Từ tăng vốn 1.806 tỉ đồng lên 2.077 tỉ đồng
Tháng 12-2004, UBND TP.HCM phê duyệt tổng mức đầu tư dự án cầu Phú Mỹ và phương án hoàn vốn theo hợp đồng BOT cầu Phú Mỹ là 1.806,5 tỉ đồng (tương đương 116,1 triệu USD).
Tháng 9-2005, Công ty cầu Phú Mỹ làm lễ động thổ xây dựng cầu Phú Mỹ và ba tháng sau đơn vị này cho biết sau khi hoàn thành hồ sơ thiết kế kỹ thuật công trình chính và công trình phụ của cầu Phú Mỹ, dự án này cần phải tăng mức đầu tư.
Tháng 6-2006, đơn vị này đã giải trình với UBND TP về việc xin điều chỉnh tăng vốn đầu tư dự án từ 1.806 tỉ đồng lên 1.960,1 tỉ đồng (tương đương 126 triệu USD).
Không đầy một tháng sau, đơn vị này tiếp tục giải trình tổng mức đầu tư cần điều chỉnh tăng lên 1.993,2 tỉ đồng (tương đương 128,1 triệu USD) chưa kể lãi vay trong thời gian thực hiện dự án.
Tháng 9-2006, UBND TP ra văn bản chấp thuận về chủ trương tạm thời điều chỉnh tổng mức vốn đầu tư của dự án cầu Phú Mỹ là 2.077,5 tỉ đồng.
Một chuyên gia ngành giao thông ở TP phân tích Công ty cầu Phú Mỹ đã tính toán rất kỹ việc tăng vốn đầu tư cho dự án. Nguồn vốn tăng thêm này chắc chắn sẽ kéo dài thời gian thu phí giao thông và người dân là kẻ đầu tiên và cuối cùng phải gánh chịu.
Theo chuyên gia này, các cơ quan chức năng phải tỉnh táo để thẩm tra thật kỹ liệu mức tăng thêm hàng trăm tỉ đồng của dự án có hợp lý hay không.
Trạm thu phí cầu Phú Mỹ trong thời gian hoàn thiện sau khi khánh thành cầu - Ảnh: T.T.D
Đến việc được Nhà nước bảo lãnh “rủi ro”
Chúng tôi đang khốn khổ |
Trong văn bản giải trình với Bộ Kế hoạch - đầu tư về nội dung của báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng cầu Phú Mỹ vào tháng 5-2002, UBND TP.HCM cho biết trong điều kiện nguồn vốn ngân sách TP còn hạn hẹp và với dự báo về lưu lượng xe lưu thông qua cầu Phú Mỹ rất lớn nên rất cần xây dựng cầu theo phương thức BOT.
Để được đầu tư theo phương thức này, điều kiện đầu tiên là chủ đầu tư phải có vốn tự có tương đương 30% tổng mức đầu tư và phải chứng minh bằng văn bản các cam kết cho vay vốn đầu tư dài hạn của các tổ chức tài chính, các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước đối với phần vốn còn lại.
Thế nhưng, thực tế Công ty cầu Phú Mỹ chỉ có 20% vốn tự có và vốn vay ngân hàng là chủ yếu.
Trước yêu cầu cấp bách xây dựng cầu Phú Mỹ, UBND TP đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ bảo lãnh phần vốn vay nước ngoài của Công ty cầu Phú Mỹ.
Tháng 11-2006, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định về việc bảo lãnh khoản vay nước ngoài cho dự án BOT cầu Phú Mỹ, cho phép Bộ Tài chính phát hành thư bảo lãnh cho hợp đồng tín dụng với các ngân hàng nước ngoài.
Nhằm tạo điều kiện thực hiện dự án cầu Phú Mỹ, UBND TP còn cam kết ưu tiên cho Công ty cầu Phú Mỹ được đầu tư các khu đất đã được đền bù và tạm giao cho công ty làm công trường xây dựng gồm 8,2ha đất ở P.Thạnh Mỹ Lợi (Q.2) và 2,1ha đất ở Q.7.
