ 100 tỉ – 300 tỉ đồng. Số tiền này ai gánh, sao chưa thấy ai đứng ra chịu trách nhiệm về dự án lãng phí này?”.
Ông Phượng trả lời: “TP đã thành lập đoàn thanh tra, giao Thanh tra TP thanh, kiểm tra và đã có kết luận yêu cầu các bên liên quan kiểm điểm, xử lý các cá nhân sai phạm”.
Riêng số tiền sửa chữa đội lên, theo ông Phượng, do trước kia đường Nguyễn Hữu Cảnh được xây trên nền đất yếu, nhà thầu chưa có kỹ thuật cao trong việc bù lún nên lún đến đâu bù đến đó. Đến nay, để xử lý lún triệt để, Sở GTVT sẽ gia cố bằng phương pháp mới nên sẽ tốn kém hơn!
ĐB Trương Trọng Nghĩa truy tiếp: Vì sao dự án tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên vốn đội lên quá cao, từ khoảng 1 tỉ USD theo dự toán ban đầu, nay lên trên 2 tỉ USD? Liệu việc thẩm định dự toán có sai sót?
Ông Phượng dành hẳn 5 phút để trả lời. Theo ông Phượng, dự án này được nghiên cứu từ năm 2003 đến cuối năm 2006 mới có dự toán. Qua 3 năm, đến năm 2009 thì vốn đội lên hơn 2 tỉ USD do giá vật tư tăng và khi nghiên cứu chưa lường hết các yếu tố.
Cụ thể là dự án chưa kết nối các tuyến metro, buộc phải tính toán lại; đầu máy, toa xe chưa an toàn nên phải thay thiết bị mới, dự phòng phí còn thấp phải tăng thêm...
Được Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo mời lên giải thích thêm, ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, nói: “Khi vốn đầu tư tăng lên 2,3 tỉ USD, TP đã thuê tư vấn thẩm định lại, đơn vị tư vấn hoàn toàn độc lập có thể tin tưởng được, không phải hoàn toàn theo ý nhà tài trợ”.
Bình Quới-Thanh Đa: Không phát triển khu dân cư
Chiều 6-7, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân đã đăng đàn trả lời nhiều câu hỏi ĐB đặt ra. Trở lại câu chuyện xóa quy hoạch “treo” nhưng “nửa vời” ở khu Bình Quới-Thanh Đa (quận Bình Thạnh), ĐB Trương Trọng Nghĩa đặt vấn đề: “Cùng với quyết định thu hồi giao đất, TP đã chỉ đạo quận Bình Thạnh lập QHCT 1/2000, tiếp đó TP lại có chủ trương kêu gọi nhà đầu tư mới. Điều này không chỉ gây khó cho quận mà tiếp tục làm khổ dân, cách làm này giống như “tay trái đưa ra, tay phải lấy lại?”. ĐB Nghĩa hỏi tiếp: “Vi phạm của Công ty Hào Dương có tình tiết tăng nặng nhưng sao chủ tịch không chỉ đạo xử lý quyết liệt?”.
Theo Chủ tịch Lê Hoàng Quân, khu Bình Quới-Thanh Đa là khu vực quan trọng nên TP cần phải giữ đất và với đặc điểm tự nhiên thì khu vực này không thể phát triển thành khu dân cư mà xác định xây dựng khu vui chơi, giải trí.
Để treo 18 năm làm dân khổ là điều TP không muốn nhưng việc lựa chọn nhà đầu tư có năng lực là cần thiết. “Chính vì vậy chúng tôi muốn ĐB chia sẻ và khi triển khai dự án, TP phải bảo đảm điều kiện tái định cư tốt nhất cho người dân”- ông Quân giải thích.
Với Công ty Hào Dương, ông Quân cho biết: “Tôi đã trao đổi với Sở Tài nguyên-Môi trường, nếu công ty này tiếp tục vi phạm, TP sẽ xử lý kiên quyết, kể cả thu hồi giấy phép. Còn nếu tiếp tục vi phạm sẽ xử lý hình sự”.
