Ngày 8-6, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự án đường sắt cao tốc (ĐSCT) Hà Nội – TPHCM.
Đánh thức những “nàng tiên”
Là người ủng hộ chủ trương xây dựng ĐSCT, đại biểu (ĐB) Lương Phan Cừ (Đắk Nông) “khai hỏa” ngày thảo luận: “Bây giờ mới đặt vấn đề xây dựng ĐSCT là muộn. Có ĐSCT, kinh tế - xã hội sẽ phát triển, một loạt bãi tắm đẹp ở miền Trung như những nàng tiên đang ngủ sẽ được đánh thức”.
ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) không đồng tình: Dự án này quá lãng mạn. Nếu tỉnh giấc, nàng tiên sẽ hỏi ngay “tiền ở đâu ra?”. Tôi có chỉ số IQ thấp, không đồng ý thông qua! (vì trước đó, có ĐB cho rằng các nước có chỉ số IQ cao đều xây ĐSCT- PV).
ĐB Thuyết còn lưu ý các ĐBQH phải xem xét tài liệu liên quan đến dự án này một cách thận trọng. Vì báo cáo của Chính phủ đã bác bỏ mọi giải pháp phát triển giao thông khác để áp đặt vị trí độc tôn cho ĐSCT. Thậm chí, tờ trình của Chính phủ còn nhận định chúng ta đã quá tập trung cho đường bộ làm tăng nhanh phương tiện cá nhân, gia tăng tai nạn giao thông.
“Giao thông đường bộ còn khó khăn. Đồng bào Kon Tum phải đu dây vượt sông Pôkô. Người viết báo cáo trên có sống ở VN không mà nhận định như vậy?” - ĐB Thuyết bức xúc. Hội đồng Thẩm định Nhà nước cũng không đáng tin tưởng vì thành viên gồm có 1 bộ trưởng, 7 thứ trưởng, trong đó có thứ trưởng Bộ GTVT, không có chuyên gia trong ngành đường sắt.
Tại một ga tàu cao tốc của Nhật. Ảnh: Thanh Nhật
Như thế, khác gì nghiên cứu sinh làm dự án nhưng lại có chân trong hội đồng phản biện. ĐB Thuyết cũng đề nghị 21 ĐBQH được cơ quan lập dự án mời đi tham quan ĐSCT của Trung Quốc cần báo cáo QH để làm cơ sở tham khảo. Có ĐB còn cho rằng tư vấn lập dự án là công ty Liên doanh Việt - Nhật nhưng thẩm định dự án lại là liên doanh Nhật -Việt là điều quá khôi hài.
“Ủng hộ hay không ủng hộ đều vì tương lai của đất nước. Không phải người tán thành thì có chỉ số IQ cao, không tán thành thì có chỉ số IQ thấp”, ĐB Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) điềm đạm nói.
Là người ủng hộ chủ trương đầu tư dự án này, ĐB Thanh cho rằng nếu cứ để giao thông xập xệ như hiện nay, đi từ Hà Nội đến Thanh Hóa có 180 km nhưng mất 4 giờ là có lỗi.
ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) cho rằng 56 tỉ USD xây dựng ĐSCT là đầu tư cho tương lai, thúc đẩy phát triển kinh tế, con cháu được hưởng chứ không phải đánh mất. Đây thực sự là món quà cho thế hệ tương lai, có điều phải giám sát chặt chẽ.
Nên lùi đến năm 2020
Quà cho con cháu, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận (ĐB Quảng Nam) là nên tập trung nguồn lực để giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc giao thông, nâng cấp để hệ thống đường bộ miền Trung tránh được mưa lũ, thay vì vay tiền làm ĐSCT.
ĐB này cũng chỉ rõ: Xét tiềm lực kinh tế và năng lực điều hành của VN hiện nay đều chưa thể thực hiện dự án. Về vốn, hai nhà tài trợ là Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á đã từ chối cho vay, thậm chí cảnh báoVN “đừng trèo cao kẻo ngã đau”.
Chỉ còn Nhật Bản cam kết cho vay nhưng không có gì bảo đảm trong 10 năm tới, họ không thay đổi cam kết. Vả lại, không ai dám khẳng định dự án này không có thất thoát, lãng phí.
“Hôm nay, chúng ta chỉ thông qua chủ trương, để đến năm 2020, VN cơ bản thành nước công nghiệp, con cháu chúng ta giỏi hơn sẽ làm ĐSCT” - ông Thuận đề xuất.
Lùi triển khai dự án đến năm 2020 được nhiều ĐBQH phát biểu sau đó đồng tình. Nhưng chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch (ĐB TPHCM) lại không đồng tình và cho rằng phải làm rõ chủ trương ngay từ kỳ họp này.
Cần lựa chọn công nghệ hiện đại, bảo đảm tàu chạy đạt vận tốc 300 km/giờ để nhiều năm sau khai thác không bị lạc hậu. ĐB này ví như chúng ta đang đặt móng để xây ngôi nhà cho tương lai nên phải xây móng đủ chắc để sau này con cháu có thể nâng nhà lên nhiều tầng mà không phải làm móng lại.
Song ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) lại đề xuất: Khi nào thu nhập bình quân đầu người đạt 3.000 USD trở lên mới làm ĐSCT.
Chưa yên tâm “bấm nút”
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cảnh báo Thái Lan, Indonesia đã dừng vay vốn ODA vì nhận thấy nguồn vốn này có nhiều ràng buộc, tính ra đắt hơn vay thương mại. ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đặt câu hỏi: ĐSCT sẽ làm tăng nợ quốc gia, cần xem xét khả năng vay-trả.
Do tính phức tạp của dự án, nhiều ĐBQH tỏ ra lo lắng trước khi bấm nút thông qua. ĐB Trần Du Lịch cho biết trước phiên thảo luận, ông đã nhận được nhiều cuộc điện thoại và tin nhắn của nhiều cá nhân tỏ ý rất băn khoăn về ĐSCT. Thậm chí có người khẳng định nếu ủng hộ chủ trương này là sai.
ĐB Phạm Quốc Anh (Đồng Nai) cho rằng sau thảo luận, QH cần tổng hợp 2 luồng ý kiến để báo cáo cử tri. ĐB Lê Việt Trường (An Giang) đề xuất kỳ họp này chỉ cho ý kiến bước đầu để Chính phủ hoàn thiện dự án, để kỳ họp QH sau biểu quyết. Tránh việc ĐB “bấm nút” thông qua nhưng trong lòng vẫn còn nhiều lo lắng.
Chủ trì phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cho biết Ủy ban Thường vụ QH sẽ họp trước ngày 14-6 để chuẩn bị tài liệu xin ý kiến QH trước khi thông qua nghị quyết về dự án này.
Hôm nay (9-6), QH thảo luận về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 và dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Lùi thời điểm khởi công đến 2014
Trước khi thảo luận, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày báo cáo giải trình bổ sung về dự án này. Phần trình bày của Bộ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh tính cấp thiết cần xây dựng ĐSCT, lùi thời hạn dự kiến khởi công đến năm 2014 (chậm lại 2 năm so với dự kiến ban đầu). Về phương án huy động vốn, Chính phủ sẽ linh hoạt hơn, giảm dần tỉ lệ đầu tư từ ngân sách Nhà nước, tăng đầu tư của các thành phần kinh tế khác. |
Bình luận (0)