Ông Nguyễn Văn Điệp, Giám đốc Sở GTVT Đồng Nai, cho biết do vị trí đặt trạm cân Dầu Giây không hợp lý nên mỗi ngày có hàng trăm lượt xe quá tải né trạm bằng 18 tuyến đường thuộc các huyện Trảng Bom, Thống Nhất, Long Thành và Vĩnh Cửu.
Dân không dám ra đường
Theo ghi nhận của chúng tôi, những tuyến đường xung quanh trạm cân Dầu Giây đều bị các xe quá tải băm nát, gây nguy hiểm cho người đi đường. Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh Đồng Nai là khu vực có nhiều đường né trạm cân Dầu Giây nhất.
Ngoài 3 tuyến đường tỉnh (ĐT 769 Dầu Giây – Quốc lộ 51, ĐT 762 và ĐT 767), còn hàng chục tuyến đường địa phương như Hương lộ 10, Sông Thao - Bàu Hàm, Trảng Bom - Cây Gáo, Chất Thải Rắn, Vườn Ngô, Huyện Ủy, Trần Phú, Chuối Sấy... “bị nạn”. Những con đường này đều nối thông với các tuyến quốc lộ đi từ Bình Thuận về Bà Rịa – Vũng Tàu.
Xe tải đi đường vòng để né trạm cân Dầu Giây. Ảnh: KIM CƯƠNG
Theo bà Lê Thị Tám (người dân thị trấn Trảng Bom), vào ban ngày, do lực lượng chức năng làm ráo riết nên xe tải ít qua. Đến khoảng 22 giờ, hàng chục chiếc xe quá tải nối đuôi đi thành từng hàng để né trạm. “Ban đêm, người dân ở đây không dám ra đường” – bà Tám nói.
Chưa làm hết trách nhiệm
Theo Khu Quản lý Đường bộ VII, CSGT chưa làm hết vai trò của mình khi lái xe không chấp hành các biển báo tại trạm, chưa phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi cố tình đi sai làn đường. Lực lượng thanh tra giao thông tỉnh Đồng Nai cũng chưa làm hết trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát tiêu cực tại trạm.
Vì những sai sót và tiêu cực trên, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM đề nghị nên áp dụng công nghệ tiên tiến tự động để kiểm tra tải trọng xe mà không cần sự can thiệp trực tiếp của con người hoặc chỉ cần dưới 10 người điều khiển trạm, không nên phình to lên đến 40 người như hiện nay. Theo ông Phan Hiền, Phó Tổng Giám đốc Khu Quản lý Đường bộ VII, nên chọn một mô hình tiên tiến của nước ngoài rồi VN hóa để sử dụng. |
Một số tài xế xe ôm gần trạm cân Dầu Giây cho biết 2 đầu trạm luôn có “cò” túc trực, xe quá tải nào tới đây mà không biết đường thì “cò” sẽ hướng dẫn né trạm. Các tài xế cũng có thể qua trạm bằng cách che biển số sau đó di chuyển từ từ nhằm qua mặt camera và hệ thống cân động.
Quá nhiều trục trặc
Theo Khu Quản lý Đường bộ VII - Tổng cục Đường bộ VN, hệ thống thiết bị ở trạm cân Dầu Giây đang bị trục trặc. Theo đồ án, tỉ lệ phần trăm camera nhận dạng được biển số qua cân động thấp nhất là 90% nhưng thực tế chỉ đạt 81,38%.
Bảng điện tử thông báo biển số xe vi phạm tại khu vực cân động và hai đầu đường vào bàn cân tĩnh hay mất tín hiệu. Các camera quan sát đầu đường vào bàn cân tĩnh và bãi hạ tải (camera zoom), thiết bị ghi hình ảnh hoạt động khu vực trạm cũng bị hư hỏng nhiều lần.
Trong buổi tổng kết hoạt động trạm cân Dầu Giây tại Khu Quản lý Đường bộ VII, Công ty Tầm Nhìn - nhà thầu lắp đặt hệ thống thiết bị - cũng thừa nhận bảng điện tử hoạt động rất yếu.
Theo nhà thầu này, hệ thống cân tĩnh đáp ứng được yêu cầu hoạt động của trạm nhưng do có tiêu cực từ phía nhân viên điều hành nên trở thành khâu yếu nhất nhì trạm này. Vì vậy, nhà thầu đề nghị nếu có lập trạm mới thì không nên sử dụng cân tĩnh mà sử dụng cân động tốc độ thấp, đồng thời tách con người ra khỏi quá trình xử lý thông thường thì mới đạt hiệu quả cao.
Thêm một điều bất cập tại trạm cân Dầu Giây, đó là mặt đường tại khu vực trạm được thiết kế theo tiêu chuẩn đường ô tô thông thường, trong khi nơi đây thường xuyên tiếp nhận các xe quá tải - quá khổ nên khả năng chịu tải không đáp ứng được nhu cầu thực tế, làm hư hỏng mặt đường và hệ thống trụ dẻo phân làn...
Bình luận (0)