Liên quan đến việc khiếu kiện của người dân tổ 82 và 89, phường 2, quận Tân Bình – TPHCM về hướng tuyến của dự án đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (TSN-BL-VĐN), tại cuộc họp sáng 11-8, ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT TP, đã trình bày về cơ sở pháp lý và thiết kế tuyến của dự án này, sau khi Thanh tra Bộ Xây dựng cho rằng khiếu kiện của người dân là có cơ sở.
Một đoạn tuyến của dự án mới giải tỏa tại phường 11, quận Gò Vấp. Ảnh: T. THẠNH
“Có thể lệch qua, lệch lại”
Ông Phượng cho biết TPHCM đã trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo tiền khả thi của dự án TSN-BL-VĐN, đính kèm phương án thiết kế tỉ lệ 1/2.000 do Công ty Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam lập để tham khảo quy mô phương án đầu tư vào năm 1997.
Sau đó, Thủ tướng có Công văn 4557/KTN ngày 12-9-1997 chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường. Ông Phượng giải thích: “Thủ tướng chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư chứ không phê duyệt quy hoạch tuyến đường. Trong quá trình lập dự án, các nhà tư vấn sẽ nghiên cứu đề xuất các phương án trình các bộ thẩm định trước khi trình Thủ tướng phê duyệt. Hướng tuyến lập trước đó chưa được phê duyệt mà chỉ là căn cứ để nghiên cứu dự án”.
Theo ông Phượng, vì TSN-BL-VĐN là đường vành đai (tiền thân là Vành đai số 1) nên TPHCM lúc bấy giờ không có thẩm quyền trong dự án này mà phải do Thủ tướng phê duyệt.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2007, sau khi Thủ tướng đồng ý về chủ trương cho phép TPHCM hợp nhất Vành đai số 1 và Vành đai số 2 thành một tuyến vào năm 2007, đoạn còn lại của Vành đai số 1 - chính là đường nối TSN-BL-VĐN - lúc này đã trở thành tuyến đường trục đô thị.
Do đó, căn cứ vào Luật Giao thông đường bộ, ông Phượng khẳng định: “UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có quyền quyết định quy hoạch đường đô thị. Thủ tướng không phê duyệt loại đường này mà đơn vị phê duyệt là Bộ Xây dựng”.
Giải thích về chuyện hướng tuyến đường TSN-BL-VĐN thay đổi so với báo cáo tiền khả thi, ông Phượng cho rằng: “Trong quá trình thiết kế kỹ thuật có thể lệch qua, lệch lại. Hướng tuyến dự án có thể thay đổi chứ không như đinh đóng cột. Đến năm 1999, Kiến trúc sư trưởng TPHCM đã phê duyệt lại hướng tuyến so với hướng tuyến trong báo cáo tiền khả thi, dĩ nhiên là theo hướng có lợi hơn về mặt quy hoạch lẫn dân cư”.
Theo đó, Vành đai số 1 có lộ giới 60 m và đường Hồng Hà lộ giới 20 m. Đến cuối năm 2006, Bộ Xây dựng có kết quả thẩm định thiết kế cơ sở, trong đó tuyến đường nối TSN-BL-VĐN được tách làm hai ở đoạn từ nút giao thông Trường Sơn đến nút giao thông Nguyễn Thái Sơn: một nhánh đi theo đường Hồng Hà và một nhánh theo đường Bạch Đằng - Nguyễn Thái Sơn.
Riêng về văn bản của Thanh tra Bộ Xây dựng gửi UBND TPHCM ngày 29-7 cho rằng khiếu kiện của người dân tổ 82 và 89, phường 2, quận Tân Bình về chuyện TP tự ý điều chỉnh đường nối TSN-BL-VĐN là có cơ sở, ông Phượng tỏ ra nghi ngờ: “Không biết chánh Thanh tra Bộ Xây dựng có biết đường nối này đã trở thành đường đô thị và TPHCM được quyền quy hoạch hay không? Cách nói của chánh Thanh tra Bộ Xây dựng là không chính xác, dễ dẫn đến nhầm lẫn”.
Tiền hậu bất nhất
Theo ông Phượng, đến năm 2006, TPHCM mới có quyền quy hoạch đường nối TSN-BL-VĐN - lúc này đã trở thành đường đô thị. Tuy nhiên, theo tài liệu ông Phượng cung cấp sáng 11-8 thì cuối năm 2005, UBND TPHCM có quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung quận Tân Bình, sau đó UBND quận Tân Bình đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/2.000 khu dân cư phường 2 và có cập nhật đường nối TSN-BL-VĐN. Trong đó, đoạn tuyến theo hướng đường Bạch Đằng (qua tổ 82 và 89, phường 2) có lộ giới rộng 20 m.
Như vậy, đến cuối năm 2005, quy hoạch giao thông trên địa bàn phường 2 và phường 4, quận Tân Bình đã tồn tại 2 tuyến đường: một phần đường nối TSN-BL-VĐN có lộ giới 20 m và đường Hồng Hà lộ giới 20 m. Thế nhưng, đến thời điểm này, TPHCM vẫn không được quyền quy hoạch đường vành đai, tại sao lại thay đổi lộ giới từ 60 m xuống còn 20 m? Và, lúc này cũng không rõ tuyến đường vẫn là một hay đã tách làm hai.
Ngoài ra, ông Phượng khẳng định vào năm 1997, Thủ tướng chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư đường nối TSN-BL-VĐN chứ chưa phê duyệt quy hoạch hướng tuyến (Công văn 4557/KTN).
Tuy nhiên, trong văn bản số 1119/GT-GT do chính ông Phượng, lúc đó là phó giám đốc Sở GTVT TPHCM, ký vào tháng 10-2002 cho thấy phương án tuyến được chọn là “tuyến đi theo quy hoạch tổng thể phát triển Cụm cảng hàng không sân bay Tân Sơn Nhất ở đoạn đầu, sau đó nối vào ngã ba Chú Ía”.
Văn bản này ghi rõ 4 ưu điểm của phương án được chọn, trong đó có ưu điểm “tuyến đường Hồng Hà và Bạch Đằng đi song song sẽ là tuyến dự phòng giải quyết ách tắc giao thông cho tuyến mới”. Đồng thời, văn bản này khẳng định hướng tuyến trên đã được Thủ tướng phê duyệt tại Công văn 4557/KTN!
Cuối năm 2009 sẽ bàn giao mặt bằng
|
Bình luận (0)