Nhằm tăng cường quản lý và minh bạch hóa thị trường bất động sản (BĐS), Bộ Xây dựng đang xây dựng dự thảo thông tư về phân hạng sàn giao dịch BĐS. Theo thống kê, sau gần 2 năm thực hiện Luật Kinh doanh BĐS, hiện cả nước có hơn 500 sàn giao dịch BĐS đăng ký hoạt động.
Tuy nhiên, chỉ một số sàn giao dịch hoạt động, số còn lại đăng ký hình thức nên tỉ lệ giao dịch trên sàn rất thấp, chỉ chiếm 15% đến 20% lượng giao dịch. Hầu hết các sàn giao dịch BĐS chưa thực hiện công khai thông tin về BĐS cũng như không thực hiện báo cáo định kỳ. Còn các cơ quan chức năng chưa tổ chức tốt và thường xuyên các cuộc thanh tra, kiểm tra để kịp thời xử lý vi phạm của chủ đầu tư và sàn giao dịch trong hoạt động kinh doanh BĐS...
Theo giới chuyên môn, hiện 90% dự án BĐS đều có vấn đề về mặt pháp lý. Phân tích từ các công ty nghiên cứu thị trường cho thấy hầu hết những thông tin về các dự án BĐS rất ít được doanh nghiệp công bố, mà chủ yếu là giao dịch ngầm trên thị trường, bán theo kiểu trao tay.
Ông Adam Bury, Trưởng Phòng Nghiên cứu thị trường và Tư vấn CBRE VN, cũng cho rằng hiện nhiều giao dịch trên thị trường BĐS chủ yếu là giao dịch ngầm, trong khi việc thống kê chỉ dựa trên những dự án công bố. Điều này cho thấy chỉ số minh bạch của thị trường BĐS Việt Nam vẫn rất thấp.
Còn tại TPHCM, Phòng Phát triển nhà thuộc Sở Xây dựng cũng vừa đưa ra lấy ý kiến về dự thảo quy chế quản lý hoạt động các sàn giao dịch BĐS. Theo dự thảo này, định kỳ vào ngày 25 hằng tháng, các sàn phải gửi xác nhận BĐS và bản thống kê xác nhận BĐS đã giao dịch qua sàn về Sở Xây dựng để sở nắm được những biến động, qua đó có những chính sách điều chỉnh phù hợp giúp thị trường hoạt động theo hướng minh bạch hơn.
Không chỉ có vậy, các sàn sẽ bị những hình thức chế tài cụ thể khi hoạt động vi phạm quy định pháp luật. Dự thảo này cũng đề ra việc xử phạt lên đến 60 triệu đồng nếu tổ chức, cá nhân nào vi phạm; nếu gây thiệt hại phải bồi thường, thậm chí tái phạm sẽ bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh từ 1 đến 3 năm hoặc vô thời hạn.
Bình luận (0)