Sáng 19-1, Khu Quản lý Đường bộ VII (Tổng cục Đường bộ VN) đã tổ chức hội thảo đánh giá dự án thí điểm xây dựng và vận hành trạm kiểm tra tải trọng xe Dầu Giây, đặt tại tỉnh Đồng Nai. Sau 2 năm hoạt động, trạm cân Dầu Giây vẫn còn nhiều điểm cần phải hoàn thiện, cả kỹ thuật lẫn nhân lực.
Thiết bị điện tử của trạm cân Dầu Giây thường xuyên trục trặc khiến việc kiểm tra xe quá tải gặp khó khăn. Ảnh: NGỌC BÍCH
Vị trí chưa hợp lý
Ông Đặng Công Chiến, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học-Công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế - Tổng cục Đường bộ VN, khẳng định địa điểm đặt trạm cân là yếu tố quyết định hiệu quả của trạm.
Trong khi đó, “trạm cân Dầu Giây được đặt ở vị trí chưa hợp lý vì còn nhiều đường nhánh, tài xế xe quá tải đã lợi dụng các Tỉnh lộ 769, 767, đường nội bộ như lộ Cây Gáo, An Viễn – Đồi Bình Minh – Giang Điền... ở khu vực này để tránh qua trạm”- ông Chiến nhận định.
Bên cạnh đó, hệ thống kỹ thuật của trạm cân Dầu Giây lại hoạt động không mấy trơn tru. Cụ thể, camera ở đây thường xuyên chập chờn, bảng điện tử mất tín hiệu, hệ thống nhận dạng biển số hoạt động chập chờn...
Theo Khu Quản lý Đường bộ VII, đáng lẽ nhà thầu cung cấp thiết bị cho trạm cân là Công ty Tầm Nhìn phải thường xuyên có mặt để sửa chữa những sai sót của thiết bị ở trạm cân này nhưng lại thiếu trách nhiệm, thường xuyên không có nhân viên kỹ thuật hoặc bố trí nhân viên không đủ năng lực đến giải quyết sự cố.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, nhân viên của trạm cân có hành vi tiêu cực cũng làm ảnh hưởng không ít đến hoạt động của trạm. Từ sự yếu kém của thiết bị, giới tài xế có thể “vô hiệu hóa” trạm cân bằng cách chạy qua bàn cân động với tốc độ rùa bò để dòng xe nối đuôi nhau che đi biển số xe hoặc bôi bẩn biển số xe để camera không “đọc” được...
Hoạt động tiếp hay dừng?
Do có quá nhiều sai sót trong 2 năm hoạt động, ông Phan Hiền, Phó Tổng Giám đốc Khu Quản lý Đường bộ VII, cho rằng nên dừng hoạt động của trạm cân Dầu Giây để sửa chữa hoặc dời địa điểm. Ông Hiền cho biết mục đích lập trạm cân Dầu Giây là giám sát hoạt động vận tải, không để xảy ra tình trạng quá tải lưu thông.
Thế nhưng, thực tế có quá nhiều nguyên nhân khiến trạm cân Dầu Giây vẫn chưa đạt được mục đích này qua 2 năm hoạt động. Theo ông Hiền, trạm cân Dầu Giây là sự kết hợp nửa vời giữa hiện đại (hệ thống tự động hóa) và “cổ lỗ sĩ” (cân tĩnh).
Ông Hiền cho biết thêm: “Khi đặt trạm, các bên liên quan chỉ tính tới những giả định như tài xế đi đúng làn xe, đúng khoảng cách, đúng tốc độ... nhưng thực tế, tài xế lại cố tình phá vỡ những giả định này, lúc đó chúng ta lại không quản lý được”.
Sau đó, ông Hiền chỉ rõ những cái khó trong việc quản lý trạm cân Dầu Giây: “Khu Quản lý Đường bộ VII được giao quản lý chính trạm cân Dầu Giây, chỉ huy 5 lực lượng phối hợp nhưng trên thực tế chúng tôi làm sao chỉ huy được lực lượng phối hợp là công an, thanh tra giao thông”.
Theo quan điểm của Khu Quản lý Đường bộ VII, trạm cân Dầu Giây chưa phải là một hình mẫu để các nơi học tập. Vì vậy, nếu tiếp tục làm thêm 27 trạm kiểm tra tải trọng xe thì phải sửa chữa, khắc phục nhiều vấn đề tồn tại.
Trong khi đó, ông Ngô Quang Đảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, cho rằng trạm cân Dầu Giây tỏ ra hiệu quả khi giảm phần nào tình trạng xe quá tải qua Quốc lộ 1A. Ông cho rằng việc dừng trạm cân Dầu Giây hay không thì Tổng cục Đường bộ VN sẽ quyết định, còn hiện tại “cái nào hay thì phát huy, cái nào dở thì sửa chữa”.
Để khắc phục sai sót của thiết bị, trước mắt, Công ty Tầm Nhìn đề xuất cải tiến thiết bị để nâng hiệu quả kiểm tra xe quá tải qua trạm.
Bình luận (0)