Với những câu hỏi mà ĐB đặt ra cho Sở QH-KT về việc dồn quá nhiều nhà cao tầng vào khu trung tâm, ông Quân cho rằng TP rất trân trọng ý kiến của các ĐB và sẽ mời các nhà tư vấn quốc tế tham gia thực hiện quy hoạch, sau đó sẽ báo cáo cụ thể với các ĐB.
TP cũng sẽ sớm có danh sách những khu vực cần bảo tồn để phục vụ công tác xây dựng và quy hoạch ở khu trung tâm. Sau kỳ họp này, Chủ tịch Lê Hoàng Quân cũng giao Sở Thông tin - Truyền thông sớm trình danh sách 43 game online để TP xem xét tính pháp lý trước khi chính thức có quyết định cấm hoạt động.
Hôm nay (7-7), kỳ họp tập trung thông qua các tờ trình của UBND TP, bầu chức danh phó chủ tịch HĐND TP và cũng là ngày bế mạc.
Phải mạnh dạn nói: Không !
Nhận xét về phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo cho rằng dù các ĐB không muốn hỏi vấn đề cũ nhưng do tồn tại đến nay chưa được các sở, ngành giải quyết, người dân vẫn bức xúc nên ĐB phải truy tiếp. Bà Thảo cũng hoan nghênh nhiều câu hỏi thẳng thắn của ĐB như “có hay không việc tác động của thư tay, điện thoại?...” bởi câu hỏi này cũng để làm rõ những tác động của một nhóm lợi ích nào đó mà không vì lợi ích chung của nhân dân. “Dù vị giám đốc chưa dám trả lời là “không” nhưng tôi hy vọng lần sau họ sẽ trả lời “không” một cách dứt khoát”- bà Thảo thẳng thắn.
Trước đề nghị của một số ĐB, bà Thảo hứa sắp tới, HĐND TP sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề về vốn vay ODA, quản lý trò chơi trực tuyến để làm rõ hơn những thắc mắc của ĐB.
V.Lê |
Đừng vì lợi ích cá nhân mà hủy hoại cả thế hệ !
Phần trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông (TT-TT) Lê Mạnh Hà vào đầu giờ chiều cùng ngày có phần nhẹ nhàng nhưng thuyết phục hơn dù có hàng loạt bức xúc đặt ra trong công tác quản lý trò chơi trực tuyến (game online).
Theo ông Hà, đến nay đã có 65 trò chơi được cấp phép hoạt động (trong đó có 43 trò chơi mang tính bạo lực) và ai cũng biết tác hại là vô cùng nghiêm trọng. Ông Hà cho biết Sở TT-TT đã kiến nghị 4 vấn đề với Bộ TT-TT nhưng hầu hết đều không được giải quyết.
Trong đó, có kiến nghị là ban hành và công khai tiêu chí đánh giá mức độ bạo lực và cờ bạc. Ngay cả những trò chơi mà Sở TT-TT cho là có yếu tố cờ bạc và bạo lực nhưng đơn vị cấp phép bên trên cũng không đồng ý vì cho rằng những trò chơi này đã được phát hành trên thế giới. “Không biết có phải vì quyền lợi của một nhóm nào đó mà việc cấp phép game online cứ được duy trì. Không thể vì lợi ích của một vài người mà hủy hoại cả thế hệ thanh thiếu niên” - ông Hà bức xúc.
Nhiều giải pháp và kiến nghị mới của Sở TT-TT với Bộ TT-TT mà ông Hà trình bày được hầu hết các ĐB đồng tình như loại bỏ ngay 43 trò chơi bạo lực đang có, không nhập khẩu trò chơi trực tuyến mới và sản xuất trò chơi Việt, quản lý người chơi tương tự như quản lý thuê bao điện thoại cố định... Nhiều ĐB đề nghị UBND TP nên xem xét cho dừng ngay 43 trò chơi được xem là bạo lực mà không phải chờ ý kiến của Bộ TT-TT.
Q.Hiền |
Bình luận (0)