Đồng thời, UBND TP cam kết hạn chế tối đa các loại xe tải lưu thông từ xa lộ Hà Nội vào trung tâm TP qua cầu Sài Gòn, cầu Tân Thuận, hầm Thủ Thiêm... Tất cả các xe từ cảng Bến Nghé, cảng Sài Gòn ra miền Đông, miền Tây Nam bộ phải đi theo hướng qua cầu Phú Mỹ.
Theo một chuyên gia ở Khu quản lý giao thông đô thị số 2, điều đáng lo nhất là toàn bộ vốn vay ngân hàng trong và ngoài nước khoảng 93 triệu USD của nhà đầu tư đã được Nhà nước bảo lãnh trực tiếp.
Theo đó, nếu dự án bị rủi ro thì nhà đầu tư không bị chế tài mà Nhà nước sẽ gánh chịu. Theo chuyên gia này, đây là vốn vay thương mại với lãi suất cao và đây là lần đầu tiên một dự án tư nhân được Nhà nước bảo lãnh trực tiếp vốn vay.
Điều này cho thấy dự án cầu Phú Mỹ đã được Nhà nước ưu đãi quá nhiều. Thế nhưng, chỉ sau hơn một tháng thu phí giao thông, chủ đầu tư dự án đã nôn nóng cho rằng nguồn thu phí không đủ trả nợ vay ngân hàng kèm theo các kiến nghị chẳng khác nào đá “trái bóng” về phía UBND TP.HCM.
Đầu tư nửa vời
Một cán bộ của Sở Giao thông vận tải TP.HCM chỉ đích danh dự án BOT cầu Phú Mỹ là kiểu đầu tư BOT nửa vời vì chỉ xây cầu Phú Mỹ nhưng không làm đường dẫn vào cầu.
Ba dự án làm đường kết nối với cầu Phú Mỹ không đầu tư theo hình thức BOT mà thực hiện theo hình thức BT (đầu tư và chuyển giao) với tổng vốn đầu tư lúc đầu là 1.400 tỉ đồng (đang đề nghị điều chỉnh tăng vài trăm tỉ đồng nữa) cũng do Công ty cầu Phú Mỹ làm chủ đầu tư.
Mặc dù đến nay dự án nút giao thông khu A - đường kết nối vào cầu Phú Mỹ - còn đang thi công nhưng đơn vị này đã đề nghị TP tạm ứng 348,6 tỉ đồng để trả nợ vay và lãi vay kỳ trả nợ của năm đầu tiên.
Theo các chuyên gia về giao thông, việc đầu tư BOT cầu Phú Mỹ đang đặt ra nhiều vấn đề về năng lực tài chính của nhà đầu tư, bởi vì chủ đầu tư đang “quơ quào” nhằm tăng nguồn thu cho cầu Phú Mỹ. Cụ thể là đề nghị thu phí xe gắn máy trong khi việc thu phí loại xe này không có trong hợp đồng BOT cầu Phú Mỹ.
Các chuyên gia về giao thông cho rằng dự án BOT cầu Phú Mỹ đã phát sinh nhiều vấn đề mà các cơ quan chức năng cần rút kinh nghiệm. Và việc Công ty cầu Phú Mỹ đề xuất đầu tư xây dựng cầu Sài Gòn 2 theo hình thức BOT cần được xem xét toàn diện. Bởi vì ở Q.2 đang có trạm thu phí giao thông ở xa lộ Hà Nội, cầu Phú Mỹ và sắp tới là hầm Thủ Thiêm.
Nếu sau này có thu phí cầu Sài Gòn 2 thì ở khu vực này có đến bốn trạm thu phí. Hơn nữa, nếu Nhà nước bảo lãnh vốn vay ngân hàng đầu tư xây dựng cầu Sài Gòn 2 thì có khi thiệt hại lại là Nhà nước và chính người dân là nạn nhân vì phải trả phí giao thông kéo dài.
“Thu phí xe hai bánh là phạm luật” |
- Đại biểu PHẠM MINH TRÍ (thành viên Ban kinh tế và ngân sách HĐND TP): Tôi rất ngạc nhiên |
Bình luận (0)